Dạy trẻ về Giá Trị Sống
Admin - Ngày đăng: 00:00:15 08-11-2018
Giá trị cuộc sống ( hay giá trị sống) là những điều chúng ta cho là quý giá, là quan trọng, là có ý nghĩa đối với cuộc sống của mỗi người. Giá trị sống trở thành động lực để người ta nỗ lực phấn đấu để có được nó.
Tại sao chúng ta phải học giá trị sống?
Có những giá trị sống đích thực, trở thành những giá trị chung cho nhiều người và toàn xã hội như lòng trung thực, hoà bình, tôn trọng, yêu thương, công bằng, tình bằng hữu, lòng vị tha.
Không phải ai cũng nhận đúng giá trị của cuộc sống. Có người cho rằng trở thành người giàu có mới là "giá trị đích thực". Khi ấy, họ sẽ phấn đấu để có tiền bằng mọi giá, kể cả giết người, buôn lậu, trộm cắp. Nhưng rồi cách kiếm tiền ấy đưa người ta đến chỗ phạm tội, làm hại người khác, làm hại cộng đồng. Họ quên rằng "người giàu cũng khóc".
Có người lấy danh vọng làm thước đo giá trị. Vậy là họ cố gắng bằng mọi cách để có được những chức vị nào đó. Nhưng khi những chức vị ấy mất, bị tước bỏ, con người trở nên "trắng tay", vô giá trị.
Có người coi sự nhàn hạ là giá trị cuộc sống. Họ trốn tránh trách nhiệm, lười lao động, chọn những công việc, nghề nghiệp không vất vả. Cuối cùng, họ chẳng làm được gì cho bản thân và xã hội.
Có bạn trẻ cho rằng phải hút thuốc lá, phải biết dùng heroin, biết yêu sớm, có quan hệ tình dục với nhiều người, phải cầm đầu băng nhóm nào đó… mới là "người hùng", mới có giá trị. Vậy là các bạn đã nhận nhầm giá trị ảo, coi đó là giá trị đích thực.
Vì vậy, học tập để nhận diện đúng đâu là giá trị đích thực của cuộc sống là điều cần thiết với tất cả mọi người.
Có 12 điều được coi là những giá trị sống chân thực. Đó là Giản Dị; Hòa Bình; Hạnh Phúc ; Hợp Tác ; Khiêm Tốn ; Khoan Dung ; Tự Do ;Thương Yêu ; Trách Nhiệm ; Trung Thực ; Đoàn Kết ; Tôn Trọng .
Làm thế nào để bạn có thể dạy trẻ các giá trị sống mà gia đình bạn đề cao? Dưới đây là 10 cách giúp bạn thực hiện điều đó
1. Kể cho trẻ nghe những câu truyện trong cuộc sống của bạn và dạy trẻ qua những câu chuyện đó. Trẻ thích nghe những câu chuyện kể về thời thơ ấu của bạn. Những câu chuyện đó thực sự có hiệu quả khi bạn kể vào giờ đi ngủ, lúc đó trẻ không còn bị những thứ khác làm sao nhãng.
2. Sống theo những giá trị mà bạn đã nói với con. Trẻ học hỏi bằng cách bắt chước, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Trẻ rất giỏi trong việc quan sát những điều bạn nói và những điều bạn làm. Bởi vậy, để dạy trẻ các giá trị sống mà bạn đánh giá cao, bạn nên làm gương cho trẻ.
3. Hãy cho trẻ làm quen với tôn giáo, niềm tin và tâm linh của bạn. Điều này có lẽ quan trọng đó là để cho những đứa trẻ của bạn biết rằng chúng không cô độc. Hướng những đứa trẻ tới niềm tin tâm linh của bạn sẽ củng cố những giá trị của chúng, và giúp cha mẹ có một khuôn khổ cho cuộc sống.
4. Chú ý tới những người thường xuyên tiếp xúc với trẻ. Bạn có thể tìm hiểu thêm về giáo viên của trẻ, bạn bè,… Bất kỳ người nào tương tác với trẻ đều có thể ảnh hưởng tới giá trị sống của trẻ. Bạn có thể tìm hiểu thêm về giá trị sống và niềm tin của những người đó.
5. Hỏi trẻ những câu hỏi có thể dẫn dắt tới thảo luận về các giá trị sống. Nói với trẻ về những giá trị sống mà trẻ cần phải có sẽ không hiệu quả, đặc biệt là với trẻ lớn. Thay vì vậy, bạn có thể đặt ra những câu hỏi gợi mở để dẫn dắt tới các giá trị sống. “Con nghĩ thế nào về việc đánh nhau?” sẽ hiệu quả hơn “Anh ta không được quyền đánh người khác trước!”
6. Chia sẻ giá trị sống với trẻ khi thoải mái. Bạn nên chia sẻ giá trị sống với trẻ khi mọi người đều thoải mái chứ không phải lên giọng giảng giải, thuyết giáo. Điều đó sẽ khiến trẻ cởi mở để cùng bạn chia sẻ.
7. Giới hạn thời gian xem tivi và chơi game. Một cách để dạy trẻ các giá trị sống là cho trẻ thấy những điều bạn tránh. Các chương trình quảng cáo trên tivi đang cố gắng thuyết phục trẻ rằng trẻ sẽ cảm thấy tự tin hơn khi trẻ chọn đúng quần áo, tiêu dùng sành điệu,… Nếu bạn muốn cho trẻ thấy rằng có những cách sử dụng thời gian đáng giá hơn, thì bạn nên giới hạn thời gian xem tivi của trẻ.
8. Cùng trẻ giúp đỡ người khác. Trẻ học các giá trị sống khi trẻ trải nghiệm các giá trị ấy. Bạn có thể cho trẻ trải nghiệm giúp đỡ người khác bằng cách hiến một phần tiền tiết kiệm của trẻ cho người cần hoặc tham gia vào công việc từ thiện. Khi trẻ thấy cố gắng đầu tiên của trẻ có kết quả, trẻ sẽ hiểu được giá trị của việc cố gắng trong suốt cuộc đời.
9. Nói chuyện thường xuyên với trẻ về các giá trị sống trong gia đình.Bạn đừng mắc phải sai lầm khi chỉ nói chuyện về các giá trị sống khi ai đó trong gia đình làm sai. Bạn nên nói chuyện với trẻ về các giá trị trong những câu chuyện gia đình. Bởi đó là cách giúp trẻ biết rằng các giá trị đó quan trọng.
10. Mong đợi cao đối với các giá trị của trẻ. Trẻ thường có xu hướng làm tăng sự mong đợi của bạn. Hệ thống giá trị của trẻ sẽ phản ánh hệ thống giá trị của bạn, cũng như bạn mong đợi những giá trị đó đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của trẻ. Khi trẻ đưa ra quyết định, bạn nên hỏi xem trẻ có cân nhắc những quyết định đó có phù hợp với hệ thống giá trị của trẻ hay không.
Lê Khanh ( Nguồn : Family Resource)