Bí quyết giúp con vượt qua các xáo trộn tâm lí tuổi teen.
Tuổi teen thường phải đối diện với nhiều xáo trộn về tâm lý. Các con dễ cáu gắt, làm trầm trọng hoá các vấn đề hay thậm chí là thu mình, tự tách bản thân khỏi những người xung quanh. Hiểu và giải quyết tinh tế các vấn đề này là một bài toán đầy thử thách cho các bậc cha mẹ. Những bí quyết nhỏ dưới đây có lẽ sẽ giúp bạn có được câu trả lời cho riêng mình.
Nắm bắt 4 biểu hiện đáng lo
“Con chết mất thôi!”: Lần đầu tiên đối mặt với những thử thách lớn, chẳng có gì khó hiểu nếu con hay trầm trọng hoá vấn đề. Cô gái của bạn có thể về nhà với bộ mặt buồn thiu, nghĩ rằng mình sẽ chẳng bao giờ thi đỗ đại học chỉ vì một bài kiểm tra văn 6 điểm. Không chỉ khiến con buồn, kiểu suy nghĩ này còn đặc biệt nguy hiểm bởi nó có thể bào mòn nhiệt huyết và niềm hăm hở khám phá những điều mới mẻ.
“Con đúng là tệ thật”: Chìm đắm trong những lời phê bình tiêu cực, con thường bỏ qua mọi điều tốt đẹp nhỏ bé xung quanh. Đặc biệt, với các cậu con trai nhiều kiêu hãnh của tuổi 17, một lời trách cứ nặng nề của cô giáo trước mặt các bạn rất có thể là dấu chấm hết cho niềm tin về việc trở thành một người đàn ông mạnh mẽ và đáng ngưỡng mộ. Những suy nghĩ này rất dễ khiến con trở nên thiếu tự tin, thậm chí rơi vào trầm cảm vì thất vọng và chán ghét chính bản thân mình.
“Cuộc sống này chẳng công bằng tí nào”: Đây có lẽ là một trong những “bức xúc” thường gặp nhất của các cô cậu tuổi teen, từ những việc thường ngày như tại sao bạn này được đi chơi nhiều hơn mình, tại sao mình không được sinh ra với cơ thể và khuôn mặt đẹp hơn đến những trăn trở của con về cơ hội – người này được đi du học, người kia có thể được chọn một ngành học hấp dẫn. Dù đôi khi đem lại động lực để con cố gắng, việc “giận dỗi vô cớ” với cuộc đời này có thể gây ức chế, phá các mối quan hệ và hình thành những nét tính cách xấu ở con.
“Con chịu”: Tưởng chừng là một câu nói vô hại, nhưng nếu biến “con chịu” thành câu cửa miệng, con sẽ dần mất niềm tin vào khả năng của chính mình. Đầu hàng dễ dàng trước các khó khăn sẽ khiến con trở nên yếu ớt và lệ thuộc vào người khác.
Cách khắc phục chúng
Giúp con cảm thấy an toàn và tin tưởng để tâm sự: Nhiều bậc cha mẹ vẫn than thở rằng: “con chẳng bao giờ tâm sự gì với tôi” mà không tự hỏi, liệu chúng ta có thực sự muốn nghe con nói hay không. Tôn trọng cảm xúc của con là một trong những điều kiện tiên quyết để trở thành người bạn đáng tin cậy. Trong những lúc con cảm thấy buồn bã và tuyệt vọng hơn cả, điều cha mẹ nên làm không phải là ép bằng được con kể toàn bộ câu chuyện, không phải là phủi tay cho rằng những mối lo kia là “vớ vẩn” mà là lặng im và chăm chú lắng nghe con.
Chúng ta vốn chỉ kể chuyện của mình với những người cho rằng câu chuyện của mình đáng quan tâm, những người có thể bình tĩnh lắng nghe ngay cả những điều “điên rồ” nhất. Vậy nếu cha mẹ cứ một mực “lấy lời khai”, hoặc nghe nửa vời, hoặc phát hoảng trước khi con kịp tâm sự bất cứ điều gì hệ trọng, thì liệu, con có dám thổ lộ hết những lo âu kia?
Dạy con cách đối diện với thực tại: Kể ra “để nhẹ lòng”, cũng là bước đầu tiên để con nhận thức được sự tồn tại của vấn đề. Nhiều bậc cha mẹ và các con cho rằng, các xáo trộn tâm lí không nghiêm trọng như việc đạt điểm số thấp hay mắc một trận ốm, cứ “quên nó đi” và tiếp tục công việc hàng ngày. Nhưng các ức chế này thực chất không hề mất đi mà sẽ tích tụ lại, ngày một lớn hơn. Cha mẹ cần giải thích cho con hiểu vấn đề mình đang gặp phải là gì, nguyên nhân nằm ở đâu, từ đó suy nghĩ cách giải quyết. Hãy nhớ rằng, các vấn đề tâm lí không tự biến mất. “Kệ” không phải là một cách.
Suy nghĩ tích cực: Tư duy và cảm xúc có mối liên hệ trực tiếp với nhau. Nghe có vẻ khó tin nhưng chúng ta hoàn toàn có thể điều khiển được cảm xúc của mình – bằng lối suy nghĩ tích cực. Cha mẹ có thể cùng con rèn luyện kĩ năng này bằng 6 bước đơn giản sau:
- Thức dậy sớm, tự nhắc bản thân rằng “hôm nay mình sẽ đạt được mục tiêu này”
- Trân trọng những niềm vui giản dị, dù chúng có nhỏ đến mấy
- “Trong cái rủi có cái may”, cố gắng tìm điểm hài hước ngay trong những tình huống tệ nhất
- Coi thất bại là cơ hội học hỏi
- Thay đổi cách nhìn nhận bản thân, thay vì nói “đáng lẽ mình không nên làm như thế”, hãy tự nhủ “lần tới mình sẽ làm thế này”
- Xây dựng cộng đồng tích cực xung quanh mình
Giải quyết các vấn đề tâm lí chưa bao giờ là một chuyện dễ dàng, nhưng cũng hoàn toàn nằm trong tầm tay của cha mẹ. Bởi, điều khó nhất là niềm tin và sự kiên trì thì chúng ta lúc nào cũng có, chỉ cần thêm một chút tinh tế, một vài bí quyết nhỏ. Con sẽ được lớn lên, có thể với nhiều trăn trở và va vấp, nhưng lúc nào cũng tràn đầy năng lượng và niềm ham thích khám phá cuộc sống thú vị bên ngoài.
Theo: Giang Nguyễn
Nguồn: Chame.rmit