Tại sao trái tim Ngài Quảng Đức thiêu không cháy ?
Đây là câu hỏi không những ám ảnh những người bình thường mà còn ám ảnh đối với nhiều khoa học gia, nhiều nhà thần học cũng như các nhà nghiên cứu về những điều kỳ diệu của thế giới vô hình. Tuần qua, nhật báo Người Việt Hoa Kỳ đã đăng tải bài viết của ông Mật Nghiêm Đặng Nguyên Phả, trong đó tác giả đã trình bày lý do vì sao trái tim của Thầy Quảng Đức vẫn còn nguyên vẹn sau khi nhục thể của Thầy bị thiêu thành tro bụi trong lửa đỏ. Mời quý độc giả theo dõi nguyên văn bài viết của tác giả đăng ở trang 3.
Mười ba năm sau ngày Bồ Tát Quảng Đức tự thiêu, tôi được nghe một Bạn Đạo của Ngài kể lại: "Vì sao Ngài để lại Trái Tim", như một huyền thoại, như một giai thoại Thiền thời đại. Người kể là Cố Hòa Thượng Thích Thanh Long, nguyên Giám Đốc Nha Tuyên Úy Phật Giáo, trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trước đây. Thời gian là vào đầu năm 1976 và địa điểm là Trại Cải Tạo Suối Máu, Tam Hiệp, Biên Hòa. Vào thời gian trước khi bị đưa ra Bắc, tôi được giam chung với hai vị Cố Hòa Thượng Thích Thanh Long và Thích Độ Lượng là những người lãnh đạo ngành Tuyên Úy Phật Giáo trong Quân Đội Miền Nam trước 1975. Nhờ cơ hội đó, tôi đã học hỏi được rất nhiều về Phật Pháp, về đức độ và về công hạnh của Ngài Thanh Long. Cũng nhân dịp này, tôi đã đặt câu hỏi về "Trái Tim Ngài Quảng Đức" có thật không và chuyện xảy ra như thế nào?
Hòa Thượng Thanh Long đã trừng mắt nhìn tôi rồi nói: "Đó là sự thật một trăm phần trăm, thế cậu không tin à?" - Ngài thường dùng chữ cậu để xưng hô với tôi cho thân mật theo kiểu Bắc, thay vì dùng chữ anh hay đạo hữu - Và tôi trả lời: "Không phải con không tin về chuyện trái tim có thật hay không. Điều con thắc mắc là tại sao thiêu mà trái tim không cháy".
Hòa Thượng đã mỉm cười và ôn tồn nói: "Chính chúng tôi cũng không ngờ và chính tôi là nhân chứng về chuyện này, giờ tôi kể cho cậu nghe". Rồi Ngài bắt đầu thuật lại như sau:
"Tôi không nhớ rõ thời gian bao lâu trước ngày Thầy Quảng Đức tự thiêu, trong một buổi họp kín giữa những thành phần lãnh đạo cuộc đấu tranh Phật Giáo tại chùa Xá Lợi, trong đó có tôi. Sau khi bàn thảo xong các việc, đến phần linh tinh thì Thầy Quảng Đức giơ tay, xin ghi tên tự thiêu. Vì là chỗ thân tình, mà cũng để đùa với ông, nên tôi nói: "Này Thầy ơi! Mấy vị Thiền sư khi chết thường để lại xá lợi đấy nhé. Vậy Thầy định để lại cái gì?" Ngay lúc đó, theo phản ứng tự nhiên ông trả lời tôi: "Để lại trái tim được không?" Tôi đáp: "Được chứ, tốt lắm, tốt lắm!" Sau buổi họp hôm đó, tôi đã gọi Taxi đưa Thầy Quảng Đức về chùa Quán Âm trước, rồi sau mới về chùa mình. Thời gian tiếp theo vì bận Phật sự và việc đấu tranh tôi cũng quên đi chuyện nàỵ
Đến ngày 20 tháng 4 năm Quý Mão tức ngày 11 tháng 6 năm 1963 thì Thầy Quảng Đức tự thiêu tại ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt vào lúc 11 giờ trưa. Khi đó tôi đang ở chùa Xá Lợi họp. Lúc đó tình hình rất căng, vì nằm trong thành phần lãnh đạo nên tôi ở luôn tại chùa Xá Lợi để được bảo vệ chứ không về chùa nữa. Nhục thân Thầy Quảng Đức được mang về chùa Xá Lợi nên các Phật tử thường xuyên đến viếng, ngày đêm hàng ngàn người. Mãi năm ngày sau mới đem xuống thiêu tại An Dưỡng Địa Phú Lâm.
Vào chiều ngày 16-6-63, một Thầy trẻ phụ trách việc thiêu đã chạy về chùa Xá Lợi bạch rằng đã thiêu xong, nhưng không hiểu sao trái tim chưa bị rã, tôi và các vị lãnh đạo cho lệnh tiếp tục thiêu thêm 6 giờ nữa. Sáng ngày hôm sau, cũng Thầy trẻ trên đã về chùa Xá Lợi tay cầm trái tim mầu nâu cứng với nước mắt đầm đìa, nói rằng đã thiêu thêm lò điện không chỉ 6 mà đến 10 tiếng đồng hồ nhưng trái tim vẫn còn, nên đành chịu mà phải mang về trình lên Hội Đồng Viện. Lúc đó tôi nghĩ rằng trái tim thuộc loại cơ nhục nên có lẽ không cháy, thôi thì để thờ. Bốn ngày sau, một Thượng Tọa bên Nguyên Thủy viên tịch cũng đem thiêu thì cốt thành tro hết, lúc đó tôi mới suy nghĩ và nhớ lại câu nói đùa của tôi và lời hứa của Thầy Quảng Đức trong ngày ghi tên xin được tự thiêu. Và tôi tự giải thích rằng: Trong khi Thầy Quảng Đức ngồi Thiền để tự thiêu thì Thầy đã dùng lửa Tam Muội là một thứ nội hỏa đốt đi trái tim của mình, khiến trái tim đã hóa thạch mà lửa thường không thể đốt nổi. Lửa Tam Muội đã khiến trái tim Thầy Quảng Đức thành Kim Cang bất hoại."
Trên đây là tất cả những lời Hòa Thượng Thanh Long đã kể lại cho tôi nghe 24 năm về trước, tính đến hôm nay. Nếu kể từ ngày Ngài Quảng Đức tự thiêu thì đến giờ đã 37 năm rồi. Hôm nay, nhân sắp đến ngày kỷ niệm xả bỏ nhục thân của Ngài, tôi viết những dòng này để cúng dường Ngài và Cố Hòa Thượng Thích Thanh Long, người bạn của Ngài. Nhân dịp này tôi cũng xin nhắc lại về Ngài Quảng Đức.
Ngài có tục danh là Lâm Văn Tuất, sinh năm 1897 tại làng Hội Ninh, quận Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Thuở bé Ngài khó nuôi nên Cha mẹ cho người cậu ruột làm con, đổi tên là Nguyễn Văn Khiết. Năm 7 tuổi gia đình cho Ngài xuất gia học đạo với Hòa Thượng Thích Hoằng Thâm. Năm 15 tuổi thọ Sa Di và 20 tuổi thọ Tỳ Kheo. Sau khi thọ giới Ngài bắt đầu tu năm năm khổ hạnh tại núi Ninh Hòa rồi Ngài hành hạnh đầu đà, một y một bát du hóa khắp nơi, mãi sau mới về an trú tại chùa Thiên Ân thị trấn Ninh Hòa.
Năm 1932 khi Ngài được 35 tuổi đời và 28 tuổi Đạo thì Chi Hội Ninh Hòa của Hội An Nam Phật Học mời Ngài làm Chứng Minh Đạo Sư. Từ đó Ngài đi hành hóa khắp các tỉnh Miền Nam Trung Việt, đã góp công kiến tạo và trùng tu được 14 ngôi chùa rải rác khắp miền. Năm 1943, Ngài rời miền Trung vào Nam hành hóa tại các tỉnh Sài Gòn, Gia Định, Bà Rịa, Long Khánh, Định Tường và Hà Tiên. Trong thời gian này Ngài có lên Nam Vang thuộc Cambodia hành đạo ba năm và nghiên cứu, học hỏi về kinh điển Pali. Năm 1953, Ngài được Giáo Hội Tăng Già Nam Việt mời làm Trưởng Ban Nghi Lễ và Hội Phật Học Nam Việt mời Ngài làm trú trì chùa Phước Hòa, trụ sở của Hội tại Sài Gòn. Trong thời gian này Ngài đã góp công trùng tu và tạo lập được 17 ngôi chùa. Ngôi chùa mà Ngài thường trú lâu nhất là chùa Long Vĩnh tại quận Phú Nhuận, Gia Định, cho nên Phật tử Miền Nam thường gọi Ngài là Hòa Thượng Long Vĩnh. Chùa cuối cùng mà Ngài trú trì trước khi tự thiêu là chùa Quán Thế Âm, số 68 đường Nguyễn Huệ, quận Phú Nhuận, tỉnh Gia Định. Đường Nguyễn Huệ nay đổi là đường Thích Quảng Đức.
Ngài tự thiêu ngày 11-6-63, đã để lại một kỳ tích là "Trái Tim Xá Lợi". Thông điệp của Ngài để lại là "Xả thân vì Đạo Pháp và Dân Tộc" với tinh thần Bi-Trí-Dũng sáng ngời và sự nhiệm màu của Phật Pháp. Cố Thi Sĩ Vũ Hoàng Chương ngay ngày đó đã nhìn lửa thiêu trên nhục thân Ngài mà cảm tác viết bài "Lửa Từ Bi", chúng tôi xin trích ra đây ba đoạn mượn làm lời kết cho bài viết này:
"Thương chúng sinh trầm luân bể khổ
Người rẽ phăng đêm tối đất dày
bước ra ngồi nhập định, hướng về Tây
gọi hết lửa vào xương da bỏ ngỏ
Phật Pháp chẳng rời tay
Sáu ngả luân hồi đâu đó
mang mang cùng nín thở
tiếng nấc lên từng nhịp bánh xe quay
không khí vặn mình theo, khóc òa lên nổi gió
Người siêu thăng... giông bão lắng từ đây
bóng người vượt chín từng mây
nhân gian mát rượi bóng cây Bồ Đề
Ngọc hay đá, tượng chẳng cần ai tạc
lụa hay tre, nào khiến bút ai ghi
chỗ Người ngồi: một thiên thu tuyệt tác
trong vô hình sáng chói nét từ bi..."