Quần Thể Hang Động núi lửa Krông Nô
KHỞI TỪ MỘT NGHIÊN CỨU KHOA HỌC…
Khác với hang động núi đá vôi được phát hiện nhiều tại Việt Nam mà điển hình phải kể đến các hệ thống hang động đã trở thành di sản thế giới như Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Tam Cốc - Bích Động - Tràng An (Ninh Bình)..., hang động núi lửa hiếm gặp hơn không chỉ tại Việt Nam mà còn cả trên thế giới, với kiến trúc dòng chảy có nhiều sự khác biệt.
Thác Trinh Nữ – Ảnh: Lê Phước (nguồn daknong.gov.vn)
Năm 2007, từ sự tài trợ của UNESCO, Bảo tàng Địa chất Việt Nam (Tổng cục Địa chất & Khoáng sản - Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu di sản địa chất để xây dựng công viên địa chất và bảo vệ môi trường khu vực thác Trinh Nữ, huyện Cư Jut, tỉnh Đăk Nông, Tây nguyên, Việt Nam”. Trong quá trình khảo sát, lần đầu tiên giới khoa học đã phát hiện hệ thống hang động núi lửa trong đá basalt ở Chư B’Luk (xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông). Khi những thông tin đầu tiên được công bố tại một số hội nghị khoa học cả trong và ngoài nước, đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học.
Một góc hang động núi lửa Krông Nô – Ảnh: Tôn Bảo (baodaknong.org.vn)
Năm 2012, Hiệp hội Hang động núi lửa Nhật Bản đã hợp tác với Bảo tàng Địa chất Việt Nam tiến hành nghiên cứu hệ thống hang động Chư B’Luk. Qua quá trình khảo sát và nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện một quần thể hang động rộng lớn gồm 12 hang động chính và miệng núi lửa, chủ yếu nằm tại huyện Krông Nô (tỉnh Đăk Nông) trên một khuôn viên có bề rộng gần 5km và chiều dài chừng 25km tính từ miệng núi lửa Chư B’Luk (xã Buôn Choáh) chạy dọc theo sông Sêrêpốc đến khu vực thác Dray Sáp (xã Đắk Sôr), là hệ quả của việc phun trào núi lửa cách nay 3.700 năm.
Một số hang núi lửa nhìn từ trong ra ngoài – Ảnh nguồn: vietnamphuot.wordpress.com
Theo các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản, cấu trúc hang động này là kết quả hoạt động của các hệ đứt gãy kiến tạo, hình thành kênh dẫn cho dung nham từ dưới sâu đưa lên và các thể magma xâm nhập rồi phun trào basalt. Mỗi hang động lại có sự khác biệt về chiều dài, hướng phát triển, hình dạng bên trong, mức độ phân nhánh, phân tầng, dấu tích dòng chảy dung nham, đặc điểm thạch nhũ, di tích thực vật... là các yếu tố ảnh hưởng tới hình thái, địa hình của khu vực, tạo nên những cảnh quan, thác nước ngoạn mục...
Đu thang dây xuống hang C7 – Ảnh: Trần Thế Dũng (dulich.tuoitre.vn)
Cho đến trước khi công bố việc phát hiện hệ thống hang động núi lửa vào ngày 26-12-2014, các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản đã khảo sát, đo đạc chi tiết 3 trong số 12 hang động. Kết quả cho thấy đây là hệ thống hang động núi lửa có quy mô lớn nhất Đông Nam Á, trong đó hang C7 có dạng ống dài 1.066,5m, rộng hàng ngàn mét là hang dung nham núi lửa dài và lớn nhất Đông Nam Á; hang C3 dài 594,4m xếp thứ nhì Đông Nam Á; hang A1 dài 456,7m xếp thứ năm Đông Nam Á... Như vậy tính cả Hang Dơi 1 và 2 ở Đồng Nai đều dài 545m xếp vị trí thứ ba và thứ tư, Việt Nam sở hữu 5 kỷ lục đầu tiên về hang động dung nham ở khu vực Đông Nam Á; vị trí thứ sáu thuộc về hang Gua Lawah dài 400m ở Indonesia.
Đoàn du khách trong hang C3 – Ảnh: Trần Thế Dũng (dulich.tuoitre.vn)
Trước những thành quả bước đầu, Tiến sỹ Tachihara Hiroshi – Chủ tịch danh dự Hiệp hội Hang động núi lửa Nhật Bản đã khẳng định: “Đây là hệ thống hang động hình thành trong quá trình hoạt động núi lửa, rất có giá trị về mặt khoa học địa chất, giáo dục thiên nhiên, tiềm năng du lịch... Nếu biết bảo vệ và gìn giữ sẽ rất ý nghĩa và tuyệt đẹp cho đất nước Việt Nam.”
HANG ĐỘNG NÚI LỬA ĐẸP NHẤT ĐÔNG NAM Á
Nằm trong khu vực Rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp và Khu du lịch cấp quốc gia gồm hai thắng cảnh thác Đray Sáp và thác Gia Long thuộc huyện Krông Nô, quần thể hang động núi lửa Chư B’Luck gồm 12 hang động chính có cấu trúc đặc trưng về hình dạng bề mặt đá basalt là kết quả quá trình hoạt động núi lửa phun trào trên lục địa cách nay 3.700 năm. Hầu hết các hang động núi lửa Chư B’Luck có đặc điểm hình ống, trong một số hang còn có ngã rẽ và một số ngã rẽ thông nhau tạo thành những vòng tròn.
Thạch nhủ trên trần hang C7 đẹp như một bức tranh – Ảnh nguồn: vietnamphuot.wordpress.com
Hiện các nhà khoa học đã khảo sát chi tiết được 3 hang động núi lửa với các ký hiệu C7, C3, A1. Hang động C7 là hang động núi lửa dạng ống có chiều dài 1.066,5m, bên trong rộng hàng nghìn mét là hang động núi lửa lớn nhất Đông Nam Á và đẹp hàng đầu châu Á. Trong hang đã phát hiện được nhiều cấu trúc đặc trưng cho quá trình phun trào như các ngấn dung nham, dòng chảy dung nham, hố sụt, các di tích thực vật được hình thành cách nay hàng triệu năm... Đặc biệt còn sót lại 3 tầng địa mạo cho thấy trong số dòng chảy dung nham tại đây, có một dòng chảy dung nham khác ở phía trên tác động. Một lớp bám trắng trên thành hang C7 chưa rõ kết quả của quá trình gì, song có nhà khoa học đã phỏng đoán đó có thể là một loại vi khuẩn...
Những đường vân sinh động trên vách hang – Ảnh nguồn: vietnamphuot.wordpress.com
Theo các nhà khoa học Nhật Bản, loại hang núi lửa khu vực Krông Nô thuộc loại hiếm trên thế giới với những dòng thạch nhũ dung nham. Những dấu vết của những phiến đá basalt nằm ngang hoặc cuộn xoắn trên tường hang thể hiện lượng dung nham phun trào núi lửa và hướng chảy của dòng dung nham. Sự có mặt của khuôn cây nham thạch ở phía trên hoặc bên trong hang đã chứng tỏ nơi này cách đây hàng triệu năm là một khu rừng. Khi núi lửa phun trào dòng dung nham và tiếp xúc với không khí, nguội dần và đông cứng đã để lại trên thành hang những vệt hoa văn tự nhiên rất đẹp.
Vết tích nham thạch trong lòng hang C7 – Ảnh nguồn: vietnamphuot.wordpress.com
Mới đây (cuối tháng 12/2016 đến đầu tháng 1/2017), trong khuôn khổ thực hiện dự án “Xây dựng Bộ sưu tập mẫu vật Quốc gia về Thiên nhiên Việt Nam” do Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam chủ trì, các nhà khoa học đã phát hiện thêm một giá trị khác của hệ thống hang động núi lửa này, đó là di tích và di vật khảo cổ với mật độ khá dày. Theo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đây có thể là những phát hiện khảo cổ học tiền sử đầu tiên trong hang động núi lửa ở Việt Nam, mở ra một hướng nghiên cứu mới về khảo cổ học hang động núi lửa ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Một số hình ảnh các di vật khảo cổ các nhà khoa học phát hiện được – Ảnh: nguồn vast.ac.vn
Các di vật khảo cổ vừa được phát hiện bao gồm đồ đá, trong đó có các công cụ đá hình đĩa, rìu ngắn và rìu ngắn mài lưỡi, rìu hình bầu dục và rìu hình bầu dục mài lưỡi, công cụ mảnh tước, phiến tước, hòn ghè, hòn kê, hòn mài, chày nghiền. Ngoài ra còn nhiều xương động vật, không loại trừ cả xương người tiền sử. Các di vật này không còn rắn chắc, dễ bị gãy vỡ vụn khi khô, phần rỗng của xương được lấp đầy bột sét ở thể xốp.
Một số hình ảnh các di vật khảo cổ các nhà khoa học phát hiện được – Ảnh: nguồn vast.ac.vn
Ngoài các mảnh xương trong hang còn có các răng hàm động vật đang hóa thạch được xác định sơ bộ là răng thú của động vật ăn cỏ. Đặc biệt, các nhà khoa học còn phát hiện rất nhiều dụng cụ bằng gốm có độ dày mỏng khác nhau, đa phần có độ nung thấp, dễ vỡ vụn, làm từ đất sét pha cát, hạt nhỏ, nặn tay, loại hình đơn giản, chủ yếu là nồi và đồ đựng. Hoa văn trên các mảnh gốm khá sắc nét và đa dạng như chấm gạch, chấm dải, gạch dải, vặn thừng...
HƯỚNG TỚI CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT TOÀN CẦU
Ngày 20-11-2017, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Đăk Nông đã tổ chức Hội thảo khoa học về xây dựng công viên địa chất núi lửa tại tỉnh Đăk Nông với sự tham gia của các nhà khoa học thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, các chuyên gia địa chất trong và ngoài tỉnh Đăk Nông. Các đại biểu đều cho rằng, để xây dựng công viên địa chất (CVĐC) núi lửa tại tỉnh Đăk Nông thành CVĐC toàn cầu đúng theo tiêu cuẩn, Tỉnh cần xây dựng các đề án, kế hoạch cụ thể trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa và tài nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển du lịch. Bên cạnh đó, Tỉnh cũng cần tăng cường giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ cảnh quan môi trường; tăng cường quảng bá, giới thiệu, thu hút khách tham quan nhằm xúc tiến du lịch...
Núi đồi tại CVĐC núi lửa Krông Nô – Ảnh: Tôn Bảo (baodaknong.org.vn)
Theo định nghĩa của Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu thì CVĐC là khu vực có ranh giới xác định và có diện tích đủ lớn để phát triển kinh tế chủ yếu thông qua hoạt động du lịch. CVĐC không chỉ góp phần bảo tồn các giá trị địa chất tiêu biểu cho một vùng, một khu vực mà còn chú trọng liên kết với các di sản văn hóa, di sản thiên nhiên, cảnh quan và đa dạng sinh học để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương một cách bền vững. Mô hình CVĐC giúp địa phương bảo vệ và khai thác hợp lý, bền vững các mỏ khoáng sản và khoanh vùng các di sản địa chất có giá trị khoa học cao phục vụ nghiên cứu và bảo tồn cho thế hệ sau...
Thác Dray Sáp – Ảnh: nguồn vnphoto.net
Hiện nay, trên thế giới có hơn 120 CVĐC toàn cầu được UNESCO công nhận, trong đó có Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang - Việt Nam) được công nhận năm 2010 và tái công nhận năm 2014. Có thể nói sau khi gia nhập mạng lưới CVĐC, hoạt động du lịch của các nước đều phát triển vượt bậc, lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan nhiều, các nhà đầu tư du lịch cũng tăng đáng kể...
Cao nguyên đá Đồng Văn - Công viên địa chất toàn cầu – Ảnh: Mk. Thành
Ở Đắk Nông, CVĐC núi lửa Krông Nô được quy hoạch với diện tích khoảng 2.000 km², trải dài từ huyện Krông Nô kéo sang một số xã lân cận của các huyện Chư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và thị xã Gia Nghĩa. Công viên Krông Nô hội tụ tất cả các giá trị tiêu biểu của một CVĐC cả về địa chất, địa mạo, văn hóa cũng như đa dạng sinh học đặc trưng của khu vực. Ngoài tâm điểm nổi trội là hệ thống 12 hang động trong đá basalt, nơi đây còn đa dạng và phong phú các mỏ, quặng, điểm khoáng sản bô xít, antimon, thiếc sa khoáng, puzơlan, đá bán qúy opal - chalcedon kích thước lớn...
Ót N'drong - Sử thi, kho tàng kinh nghiệm của người M’nông – Ảnh: Ngọc Tâm (daknong.gov.vn)
Trong khu vực còn có bề dày lịch sử văn hóa với những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể như cồng chiêng Tây Nguyên, Ót N'drong, cùng hệ thống các di tích, danh thắng cấp quốc gia, cấp tỉnh như Khu Bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung, Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng, Rừng đặc dụng cảnh quan Đ'ray Sáp, Khu du lịch cấp quốc gia thác Đray Sáp - thác Gia Long, một phần phía Nam Vườn Quốc gia Yók Đôn (Đắk Lắk) là nơi lưu giữ các giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học của khu vực CVĐC núi lửa Krông Nô.
Lễ hội truyền thống các dân tộc bản địa – Ảnh: nguồn daknong.gov.vn
Với những tiềm năng sẵn có, CVĐC núi lửa Krông Nô có thể khai thác một số sản phẩm du lịch, cụ thể như du lịch văn hóa bao gồm các sản phẩm gắn với di sản văn hóa, lễ hội, làng nghề, ẩm thực, tìm hiểu cuộc sống cộng đồng; du lịch sinh thái bao gồm du lịch mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch địa chất gắn với hệ thống hang động núi lửa...
● ● ●
Có thể khẳng định, công viên địa chất núi lửa Krông Nô là tài sản vô cùng qúy giá không chỉ của cộng đồng các dân tộc tỉnh Đắk Nông mà còn của Việt Nam và của nhân loại. Hiện tỉnh Đăk Nông đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ cũng như nỗ lực thực hiện các tiêu chí để các chuyên gia UNESCO vào thẩm định, công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu vào tháng 10/2018.
Già làng ở Nậm Nung kể về truyền thuyết các hang động núi lửa – Ảnh: Mỹ Hằng (baodaknong.org.vn)
Xin mượn lời Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Tân Văn - Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi Trường) như một lời gửi gắm chân tình: “Công viên địa chất phải có dân, người dân và cộng đồng địa phương cùng chung sống, đặc biệt phải cùng tham gia hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị... Điều này sẽ góp phần phát triển kinh tế địa phương, nâng cao hiểu biết của cộng đồng trong bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa...”
Mai Kim Thành (Tổng hợp)
Tham khảo:
- Kỳ bí hang núi lửa dài nhất Đông Nam Á ở Đắk Nông, Cao Nguyên, Báo Người Lao Động Online
- Khám phá hang động núi lửa đẹp nhất Đông Nam Á “ẩn mình” ở Đắk Nông, Trương Nguyễn, Báo Dân Trí Online
- Công bố hình ảnh hang động núi lửa Việt Nam đẹp nhất Đông Nam Á, Nguyễn Hoài, Báo Tiền Phong Online
- Hang động núi lửa Đăk Nông hấp dẫn hơn nhiều hang động trên thế giới, Phạm Thanh, Báo Dân Trí Online
- Hệ thống hang động núi lửa tại Đắk Nông có giá trị cao về khoa học và du lịch, Ngọc Minh, TTXVN
- Phát hiện hệ thống di tích khảo cổ tiền sử trong hang động núi lửa ở Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, PGs Nguyễn Trung Minh, Bảo tàng Thiên nhiên (Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).
- Hướng tới xây dựng công viên địa chất toàn cầu núi lửa Krông Nô: lợi ích của công viên địa chất, Báo Đăk Nông Online.