Sự nhầm lẫn giữa hoa Sa La và hoa Đầu Lân
- Theo sư Shravasti Dhammika, cho rằng vào khoảng thế kỷ 19 người Bồ Đào Nha đã đưa cây Cannonball Tree (Hay còn gọi là cây Hoa Đầu Lân) vào nước Tích Lan và được trồng nhiều ở những nơi có chùa tháp (Xem hình 1)...Do không có cây Sa la Nguyên thủy như ở Ấn Độ (hoa màu trắng) để Phật tử dùng vào việc dâng hoa, thờ phụng, nên cây này cũng được xem là cây thiêng, và (không biết từ lúc nào) họ cũng gọi loài cây này (Cannonball Tree) là cây "Sa la". Ngày nay, loài cây Cannonball Tree cũng được trồng nhiều ở sân chùa Việt Nam và người Việt chúng ta thường hay gọi là cây hoa "Sa la", đôi khi gọi là cây "Hoa Sa la Tích Lan" (để phân biệt hoa Sa la ở Ấn Độ).
- Cây Sala Ấn Độ có hoa màu trắng mới đích thực là cây Sala được nhắc đến trong kinh Phật thời xưa.(Xem hình 2-3)
- Theo thầy Thích Thanh Thắng trong một bài viết có nói: Sa la là loài thân gỗ, danh pháp Shorea robusta, thuộc họ dầu (Dipterocarpaceae), lá mọc so le, hình bầu dục, gân lá nổi rõ như hình xương cá, búp nụ xoắn, hoa 5 cánh nhỏ hơi quăn, màu trắng, mọc thành từng chùm ở đầu cành, có hương thơm ngát.
"Cây “Sa la” mà khá nhiều người Việt hiện nay hiểu nhầm không phải là cây Sāla (Sal tree), một loài cây ghi dấu nơi Đức Phật Thích Ca nhập diệt trong rừng Sāla tại Câu Thi Na (Kusinārā), kinh đô của tiểu quốc Mallas, Ấn Độ cổ đại.
Cây “Sa la” bị gọi sai chính là cây ngọc kỳ lân, đầu lân, hay hàm rồng, tên khoa học là Couroupita guianensis, thuộc họ Lecythidaceae, chi lộc vừng (Barringtonia), người Ấn cũng xem là một loài cây thiêng, được trồng ở một số đền thờ Hindu giáo, nhưng họ gọi loài này là Nagakeshar, hay Nagalingam.
_ Kinh Đại bát Niết bàn miêu tả lúc Đức Phật nhập diệt như sau:
“Lúc đó, đúng giữa đêm, Đức Như Lai nằm trên giường thất bảo trong rừng Sa la nhập tứ thiền yên lặng mà Niết bàn. Liền đó, bốn cặp cây Sa la: cặp hướng đông, cặp hướng tây, bốn ngọn cây hợp lại thành một tàng, cặp hướng nam, cặp hướng bắc, bốn ngọn cây hợp lại thành một tàng, che giường thất bảo trùm lên thân Như Lai. Những cây Sa la đó, tất cả lá biến thành sắc trắng như bạch hạc, nhánh lá, hoa trái và thân cây thảy đều rụng rớt nứt nẻ, lần lần khô héo gãy rớt. Đồng thời, vô lượng thế giới ở mười phương đều chấn động, vang ra tiếng rằng: “Khổ thay! Khổ thay! Thế giới trống rỗng”. Lại vang ra tiếng buồn than diễn nói nghĩa vô thường, khổ, không”.
_ Trong cuốn “Đường Xưa Mây Trắng” tả về những phút cuối đời của Phật: “Khi Bụt và các vị khất sĩ tới được rừng Sala thì trời đã xế chiều. Bụt bảo thầy Ananda soạn chỗ nằm cho Bụt giữa hai cây sala, rồi Bụt nằm xuống trong thế sư tử tọa, đầu hướng về phương Bắc. Các vị khất sĩ chia nhau ngồi bao quanh Bụt. Họ biết nội trong đêm nay, tại rừng sala nầy, Bụt sẽ nhập niết bàn. Bụt đưa mắt nhìn rừng cây rồi nói với Ananda: – Nầy Ananda, thầy hãy nhìn xem, bây giờ đâu phải là mùa hoa, mà những cây sala này đang nở hoa trắng xóa. Hoa rụng trên áo Như lai và trên cả áo các vị khất sĩ, thầy thấy không? Rừng nầy đẹp quá thầy có thấy mặt trời đang ngả về phía Tây và chân trời thật rạng rỡ hay không? Thầy có nghe gió nhẹ rì rào trong các cành sala không? Vạn vật đối với Như lai dễ thương và đằm thắm quá. Này các vị khất sĩ, nếu các vị muốn dễ thương với Như Lai, muốn tỏ lòng cung kính và biết ơn Như lai thì các vị chỉ có thể bày tỏ điều đó bằng cách sống đúng chánh pháp và đi trong chánh pháp mà thôi…” (Trích "Đường Xưa Mây Trắng"– Thích Nhất Hạnh)
-P/s: Hoa nào cũng đẹp, hoa dâng cúng Phật thì càng đẹp hơn. Bài viết chỉ để "tham khảo thêm" cho tường tận, tránh "xa dần" nguồn cội vậy. _()_
* Tuệ Đăng-Nhuận Thường. * Trong Ảnh đã có chú thích rõ