Điểm du lịch đặc sắc ở Tây Nguyên
Tây Nguyên đầy nắng và gió - sẽ là địa điểm du lịch lí tưởng cho bạn giải nhiệt mùa hè.
Nhà rông Kon Klor (Kon Tum)
Nhà rông Kon Klor (Kon Tum).
Nhà rông Kon Klor là nhà rông lớn nhất Kon Tum, đây là một biểu tượng của văn hóa các tộc người ở Tây Nguyên. Nhà rông Kon Klor được xây dựng trên một vị thế rất đẹp, trước mặt là con đường Trần Hưng Đạo thẳng tắp, rộng thênh thang, bên phải là cầu treo xinh đẹp, xung quanh những ruộng mía xanh ngút ngàn.
Nhà rông được thiết kế theo kiểu truyền thống với chất liệu hoàn toàn bằng gỗ, tranh, tre, nứa, lá với những hoa văn, họa tiết rất công phu. Do đó, nhà rông Kon Klor là nơi để du khách khám phá văn hóa của đồng bào nơi đây.
Nhà thờ Chánh tòa Kon Tum
Nhà thờ Chánh tòa Kon Tum.
Nằm ở nội vi thị xã, nhà thờ gỗ Kontum xây dựng năm 1913, do một linh mục người Pháp tổ chức thi công. Đây là một thiết kế theo phong cách của Phương Tây nhưng có pha trộn thêm một ít kiến trúc của các ngôi nhà sàn ở Tây Nguyên, chính những nét này đã tạo nên sự độc đáo cho ngôi nhà thờ ở đây.
Do có vị trí nằm giữa những cánh rừng xanh bát ngát nên không khí nơi đây cũng rất dễ chịu và thoải mái. Nhà thờ còn đẹp hơn bởi khu hoa viên có nhà rông cao vút, các bức tượng được tạo nên bằng rễ cây, mang bản sắc văn hóa riêng của đồng bào các dân tộc.
Khu du lịch sinh thái Măng Đen (Kon Tum)
Khu du lịch sinh thái Măng Đen (Kon Tum).
Bạn sẽ phải trầm trồ khi biết rằng ở Tây Nguyên có một “Đà Lạt thứ hai” với phong cảnh tuyệt đẹp, trong lành cùng với tiết trời dịu nhẹ, mát mẻ. Đây chính là địa điểm du lịch hè lí tưởng cho bạn “trốn” nóng.
Măng Đen là khu du lịch sinh thái hấp dẫn bởi cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ của hồ tự nhiên, thác nước nằm giữa rừng thông xanh ngát.
Sự tổng hòa của vẻ đẹp thiên nhiên, nét văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số sống chung ở đây khiến chuyến đi của bạn sẽ cực kì thú vị. Hơn nữa, một chút huyền bí của những truyền thuyết, câu chuyện về vùng đất này cũng khơi gợi sự tò mò, ham muốn khám phá của du khách hơn.
Đến đây, bạn còn được thưởng thức những món ăn truyền thống như cơm lam, gà nướng,… thả hồn mình vào đất trời hoang sơ, thanh bình, bỏ lại những bộn bề, mệt mỏi của cuộc sống ở sau lưng.
Làng voi Nhơn Hòa – Gia Lai
Làng voi Nhơn Hòa – Gia Lai.
Thuộc xã Nhơn Hòa, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, cách thành phố Pleiku khoảng 65km về phía nam, trên quốc lộ 14, Pleiku - BuônMaThuột.
Đến với nơi đây, du khách sẽ được ngồi trên lưng voi, tận hưởng cảm giác lắc lư, bồng bềnh, du khách có dịp thưởng ngoạn không khí trong lành, thuần khiết của núi rừng trên dọc đường đi.
Huyền thoại hồ Lắk – Buôn Jun (Đắk Lắk)
Huyền thoại hồ Lắk – Buôn Jun (Đắk Lắk).
Hồ Lắk là một trong những hồ nước ngọt tự nhiên lớn mang vẻ đẹp tự nhiên thơ mộng của núi rừng.Buôn Jun ở thị trấn Liên Sơn của huyện Lắk. tỉnh Đắk Lắk tựa mình bên hồ Lăk thơ mộng, có vẻ đẹp nguyên sơ của buôn làng Tây Nguyên. Nơi đây luôn giữ cho mình những bản sắc truyền thống đã được bảo tồn qua nhiều thế hệ.
Thác Đray Nur (Đắc Lắk)
Thác Đray Nur (Đắc Lắk).
Thác Đray Nur là thác hùng vĩ nhất ở Tây Nguyên, nơi này là sự kết hợp giữa dòng sông Krông Ana (sông cái) và sông Krông Nô (sông đực). Hai dòng sông này hòa trộn bên nhau đã tạo thành dòng sông Sêrêpốk huyền thoại ở Tây Nguyên nối liền đôi bờ hai tỉnh Đắk Lắk và Đăk Nông. Từ độ cao hơn 30m, dòng thác nghiêng mình đổ xuống sông sâu, tạo nên một bức tranh thiên nhiên huyền diệu.
Nhìn từ xa, thác Dray Nur như một bức tường nước khổng lồ, muôn ngàn sợi nước trắng xóa quấn quít, đan xen, lung linh, huyền ảo. Giữa đại ngàn kỳ vĩ, trùng điệp núi non, thác Dray Nur quyến rũ con người bởi vẻ đẹp tươi tắn, trong lành và những huyền thoại, truyền thuyết về sự ra đời của thác.
Đến với thác Đray Nur, du khách sẽ được thử những cảm giác mạnh khi chui vào hang đá bên trong lòng thác hoặc đi cầu treo, và ghé thăm đời sống sinh hoạt của buôn làng, tìm hiểu văn hóa truyền thống bản sắc dân tộc ở buôn Kuốp.
Khu du lịch sinh thái M’Đrắk (Đắk Lắk)
Khu du lịch sinh thái M’Đrắk (Đắk Lắk).
Tuy mới đi vào hoạt động trong thời gian gần đây nhưng nơi này đã được ca tụng là “Dubai của Việt Nam”. Với những bãi cát trắng trên núi cao, những mỏm đá hình thù độc đáo, khu nghỉ ngơi độc đáo, sang trọng,… đây là địa điểm nghỉ dưỡng thú vị và lí tưởng cho bạn.
Nơi đây còn là tổ hợp của nhiều công trình, cảnh quan như nhà sàn, bãi thả ngựa, hồ nước,… cùng không khí trong lành, tươi mát của vùng núi cao sẽ mang đến cho bạn chuyến du lịch – nghỉ dưỡng đầy thú vị.
Vườn quốc gia Yok Đôn
Vườn quốc gia Yok Đôn.
Nằm trên địa bàn huyện Buôn Đôn và huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, cách thành phố Buôn Ma Thuột 40km về phía Tây Bắc (trên đường đi khu du lịch Buôn Đôn). Vườn quốc gia Yok Đôn là một trong những khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất nước ta với tổng diện tích 115.545ha.
Vườn quốc gia Yok Đôn có nhiều loại cây gỗ quý như giáng hương, cà phê, cẩm lai, trắc, gỗ đỏ, sao lá tím…Rừng nguyên sinh chiếm trên 90% diện tích toàn vườn là môi trường sống lý tưởng cho các loài động thực vật.
Vườn quốc gia Yok Đôn hiện có 67 loài thú, 196 loài chim, 46 loài bò sát, 15 loài lưỡng cư và khoảng 100 loài côn trùng sinh sống. Nguồn động vật hoang dã không những phong phú và đa dạng mà còn rất đặc trưng cho hệ động vật vùng Đông Nam Á. Trong số 56 loài động vật quý hiếm của khu vực Đông Dương thì Yok Đôn có đến 36 loài và 17 loài được ghi trong sách đỏ thế giới như voi, trâu rừng, bò sừng xoắn, hươu sao, sơn dương, gà lôi, công, sáo, phượng hoàng…
Hang động Chư Bluk (Đắk Nông)
Hang động Chư Bluk (Đắk Nông).
Quần thể hang động Chư Bluk ở xã Buôn Choah, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông mới được khai thác. Đây là hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á có cảnh quan vẫn còn nguyên sơ do chưa có dấu chân người khai thác.
Du khách khi đến với Chư Bluk sẽ không khỏi ngỡ ngàng bởi vẻ hoang sơ và kỳ bí. Chư Bluk có đến hơn 100 hang động lớn nhỏ, mỗi một hang lại là một cảnh quan kỳ vỹ được tạo nên từ những dòng dung nham phun ngược đã cách đây hàng triệu năm, điều đặc biệt là nó hình thành nhiều nhánh rẽ ở bên trong hang động.
Vườn hoa Đà Lạt (Lâm Đồng)
Vườn hoa Đà Lạt (Lâm Đồng).
Khi đặt chân lên Đà Lạt, nằm trên cao nguyên Langbian, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh sắc thiên nhiên, thác đổ ào ào, suối tuôn róc rách và đặc biệt là các loài hoa. Không nơi nào trên đất nước ta lại có nhiều hoa như Đà Lạt: từ hoa rừng nhiệt đới tới các loài hoa của Phương Đông, Phương Tây.
Nằm ở cuối hồ Xuân Hương, bên cạnh đồi Cù thơ mộng, cách trung tâm thành phố 2km. Ngày xưa, đã từng được nhắc đến với tên gọi vườn hoa Bích Câu, từ năm 1986 đã được nâng cấp lên thành công viên hoa Thành phố Đà Lạt.
Vườn hoa hiện đang là nơi trưng bày "bộ sưu tập" về hoa lớn nhất và đầy đủ nhất của Đà Lạt với hàng trăm giống hoa khác nhau. Ngoài các giống hoa truyền thống mà du khách đã biết như Cẩm tú cầu, hồng, hồng ri, xác pháo, mimosa; tại vườn hoa còn có hàng chục giống hoa mới được du nhập vào Đà Lạt từ 10 năm nay như các loại cúc, hồng, đồng tiền, đỗ quyên, trà mi...
Thác Datanla (Đà Lạt – Lâm Đồng)
Thác Datanla (Đà Lạt – Lâm Đồng).
Cách trung tâm TP Đà Lạt chừng 5km nhưng vẫn giữ được nét hoang sơ; bí ẩn và thơ mộng của một thắng cảnh du lịch nổi tiếng. Đến đây, ngoài ngắm thác, vui chơi với các dịch vụ du lịch mạo hiểm tại đây, bạn còn được lắng nghe tiếng chim hót, tiếng reo trong ngần ngàn thông.
Datanla chào đón du khách với 7 tầng thác hùng vĩ. Dòng nước trong veo tuôn chảy qua sườn núi đá hoa cương rồi dội xuống những phiến đá lớn tung bọt trắng xóa, ẩn hiện cầu vồng bảy sắc thật ngoạn mục. Chuyện xưa kể rằng thác được che phủ bởi nhiều tầng cây lá, dòng nước trong xanh, mát lành nên các nàng tiên thường xuống tắm.
Xe lửa phố núi Đà Lạt (Lâm Đồng)
Xe lửa phố núi Đà Lạt (Lâm Đồng).
Một nhà Ga vốn được đánh giá là đẹp nhất Đông Dương, cùng với ga Hải Phòng, ga hỏa xa Đà Lạt được xem là cổ kính nhất Việt Nam hiện nay. Đây là nhà ga cao nhất Việt Nam (tọa lạc trên độ cao trên 1.500m so với mặt nước biển) đã được Bộ Văn Hóa - Thông Tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp Bằng Di tíchLịch sử- Văn Hóa .
Nhà ga Đà Lạt có hình dáng như núi Lang Biang hùng vĩ, với chiều dài 66,5m; chiều ngang 11,4m và chiều cao 11m, kiến trúc giống các nhà ga ở các tỉnh miền Nam nước Pháp, tức là có mái và hai đầu mái uốn vòm. Nếu nhìn từ phía bên hông, ta sẽ thấy 3 mái nhọn nhô ra ở phía trên đầu rồi thụt vào ở phía chân, nhưng luôn theo kiểu thẳng đứng. Nhìn từ mặt trước, nhà ga có ba chóp nhọn tam giác tượng trưng cho ba đỉnh núi Lang Biang, còn các mái ngói ở chân tam giác ngoài xiên ra như chân sườn núi.
Thung lũng Tình Yêu (Lâm Đồng)
Thung lũng Tình Yêu (Lâm Đồng).
Thung lũng Tình Yêu là một trong những thắng cảnh thơ mộng nhất tại Đà Lạt, cách trung tâm thành phố khoảng 6 km về hướng Đông Bắc. Đây là nơi đập Đa Thiện quy tụ những dòng suối nhỏ chảy từ đồi núi cao tạo thành hồ Đa Thiện trong vắt uốn mình quanh thung lũng rợp bóng thông xanh.
Ban đầu, người Pháp gọi nơi đây là Valleé d'Amour (Thung lũng tình yêu) sau nó được đổi tên thành Thung lũng Hòa Bình, và năm 1953 trở lại là Thung lũng Tình yêu.
Nguyễn Hà