BIẾT THA THỨ
Ở đời, chắc ai cũng có đôi lần gặp phải những tình huống bất như ý. Khi ấy, ý thức tự vệ được biểu thị bằng thái độ phản kháng phát tiết ra ngoài hoặc chỉ là những diễn biến nội tâm. Tùy mức độ mà xúc cảm ở những trạng thái khác nhau: Khinh miệt, giận dữ, đau khổ… Dù ở trạng thái nào cũng gây mất cân bằng tâm lý, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và đời sống.
Để hóa giải những Stress không đáng có ấy, như thường nói, thời gian là phương thuốc hiệu nghiệm nhất. Quả vậy, nỗi đau dù lớn đến đâu thì theo thời gian cũng nguôi ngoai. Vết thương dù còn sẹo cũng là để nhắc nhở như một kinh nghiệm. Nhưng thời gian sống của một đời người thật ngắn ngủi. Vậy mà để nguôi ngoai một sự khó chịu, một nỗi đau không mong muốn, ta đã tiêu tốn vào qũy thời gian có hạn định của mình. Sao không tìm một giải pháp tích cực hơn? Có đấy. Ấy là BIẾT THA THỨ!
Có lần tôi đang bận họp bàn công việc thì nghe tiếng gõ cửa. Tôi nói: “Bận họp” nhưng cánh cửa bị đẩy ra, người bạn quen ở xa xuất hiện, tôi khó chịu cau mày: “Bận họp khi khác sẽ gặp”. Anh bạn gật đầu, nói lí nhí gì đó rồi lui ra khép cửa lại. Sau đó, cứ nghĩ về anh ấy là tôi thấy khó chịu bởi hành vi thiếu văn hóa không tha thứ được của anh bạn hôm ấy, để tình cảm bấy lâu với anh ấy đã đội nón ra đi khỏi lòng tôi. Rồi qua bạn bè, tôi được biết anh đã rất áy náy vì vô tình phạm phải điều đáng tiếc. Hôm ấy, vì nghe nhầm anh cứ tưởng tôi nói “mời vào” như bao lần anh đến thăm tôi khi có dịp. Trời ạ! Vì không biết tha thứ mà tôi đã hiểu sai một con người. Rất may là chưa tỏ thái độ gì với anh và sau đó chúng tôi còn có dịp gặp nhau để giải bày… Một lần khác, tôi mua hai tờ vé số kiến thiết khác số nhau và tặng cho một anh bạn thân một tờ kèm câu nói đùa: “Nếu trúng đặc biệt thì chia cho tớ một nữa”. Hôm sau khi nhìn kết quả sở số tôi vui mừng khôn xiết vì một trong hai tờ trúng giải đặc biệt. Nhưng hởi ôi! tấm vé số của tôi đã lạc đâu mất! Tôi hỏi anh bạn thì anh ấy bảo không trúng. Tôi bán tín bán nghi. Thời gian sau, tôi được biết anh sửa nhà, mua xe. Tôi giả cách đến mượn tiền anh để thẩm định lại nghi vấn của mình. Anh tỏ vẻ áy náy vì không giúp được tôi. Tôi muốn xổ toẹt ra nỗi niềm chất chứa trong lòng khi nghe điều giả nhân giả nghĩa trong giọng nói của anh cho hả giận, nhưng cố nín nhịn mà từ đây sẽ vĩnh viễn đào sâu chôn chặt một mối thâm tình. Và tôi chợt nhớ từ đây, ngoài gia đình, tôi không còn tin ai được nữa. Sau đó, hay tin anh bị tai nạn, tôi không đến thăm mà còn thấy sung sướng trên sự không may của anh. Một hôm, tôi lật xem quyển sách ở nhà thì một tờ vé số rơi ra. Tấm vé số trúng giải đặc biệt tôi đã kẹp trong quyển sách!... Đã quá hạn lãnh thưởng. Tôi như phát cuồng. Tiếc của, ân hận vì hiểu lầm bạn dày vò tôi khôn nguôi…
Ở quê hương thân yêu của tôi có người thầy thuốc, cũng là võ sư, rất giàu có. Một đêm người nhà vị thầy thuốc bắt được một người lẻn vào nhà ăn trộm. Họ định đánh tên trộm một trận rồi giao cho công an, nhưng vị thầy thuốc ngăn lại. Ông bảo người nhà dọn cơm rồi đích thân mời kẻ trộm dùng cơm, hỏi thăm gia đình rồi cho thêm một khoản tiền bảo tên trộm về quê tu chỉnh làm ăn. Tên trộm đi rồi, ông nói với người nhà: “Phải biết tha thứ khi tha thứ được. Tình thương thật sự khi cảm hóa được con người. Biết tích điều nhân đức thì sẽ được cứu giúp khi gặp khốn khó trong đời”… Năm năm sau, kẻ trộm được ông tha thứ, cứu vớt năm xưa đưa vợ con đến cảm tạ. Gia đình người thầy thuốc nhân đức đã học được bài học thực tiễn về đạo đức ở đời.
Để tha thứ được, dù ở trường hợp nào, quả thật không dễ. Nhưng ta thật sự cầu thị thì sẽ thực hiện được. Biết tha thứ là ta biết vun bồi thiện tâm, tâm tính được thanh thản, lạc quan yêu đời, có niềm tin vào cuộc sống, được sự yêu mến của những người chung quanh.