Đất & người nơi tôi qua…
Nói về Quảng Nam, người ta có câu hát: “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm”, mà đã mưa rồi thì mưa mãi không ngớt. Nói như thế để thấy phần nào cái khắc nghiệt của nắng gió miền Trung; dù thế con người nơi đây không hề bất hòa với cái khắc nghiệt ấy, mà bao đời nay vẫn luôn chịu thương chịu khó, sống dịu hòa và thủy chung với mảnh đất đón gió đón bão thân thương này.
Một góc Quảng Nam
Có lẽ chính trong nỗi khó nhọc ấy mà những người con của vùng đất này đã lớn lên cùng những ước mơ, hoài bão “trả ơn” cho đất, cho mẹ đã cưu mang, trưởng dưỡng và đưa mình vào đời. Cũng chính trong lao nhọc, người ta sẽ nhận chân được đâu là giá trị đích thực của cuộc sống; và tình yêu thương là tặng phẩm mà những người con nơi đây dành cho nhau và cho cả những người con quê xa - đã làm nên cái cố kết không chỉ của người dân nơi đây mà còn dành cho cả những người phương xa. Tôi đã thấy điều này từ bạn, từ những người thân quen chân phương nơi quê bạn, trong đôi lần vượt hàng trăm cây số đến thăm.
Tôi - đứa con miền Tây Nam Bộ đã may mắn hai lần được đặt chân đến đất Quảng Nam. Hành trình hơn hai mươi giờ đồng hồ ngồi xe khách dọc các tỉnh miền Trung, rồi chiếc xe cũ kỹ đưa tôi qua con đèo Le hiu hắt để đến Sơn Viên (Nông Sơn) quê bạn; làm thi vị và ý nghĩa hơn cho những chuyến đi vốn nhiều xúc cảm thế này.
Quảng Nam, ngày… tháng…. năm…
Lần đầu, tôi ra quê bạn vào những ngày Tết ta yên ả, xuống xe trong cái lạnh se sắt của một buổi sáng mù sương. Đã 9 giờ sáng, mà sương mù vẫn còn giăng giăng trắng mỏng trước mặt tôi, trên các triền núi. Tôi đang bước đi trên con đường tráng nhựa chạy dài giữa những cánh đồng lúa xanh tươi bất tận, ngực căng phồng nguồn khí sạch có mùi của lúa mới, của núi và của dòng suối lơ thơ khói trắng có cây cầu xi-măng bắc qua.
Vừa đi, vừa thả mình trong sự bình yên của những con đường làng cong cong xa tít. Lại đến một ngã ba nữa, rồi tôi cũng vào được đúng nhà bạn. Nhà không có người, tôi bước qua nhà bên cạnh của một sư cô có dáng người nhỏ nhắn. Nói chuyện một lúc, cô bảo: “Để cô chế mì cho con ăn nhé!”… Miền Trung chào đón tôi như thế, không một chút lạ lẫm, không chút khoảng cách.
Hai cái ngã ba ấy, nhiều khi cũng để lại cho tôi nhiều dự cảm. Qua phải, tôi đến nhà bạn. Qua trái hay đi thẳng, tôi lại đi về một phương khác mà tôi chưa hề biết trước. Đôi khi trong cuộc đời, người ta phải chọn đi thẳng, qua phải hay qua trái - tất cả là một lựa chọn và một con đường… dẫn ta đến những phương khác nhau của cuộc đời.
Thật tình tôi chỉ ngại một điều là cứ “dạ dạ” miết vì không hiểu hết những gì các bác nói, chứ đối với tôi đến nơi này thú vị và đáng nhớ bao nhiêu lần hơn khi công tác nước ngoài hay tìm hiểu văn hóa và con người nơi ấy. Có lẽ là do cái thiên vị và ưu ái một cách tự nhiên tôi dành cho mảnh đất tuy xa mà không hề lạ trong tâm tưởng của mình - như câu nói của dân gian: “Ta về ta tắm ao ta - Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”.
Người miền Nam thường bảo miền Trung xa xuôi quá, rồi khó khăn trong giao tiếp nữa, nhưng khi đến miền Trung rồi thì chắc người ta sẽ cảm được sự gần gũi và đồng điệu. Sự gần gũi này đã vượt qua cái ngăn cách bị giới hạn bởi sự đặc thù về ngôn ngữ, giọng nói; và sự đồng điệu có được từ trải nghiệm và sẻ chia của những người con cùng dòng huyết quản quê hương Việt Nam, cùng yêu những mảnh hồn thiêng liêng của đất mẹ có cha ông, có tuổi thơ với những ước mơ đẹp đẽ được chắp cánh từ những ngày thơ bé.
Quảng Nam, ngày… tháng… năm…
Ấn tượng của tôi là hình ảnh mẹ bạn - nơi bác, tôi cảm nhận được sự nhẫn nhịn, bình thản với cuộc đời và nhất là tình thương yêu bác dành cho bạn. Bác không nói nhiều như những bà mẹ khác, không quá nhiều những hành vi quan tâm chăm sóc; hay có lẽ bác như thế là do trước mặt người lạ. Tôi không rõ nhưng chắc chắn một điều rằng tình thương của bác dành cho bạn là to lớn và bao la lắm, to lớn như những dãy núi đá ngoài kia và bao la như những cánh đồng xuân hè ngát xanh ngoài kia vì… bạn thương mẹ lắm!
Bên mâm cơm lành đạm bạc, tôi thấy ghen tỵ với bạn vì từ lâu rồi, tôi không gần mẹ và không được mẹ nấu cho ăn thế này… Cái ấm áp ấy đã xua tan cái lạnh tê người cho kẻ miền Nam ưa nóng như tôi,... Và tôi thấy vui trong hạnh phúc được bên mẹ của bạn, giản dị mà vô giá.
Quảng Nam, ngày… tháng… năm…
Nhớ thật những ngày rong ruổi trong cái lạnh của núi đồi. Nhớ những hàng cau giống hệt nhau của những ngôi nhà cùng thôn - như một nét duyên e ấp nấp sau con đường lớn và những cánh đồng xanh mát. Nhớ thêm mỗi tối bên bếp lửa hồng đun nồi nước sôi. Nhớ cái bàn ủi than có nắp con gà trống. Nhớ thêm cái cách dùng chân nhang thổi đỏ thau than lạnh ngắt để hơ chân cho ấm. Nhớ cái vị béo béo của bánh xèo chay, mùi thơm thơm nồng nồng của xà-lách và cải cúc vườn nhà quyện trong vị mặn cay cay của chén nước tương pha. Ba người, trên ba cái ghế đẩu ngắn chân… đủ ấm áp cho một tối băng đèo trở về.
Khó mà quên được những cây cầu dài ơi là dài, bắc qua những con sông cũng dài ơi là dài. Bình yên đến lạ! Đó là lý do vì sao tôi hay quay lại nhìn, nhìn mãi cho đến khi xuống chân cầu và tầm nhìn những con sông dài yên ả mất hút. Ruộng đồng, sông cầu đã đọng lại trong tâm trí tôi và cũng chảy mãi trong ký ức tôi về một vùng quê yên bình và gần thật gần với thiên nhiên như thế.
Quảng Nam, ngày… tháng… năm…
Lần này, tôi ra thăm quê bạn vào những ngày tháng Chín, những ngày trăng sắp tròn cho bọn trẻ xách đèn lồng đi hát Tết Trung thu khắp xóm làng. Miền Nam của tôi chỉ hai mùa nắng mưa. Nghe bạn nói, mùa thu ngoài này cũng không rõ rệt, có nắng ấm và gió hiu hiu nhưng nhiều khi cũng có những con bão to thúc giục thu qua để mùa đông lạnh mau tràn về. Thiên nhiên thì quyết liệt nhưng con người thì đằm thắm, ôn hòa với bão với mưa.
Gần các em, trong niềm vui của các em khi có quà trung thu, tôi có những phút sống lại với tuổi thơ của mình. Ngày ấy khó khăn, đâu có lồng đèn, đâu có bánh trung thu. Thế là chỉ cần một mảnh ngói vỡ vuông vuông là cắm cây đèn cầy lên đi khắp xóm trong xóm ngoài; có khi còn “chơi dại” cắm đèn cầy lên cả móng của ngón chân cái rồi đi hát rước đèn. Bánh thì ăn bánh in bột nếp, đứa nào háo ăn là nghẹn không kịp uống nước; qua Trung thu thì có bánh chao mấy trăm đồng một cái - đích thị là bánh trung thu bán không hết người ta nhào lại, nắn thành bánh chao bán cho con nít nhà nghèo. Và tôi cũng nằm trong đám con nít ấy, khoái ăn bánh chao, khoái ơi là khoái. Khi đã đi qua cái thiếu, lớn lên người ta sẽ nghĩ nhiều đến việc cho…
Quảng Nam, ngày… tháng…năm…
Mộ ngoại giờ khang trang hơn, nằm ấm áp giữa những hàng cây xanh tốt. Tôi không thấy đâu nữa những ngọn đồi chập chùng ngày ấy, tất cả đã được phủ xanh. Tôi chừng thấy một chút xa lạ, rồi chực nghĩ đồi núi cần được phủ xanh; đất rừng nuôi cây, cây cho đất bóng mát, cây giữ đất và che chắn người, nhà khỏi những cơn bão dữ. Đúng là nên thế chứ! Lặng lòng, tôi thấm thía hơn thực nghĩa minh xác của hai chữ vô thường. Vạn vật biến thiên, chỉ có lòng người là lưu giữ mãi những sự-không-đổi-thay dù mọi sự chưa bao giờ là không thay đổi. Chẳng phải sự khổ cũng sinh khởi từ đây sao? Và trong suy nghĩ của tôi lúc này, nơi đây cũng sẽ khác hơn trong một lần trở lại khác.
Quảng Nam, ngày… tháng… năm…
Lần này tôi không thấy những cánh đồng lúa xanh mát sắp sửa đơm bông mà tôi thấy những gốc rạ sau mùa gặt. Tối nay tôi cũng chạy xe trên con đường làng đen thủi, và thoang thoảng đâu đây là mùi rạ mới, là mùi khói đốt đồng khen khét. Và sáng ra sẽ lại thấy mấy chú trâu thong dong gặm rạ trên đồng. Và sau mùa gặt, lại có những cây rơm cao ngất mọc sau nhà.
Tạm biệt đất Quảng, một chút bịn rịn, một chút quyến luyến; như cách người ta bảo là “mến tay mến chân”, tôi mang theo về Sài Gòn ồn ã kha khá một vốn phương ngữ đất Quảng (nghe lắm thân thương), một chút thanh bình, một chút tình quê, giản dị, sâu lắng và khó phai.
Biết nói sao cho trọn những xúc cảm trong lòng. Chắc chỉ có con tim chan hòa mới thấy và cảm hết những tâm tình như thế. Hãy đi, đi để thấy quê mình đẹp, và quê bạn cũng đẹp…
Tạp bút của Trần Trọng Hiếu (theo giacngo)