Đủ để bình yên!
Thường Tâm - Ngày đăng: 13:18:31 05-01-2020
Như thế nào gọi là "đủ" và đủ để bình yên là sao? Chúng ta có ai mà không muốn sống một cuộc đời bình yên!
Tại sao chúng ta đau khổ cũng như mắc nhiều phiền toái trong cuộc sống? Có bao giờ bạn tự hỏi mình như vậy không?
Đó là vì chúng ta ảo tưởng và mê mờ. Tuy nhiên, nếu nghe theo lời dạy của Đức Phật thì chúng ta có thể tẩy trừ những ảo tưởng và mê mờ ấy. Khi chúng ta mê tín, tức là tin vào những điều sai lầm thì chúng ta không thể nào dùng trí năng để phân biệt đúng sai. Cho nên chúng ta phải cố gắng thoát ra khỏi đám mây mê mờ ấy bằng cách phát triển trí huệ và sự tự tin vào bản thân. Khi đã có trí huệ rồi thì ta sẽ thấy rằng những vấn đề mà mình đang mắc phải chỉ là ảo vọng mà thôi, và dĩ nhiên là chúng sẽ biến mất như sương tan trong nắng, như mây mờ bị gió cuốn đi.Có những tôn giáo dạy người ta cố gắng chạy trốn khỏi thực tại bằng cách nói rằng thượng đế an bài tất cả. Nếu điều tốt đến thì họ cho rằng ngài đã ban ơn, còn như gặp điều xấu thì họ đổ thừa cho ma quỷ. Là những Phật tử, chúng ta thấy rằng những niềm tin như thế thật cảm tính. Hầu hết mọi người không chịu tìm hiểu tại sao chúng ta không hạnh phúc, tại sao chúng ta không cảm thấy hài lòng với cuộc sống của mình cũng như ai là người chịu trách nhiệm cho tình trạng đó.
Có thể nói chúng ta là người chịu trách nhiệm trực tiếp cho hầu hết những vấn đề của bản thân, nhưng đồng thời chúng ta cũng có trách nhiệm gián tiếp đối với những vấn đề ở mức độ xã hội như vấn đề chủng tộc, truyền thống, tôn giáo, kinh tế… mà qua đó nhân loại có thể bị chia rẽ. Những điều kiện làm cho nhân loại ngày nay bị suy thoái là sự xói mòn rộng khắp của các tiêu chí đạo đức và những hành vi của con người được điều khiển từ những ý nghĩ ô nhiễm.
Sai lầm của con người ngày nay chính là sai về mục tiêu sống cũng như cách thức để đạt mục tiêu đó, đồng thời tán dương, ca ngợi những giá trị sai lầm. Mà đã sai lầm thì làm sao có bình yên và hạnh phúc được. Hệ quả không thể tránh khỏi là chúng ta luôn cảm thấy lo lắng, bồn chồn, thất vọng, tự trách và mặc cảm tội lỗi. Chúng ta đi tìm lời giải cho vấn đề. Nhưng thông thường chúng ta chỉ tìm kiếm ở bên ngoài mà không nhận ra rằng gốc rễ và giải pháp của mọi vấn đề là nằm bên trong chúng ta.
Có một cách để an ủi sự thống khổ và không hạnh phúc của mình là so sánh nỗi khổ của mình với khó khăn của người khác. Khi chúng ta gặp bất hạnh, chúng ta cảm thấy rằng cả thế giới như đang chống lại mình. Chúng ta nghĩ rằng mọi thứ xung quanh chúng ta đang sụp đổ và chúng ta là người duy nhất chịu đựng điều đó. Tuy nhiên, nếu chúng ta bình tâm suy xét thì chúng ta sẽ thấy rằng cuộc đời của mình không phải chỉ có một màu đen.
Bên cạnh những bất hạnh rủi ro, chúng ta cũng có những thành công và may mắn khác. Chúng ta sẽ thấy rằng tình cảnh của mình thậm chí còn tốt hơn nhiều người khác. Chúng ta thử lấy một quyển sổ nhỏ và ghi ra những điều tốt và những điều không tốt đã xảy ra cho mình. Sau đó chúng ta so sánh thì sẽ thấy rằng cuộc đời không phải lúc nào cũng đối xử tệ bạc với mình. Chúng ta thống khổ là vì chúng ta có khuynh hướng nhấn mạnh một cách không cần thiết những khó khăn và mất mát.
Cuộc đời luôn luôn tồn tại những khó khăn. Điều duy nhất mà chúng ta nên làm là cố gắng để giải quyết chúng thay vì lo lắng và làm tăng thêm nỗi đau.
Chúng ta phải tự nhủ lòng mình rằng mình sẽ giải quyết bất cứ vấn đề gì mà mình gặp phải. Chúng ta đã đi qua những tình huống xấu nhất trước đây và chúng ta đang đối mặt với một tình huống mới. Vậy thì có gì mà phải sợ hãi hay lo lắng. Một tình huống trong vô vàn tình huống mà thôi. Cũng như bánh xe lăn trên con đường, đường láng hay đường gồ ghề thì bánh xe vẫn cứ lăn tới. Cũng vậy, ta đi qua con đường đời, cứ đi tới. Và hãy luôn nhớ rằng, “mọi thứ rồi sẽ qua”.
Chúng ta nên thấy rằng bất cứ phương pháp gì chúng ta áp dụng để giải quyết vấn đề cũng sẽ không bao giờ đạt được sự hoàn hảo, trừ khi chúng ta có quá trình tu tập nội tâm, và làm mỏng dần sự ích kỷ và tham ái. Giáo pháp của Đức Phật đã đem đến cho ta sự hiểu biết rõ ràng về bản chất của con người cũng như những vấn đề của họ và cách làm sao để vượt qua chúng.
Đức Phật dạy rằng, đời là vô thường, khổ đau và vô ngã. Nếu đã vậy thì làm sao ta có thể mong đợi một cái gì hoàn hảo. Hiểu được như vậy rồi thì ta không đòi hỏi hay mong cầu một sự thỏa mãn hoàn toàn mà chỉ cần thỏa mãn ở mức độ vừa đủ để cho ta có thể duy trì được trạng thái yên bình trong tâm.
Theo: Hữu Huệ
Nguồn: VuonhoaPhatgiao.com