Nhân duyên Đức Phật dạy kinh Châu Báu
Kinh Châu Báu (Ratana Sutta) là một trong những bài kinh Paritta thường được chư Tăng tụng để đem đến sự an lành cho gia đình của các cư sĩ.
Khi xưa, vào thời Đức Phật, tại thành Vesali xảy ra ba khổ nạn là bệnh tật, phi nhơn hoành hành và nghèo đói. Ba hiểm nạn lớn đó đã khiến cho dân thành Vesali khốn đốn. Các vị Hòang thân Licchavi khởi lên niềm tin nơi Đức Phật. Họ tin rằng chỉ có Đức Phật, với trí tuệ và uy lực của Ngài, mới có thể giúp người dân trong thành Vesali thoát khỏi khổ nạn và đem đến sự an lành.
Họ phái sứ giả đến thành Savatthi (Vá Vệ), xin vua Pasenadi cho phép dân chúng Vesali thỉnh Đức Phật về đây. Là một Phật tử, vua Pasenadi rất hoan hỷ chấp thuận lời thỉnh cầu.
Sau đó, mọi người đến cầu thỉnh Đức Phật. Đức Thế Tôn im lặng nhận lời. Thế là một sự chuẩn bị chu đáo để tiễn đưa Đức Phật rời Savatthi cũng như một sự sắp đặt để tiếp rước Đức Phật tại Vesali diễn ra vô cùng trong thể. Trên đường đến Vesali, phải qua con sông là ranh giới giữa hai xứ Kosala và Vajji, người ta dùng thuyền để đưa Đức Phật và Chư Tăng qua sông. Không những chỉ có thuyền của loài người không thôi mà Long Vương và Chư Thiên cũng tạo ra những chiếc thuyền để đưa rước Đức Phật và Tăng đoàn.
Đức Thế tôn ngự trên chiếc thuyền của vua Licchavi, chư Tăng ngự trên hai chiếc thuyền khác. Trên đường đi, dân chúng hai bên đã giăng cờ, biểu ngữ và rải hoa đầy đường để cúng dường Đức Phật và chư Tăng.
Đến Vesali, Đức Phật quán xét và biết rõ hiểm nạn này phần lớn là do Phi nhơn tạo ra. Nguyên nhân là do dân chúng thành Vesali bị dịch bệnh và chết hàng loạt vì thiếu thực phẩm. Do chết quá nhiều như vậy, người ta không thể làm lễ táng chu đáo cho người chết mà vất bỏ thi thể tại bãi tha ma, chiêu cảm các loài Phi nhơn, Dạ xoa hiện ra làm cho dân chúng kinh sợ.
Bấy giờ Đức Thế Tôn đã dạy tôn giả A-Nan-Đa đi chung quanh thành Vesali đọc lên bài kinh Ratana Sutta này. Trong đó, đoạn đầu Tôn giả A-Nan-Đa đã kêu mời tất cả các Chư Thiên, các sanh linh ở chung quanh đó tụ họp về để cùng đảnh lễ và tán thán Ân đức Phật, Ân đức Pháp và Ân đức Tăng.
Kế đó tôn giả A-Nan-Đa đã đọc lên nhiều bài kệ để tán dương trí tuệ của Đức Phật, tán dương oai lực của Chánh Pháp, tán dương uy đức của Tăng chúng. Cứ sau mỗi đoạn Tôn giả A-Nan-Đa đã tuyên bố bằng lời chân thật: Saccavadi , Etena saccena suvatthi hotu Mong với sự thật này xin được sự thạnh lợi
Khi đọc bài Kinh, Tôn giả A-Nan- đa đã tán thán Ân đức Phật, Ân đức Pháp, Ân đức Tăng bằng những lời lẽ chân thật, xác thực khiến cho Chư Thiên hoan hỷ và các Phi nhơn cũng được hoan hỷ. Thêm vào đó nhờ uy lực của Đức Phật, uy lực của Giáo Pháp của Tăng chúng đã thuần phục được các hàng Phi nhơn khiến cho họ không hiện ra để quấy nhiễu dân chúng thành Vesali nữa.
Bấy giờ, Đức vua trời Đế Thích cùng với các vị Chư Thiên đã làm một trận mưa thật to trong suốt ba ngày liền, rửa cho không khí thành Vesali được trong sạch, không còn ô nhiễm nữa và bệnh dịch cũng hết. Đó là duyên sự của bài kinh Ratana Sutta này.
Kể từ đó Chư Tăng Nam Tông dùng bài kinh Ratana Sutta để tụng đọc trong những ngày lễ quan trọng để đem lại sự an lành cho quốc độ, cho gia đình của các cư sĩ, xem bài Kinh này như là kinh Paritta hay kinh cầu an.
Chuyển biên: Chánh Hạnh
Biên tập: Panna Dipa Tuệ Đăng
(Thiền Viện Phước Sơn)