Bài học quý giá từ ba ước nguyện cuối đời của Alexander Đại đế
Admin - Ngày đăng: 23:36:40 16-07-2019
Một cuộc đời chinh phạt khắp nơi chưa lần nào thất bại, khi bệnh nặng sắp mất, ông mới chợt tỉnh ra tử thần đang chinh phạt mình và không ai giúp ông được.
Nhà quân sự “bách chiến bách thắng” Alexander Đại đế của Macedonia không chỉ để lại cho hậu thế những bài học về quân sự, mà ông còn để lại những bài học sâu sắc về ý nghĩa nhân sinh. 3 nguyện ước cuối cùng của Alexander Đại đế - những bài học thấm thía cho hậu nhân.
Alexander Đại đế (356 – 323 TCN) là con trai của vua Philippos II của vương quốc Macedonia và người vợ thứ tư, công chúa Olympias xứ Ipiros. Năm 336, vua Philippos bị ám sát và ông trở thành quốc vương thứ 14 của nhà Argead ở Vương quốc Macedonia (336 – 323 TCN) hùng mạnh nhưng đầy bất ổn.
Trong suốt quãng đời tại vị, ông chủ yếu giành thời gian đi chinh phạt các vùng lãnh thổ mà không một lần phải nếm trải mùi chiến bại, và được xem là một nhà thiên tài quân sự bẩm sinh. Vị đại đế này cùng với con ‘thần mã’ Bucephalus mà ông thuần phục từ nhỏ đã chinh phạt gần như toàn bộ thế giới mà ông biết trước khi qua đời; và vì thế ông thường được xem là một trong những chiến lược gia quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử.
Chiến thắng hiển hách nhất của nhà quân sự này cũng như trong thời kỳ cổ đại phải kể đến trận Gaugamela (Iraq ngày nay) trước vua Ba Tư Darius III năm 331 TCN, ngoài ra ông còn đánh tan tác người Scythia – một dân tộc hùng mạnh thời đó. Vị vua trẻ của Macedonia này, người trị vì Hy Lạp, chúa tể bán đảo Tiểu Á đã trở thành “hoàng đế vĩ đại” của Ba Tư ở tuổi 25.
Sự ra đi đột ngột và 3 ý nguyện cuối cùng
Trong suốt 13 năm theo đuổi “nghiệp” quân sự, Alexander Đại đế đã để lại cho nhân loại rất nhiều bài học lãnh đạo đáng quý. Thế nhưng cuộc đời ông lại quá đoản mệnh.
Trên đường trở về sau khi chinh phạt nhiều nước, ông ngã bệnh. Vào thời khắc ấy, những vùng đất ông chiếm được, quân đội hùng mạnh, những thanh gươm bén, và sự giàu có không còn nghĩa lý gì với ông. Ông nhận ra rằng cái chết sắp sửa đến và ông sẽ không về kịp mảnh đất quê hương. Ông bảo các sỹ quan của mình: “Ta sắp sửa rời bỏ thế gian này. Ta có ba điều nguyện ước. Các ngươi hãy thực hiện những gì ta bảo”. Các vị tướng tuân lệnh trong dòng nước mắt.
“Điều ước đầu tiên của ta là hãy bảo ngự y mang quan tài của ta về một mình”. Sau khi cố hít thở một hơi, Alexander nói tiếp: “Ước nguyện thứ hai của ta là hãy rải vàng, bạc và châu báu trong kho tàng của ta trên suốt dọc đường mang quan tài của ta ra nghĩa địa”. Sau khi quấn mình trong chiếc áo khoác và nghỉ một lúc, ông nói tiếp: “Ước muốn cuối cùng của ta là hãy đặt 2 bàn tay ta ra bên ngoài cỗ quan tài”.
Mọi người xung quanh ông tất cả đều rất tò mò, nhưng không ai dám hỏi nguyên nhân. Vị sủng tướng của Alexander hôn bàn tay ông và hỏi: “Thưa đức vua, chúng thần sẽ làm theo mệnh lệnh của Ngài. Nhưng Ngài có thể cho chúng thần biết tại sao Ngài lại muốn chúng thần làm như vậy hay không?”.
Sau khi gắng thở một hơi dài, Alexander trả lời: “Ta muốn mọi người hiểu được ba bài học mà ta đã học được.
– Để ngự y đưa cỗ quan tài về một mình là để người ta nhận ra rằng, một vị thầy thuốc không thể nào thực sự chữa được bệnh cho người ta. Nhất là khi đối diện với cái chết, thầy thuốc hoàn toàn bất lực. Ta hy vọng mọi người sẽ học được rằng phải trân quý cuộc sống của họ.
– Mong ước thứ hai của ta là để nhắn nhủ mọi người rằng, không nên giống như ta theo đuổi mộng giàu sang. Ta tiêu tốn cả đời chạy theo sự giàu có, nhưng ta sẽ lãng phí hầu hết thời gian của đời người.
– Mong ước thứ ba của ta là để người đời hiểu rằng ta đến thế gian này với hai bàn tay trắng và sẽ rời bỏ thế gian này cũng với hai bàn tay trắng”. Nói xong ông nhắm mắt lại và trút hơi thở cuối cùng ở tuổi đời 32.
Nhân sinh như mộng, vậy điều gì mới đáng trân quý nhất?
Con người chúng ta sống ở đời, những thứ theo đuổi chung quy lại cũng là danh lợi tình. Nhưng theo đuổi liệu có được chăng? Cổ nhân giảng: “Sống chết có số, phú quý do trời”, ý rằng đời người đều đã được an bài, tình quyên, phú quý, danh vọng đều do duyên nợ, đức nghiệp đã gieo trong quá khứ mà ra. Một đời tranh đấu ngược xuôi, giành được chút địa vị, tiền tài nhưng lòng đầy âu lo, phiền muộn, đến khi nhắm mắt xuôi tay mới nhận ra chẳng còn gì.
Kỳ thực, điều đáng trân quý trong cuộc đời không phải là những gì chúng ta có được mà chính là những gì cho đi. Cho đi yêu thương, cho đi sự tử tế, cho đi những cống hiến giúp đời. Cho đi không những giúp đỡ được người khác, mà còn khiến tâm hồn ta hạnh phúc, thăng hoa, khiến ta cảm thấy cuộc đời tràn đầy ý nghĩa. Khi ấy không cần theo đuổi; thiện quả, danh tiếng, duyên lành cũng tự theo đến, đó chính là “không cầu mà tự được” vậy. Những vĩ nhân lưu danh muôn thuở đều là những nhân nghĩa chi sỹ không màng danh lợi, sống đời thanh thản mà lại cống hiến bao thành tựu, giá trị cho người.
* Sưu tầm