Phật giáo Đắk Nông kế thừa và phát triển
Admin - Ngày đăng: 11:50:08 10-06-2017
Đào tạo tốt thế hệ xuất gia thành tài, chính là gây dựng nguyên khí của giáo hội, hướng dẫn tốt các Phật tử chính là Phật hóa gia đình, đào tạo thế hệ trẻ đúng hướng chính là đặt nền tảng phát triển bền vững cho Phật giáo và Tổ quốc mai sau.
THAM LUẬN
TẠI ĐẠI HỘI PHẬT GIÁO TỈNH ĐẮK NÔNG
( Nhiệm Kỳ III: 2017 - 2022 )
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Kính bạch Chư Tôn Hòa Thượng Chứng minh, Chư Thượng tọa Đại đức Tăng Ni, kính thưa chư vị đại diện các cấp lãnh đạo chính quyền ban ngành đoàn thể, cùng quý thiện hữu tri thức, các nam nữ Phật tử đại biểu trên toàn tỉnh.
Kính thưa Đại hội!
Hôm nay trong không khí trang nghiêm tràn đầy niềm hoan hỷ của ngày Đại hội Phật giáo tỉnh nhiệm kỳ III, lời đầu tiên cho phép chúng con dâng lên Chư Tôn Đức cùng quý liệt quý vị lời vấn an sức khỏe, chúc Đại hội thành công tốt đẹp.
I. Dẫn nhập
Cách đây hơn 2600 năm, Đức Phật, một nhà giáo dục vĩ đại, luôn nêu cao hạnh nguyện:"vì lợi ích cho số đông, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc và an lạc cho chư thiên và loài người". Các vị đệ tử của Người cũng luôn thực hiện di huấn: "Này các thầy Tỳ Kheo! Các thầy hãy ra đi một người một ngã, đem ánh sáng đạo mầu hoằng truyền chánh pháp vì lợi tha cho quần sanh nhân loại". Chư vị Tổ sư và các bậc Thiền sư Hòa thượng tiền bối đã đặt nền móng vững chắc cho Phật giáo tại đất nước Việt nam, chúng ta kế thừa và phát triển Phật giáo phù hợp với tình hình của xã hội hiện tại, đó cũng là chủ đề chính của tham luận này trong Đại hội.
II. Nội dung
Trong việc kế thừa mạng mạch của Đức Phật và chư vị Tổ sư Hòa thượng tiền bối, bài viết chỉ xin nhấn mạnh các phương hướng mà chúng ta có thể làm tốt hơn trên nền tảng thành công mà Phật giáo tỉnh Đắk Nông đã hoàn thành và đạt được trong nhiệm kỳ II vừa qua.
1)Đào tạo thế hệ xuất gia kế thừa
Từ lúc có Chư Tăng Ni về các trụ xứ đến nay, các chùa đã tiếp nhận và giáo dục cho rất nhiều người xuất gia, trong đó các đệ tử lớn vị đã thọ giới Tỳ kheo, hoặc đã tham gia các trường Phật học, Đại học Phật giáo.
Mạng mạch của Phật giáo do Tăng già hoằng hóa, và việc đào tạo giáo dục những người xuất gia ở các chùa, chính là xây dựng thế hệ kế thừa cho Tăng già, đây là sự nghiệp cần được quan tâm nhất trong các sự nghiệp về giáo dục.
Với điều kiện địa lý phân bố mỗi chùa mỗi xã, có chùa thì được một hai chú tiểu, chùa thì năm sáu chú. Thầy trụ trì thì quá bận công việc Phật sự ở cơ sở mới thành lập, thời gian còn lại để dạy dỗ không còn nhiều, cho nên việc đào tạo khó đạt được kết quả cao. Nên việc mở một lớp học gia giáo tập trung các chú lại trong mùa nghỉ hè ở một ngôi chùa hội đủ không gian và địa điểm thuận tiện, sẽ là một môi trường hữu ích cho việc đào tạo. Thứ nhất các thầy cô trong các huyện với trình độ chuyên môn thừa sức đào tạo lớp sơ cấp gia giáo này. Thứ hai, khi tập trung như vậy sẽ tạo động lực thi đua học tập. Thứ ba, quá trình học tập sẽ thắt chặt thêm tình huynh đệ chúng điệu các chùa. Thứ tư, việc thầy cô bổn sư cùng nhau làm giáo thọ giảng dạy chính là tạo nên tinh thần đoàn kết và trách nhiệm chung trong việc giáo dục thế hệ kế thừa.
Nếu tổ chức được lớp này, thì các chú xuất gia sẽ phát triển tốt hơn, được đào tạo tốt hơn, khi tham gia vào các lớp trung cấp, đại học Phật giáo, sẽ bắt kịp học lực ở các tỉnh thành phát triển khác.
Khi đề cập vấn đề này, chúng tôi vẫn đắn đo khá nhiều khi Phật giáo tỉnh Đắk Nông chỉ mới thành lập không lâu, nhân sự còn ít, công việc lại nhiều, như xây dựng, kiện toàn tổ chức v.v..liệu lớp học này có quá sức và chưa phù hợp hay không? Thôi thì, đó còn là một quá trình phấn đấu, không chỉ riêng của một cá nhân, không phải một thời gian ngắn mà còn đỏi hỏi nhiều ở sự tâm huyết và đồng lòng của Tăng Ni lãnh đạo và các chùa địa phương.
Một danh ngôn nói rằng: “Ước mơ nhiều lúc có thể xa tầm với, nhưng lý tưởng thì có thể thành hiện thực, chúng ta nỗ lực vì nó, thì sẽ thực hiện được mục tiêu.”Lý tưởng chúng ta đã có, nhân lực cũng có, vấn đề còn lại là nỗ lực làm hay không nữa mà thôi.
2)Lớp giáo lý Sứ giả Như Lai
Đức Phật luôn nhấn mạnh rằng: “Tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta”. Niềm tin chỉ là bước đầu cho chúng ta hướng về đạo Phật, nếu không hiểu đúng, niềm tin thiếu sự hiểu biết, thì chắc chắn khó tránh khỏi những kết quả tiêu cực cho bản thân và tập thể người con Phật, nên việc học Phật rất thiết yếu.
Trong các năm qua, các chùa đã tổ chức Đạo tràng niệm Phật và Bát quan trai, quý thầy cô đảm trách vừa kết hợp nghi lễ tụng niệm và việc hướng dẫn tu tập giảng dạy cho Phật tử những giáo lý căn bản. Nhưng số lượng người tham dự chưa đông, hoặc tham gia không đều, phải chăng phương pháp tổ chức chúng ta chưa hợp lý, hoặc có lẽ thời gian tham dự cả ngày quá dài, nên một số người không dám tham dự và nhiều lý do khác nữa. Đó là điều chúng ta cần thực tâm nhìn đúng hiện trạng và tìm giải pháp.
Chúng tôi nghĩ, các chùa nên mở thêm lớp giáo lý hằng tuần, có thể là chủ nhật hoặc thứ 7, tùy theo địa phương. Phải có giáo trình hẳn hoi, và thời gian tối đa kéo dài khoảng 1 giờ, bao gồm giảng dạy và trao đổi chia xẻ cuối giờ học. Chúng tôi tạm gọi là lớp “Sứ giả Như Lai”, như cố Hòa thượng Thích Thiện Hoa đã làm và đã thành công rất lớn. Chính những Sứ giả này sẽ là người truyền đạt những nhận thức đúng của đạo Phật đến với bà con lối xóm.
Nếu đồng lòng và trách nhiệm cùng nhau, thì Chư Tăng Ni trong các huyện cũng có thể đảm đang được. Nhất là phải soạn thảo chung giáo án, và nếu cần có thể thay nhau đảm trách ở các chùa. Bên cạnh đó cũng phải cần lưu ý đến phòng học và bàn ghế tương đối để có thể ngồi học lâu mà ít mệt. Sau mỗi khóa kéo dài 2 đến 3 tháng là tổ chức thi để đánh giá, đồng thời huyện hội tặng bằng khen cho những cá nhân tích cực và học giỏi.
3)Tuổi trẻ hướng Phật
Tuổi trẻ tham dự khóa tu trong mùa hè rất đông và đạt được thành công lớn. Các chùa tổ chức mô hình tu học một ngày cho thanh thiếu niên Phật tử trong thời gian này cũng đã mang ý nghĩa tích cực cho các bạn.
Thực trạng, hiện nay một số chùa vẫn duy trì lớp học cho thanh thiếu niên Phật tử hằng tuần, nhưng các cháu đi chưa đều, và chưa thực sự thu hút nhiều giới trẻ. Có lẽ quỹ thời gian dành cho việc học ở nhà trường đã chiếm hết thời gian, hoặc là phụ huynh chưa mặn mà để động viên và đưa con đến chùa tham dự lớp học. Hoặc có lẽ do chúng ta tổ chức mô hình chưa phù hợp xu hướng của tuổi trẻ. Thiết nghĩ chúng ta nên cân nhắc lại một số vấn đề sau:
Thứ nhất: chúng ta có thể linh động tổ chức cho các cháu một buổi chiều hay sáng, phù hợp thời gian từng địa phương, phụ hợp thời gian các cháu học.
Thứ hai: Đào tạo nhân sự tuổi trẻ có đủ khả năng và tâm huyết, và tấm lòng phát triển giới trẻ kế thừa cho Phật giáo.
Thứ ba: nội dung chương trình học hè cần vừa vui vừa học. Không quá đặt nặng về vấn đề nghi lễ. Mà nghi lễ nên ngắn gọn, nội dung việt hóa, dễ hiểu, dễ đọc tụng, tốt hơn nữa là chuyển tải nội dung thành các bài hát
Trong ba vấn đề trên, cái quan trọng nhất chính là nhân sự tổ chức, nhân sự ấy phải mang được không khí tuổi trẻ nhiệt huyết thời đại mới, phải biết truyền đạt tinh thần đạo Phật dưới cách nhìn tuổi trẻ. Biết lắng nghe sự góp ý của những bực trưởng thượng ở trên, và quan tâm đến ý nguyện của lớp đàn em đi sau, “thượng cung, hạ kỉnh, hòa kỷ hòa tha”. Một thế hệ lãnh đạo tuổi trẻ mang tầm vóc lớn, được mọi người yêu thương, thì lo gì chúng ta không phát triển được các đàn em của mình.
Cuối cùng là phụng sự nhân sinh. Đạo Phật là ánh sáng dẫn đường cho những ai thiết tha làm theo, đạo đức ấy cần thấm vào từng hơi thở, lời nói, vào lối sống, ứng xử nhân sinh của các thanh thiếu niên qua những hành động thiết thực, như công tác thiện nguyện an sinh xã hội, giúp đỡ người neo đơn.
B. Kết Luận
Nước Việt nam chúng ta đang phải đối diện với nhiều vấn nạn, học đường, thực phẩm bẩn, tệ nạn xã hội, ghiện game v.v.. và gần đây nhất là tem giấy gây nghiện và ảo giác đang len lõi vào trường học, gây nhiều hoang mang cho phụ huynh. Phát triển và hiện đại nhưng thiếu nhân tố đạo đức nhân bản thì con người càng tự hủy diệt mình.
Đạo Phật nêu cao tinh thần từ bi, xây dựng đạo đức nhân bản, hướng dẫn con người đến một cuộc sống hài hòa với mọi người, thân thiện với môi trường thiên nhiên theo giáo lý nhân duyên quả.
Đạo Phật phát triển và đi vào cuộc đời chính là góp phần cải hóa đạo đức xã hội, phồn vinh cuộc sống. Sự phát triển bằng Giáo dục mà đạo Phật hướng tới như bài viết đề cập, không chỉ đơn thuần là phát triển số lượng tín đồ mà cao quý hơn cả là giáo dục phẩm giá đạo đức con người và đạo đức sống cho thế gian này.
Có một câu danh ngôn nói rằng: “Cũng giống như chăm sóc sức khỏe, giáo dục là thứ đáng để bỏ tiền và đáng để đầu tư”. Chúng ta có thể đầu tư để xây chùa khang trang, làm từ thiện khắp nơi, thì không lý gì lại không đủ điều kiện mạnh dạn đầu tư nhiều cho việc giáo dục.
Đào tạo tốt thế hệ xuất gia thành tài, chính là gây dựng nguyên khí của giáo hội, hướng dẫn tốt các Phật tử chính là Phật hóa gia đình, đào tạo thế hệ trẻ đúng hướng chính là đặt nền tảng phát triển bền vững cho Phật giáo và Tổ quốc mai sau.
---------------
Bài tham luận này chắc chắn không sao tránh khỏi những sai sót, kính mong chư vị hoan hỷ lượng thứ cho.
Cám ơn Đại hội đã dành thời gian lắng nghe. Chúc Đại hội thành công!
Các Tin Khác