TỔ SƯ HUẤN HỐI
YẾU KÍNH SƯ TRƯỞNG
Dịch nghĩa:
“Người xuất gia cần phải tôn kính Thầy tổ,
Tùy sức tùy thời mà cúng dường
Trăm điều hiếu không bằng một điều thuận
Không được quay đầu cưỡng lại”.
Giải thích:
Người xuất gia được Thầy tổ cho thế độ tu hành, học hiểu chánh pháp để được giác ngộ giải thoát. Công ơn đó không biết lấy chi đền đáp cho cân vì người đệ tử xuất gia cần phải hết lòng cung kính phụng sự Thầy tổ.
Tùy theo sức lực và thời gian mà phục vụ cúng dường Thầy tổ từ vật chất đến tinh thần, chẳng quản nhọc nhằn, ngày đêm cực khổ, cần lao phục dịch. Khi thầy sai bảo việc gì cũng phải vâng lời. Khi thầy đau bệnh phải hết lòng chăm sóc sức khỏe cho thầy, không được nhờm gớm hay tỏ vẻ khó chịu.
Cổ đức có câu: “Trăm điều hiếu không bằng một điều thuận”, nghĩa là lúc bình thường, thuận hòa vui vẻ thì mình tỏ lòng hiếu thảo, cung kính vô cùng. Nhưng đến khi trái ý nghịch lòng như bị thầy la rầy, quở mắng hay bắt mình phải làm những điều cực nhọc, khó khăn mà mình không thích làm, thì cũng phải thuận theo ý thầy, chấp hành cho xong công việc đúng theo câu “Y giáo phụng hành”. Như vậy mới đúng là người đệ tử trung thành với thầy, chứ không có thái độ bất mãn rồi dùng dằng, hoặc vừa đi ngoe nguẩy vừa quay đầu cãi lại. Đó là cử chỉ bất kính của người đệ tử mà thời nay không ít, thậm chí giận thầy rồi bỏ chùa ra đi. Hoặc ở chùa khác, hoặc ở nhà Phật tử, hoặc tìm chỗ cất am, cốc ở riêng cho được tự do. Họ đâu biết rằng một khi “Tăng ly chúng tăng tàn, hổ ly sơn hổ bại”.
Sách xưa có câu: “Đệ tử tầm sư dị, sư tầm đệ tử nan”,nghĩa là người đệ tử muốn tìm thầy để xin xuất gia tu học thì rất dễ dàng vì thầy là bậc Cao tăng danh tiếng thì ai cũng biết, mình cứ tìm đến xin thọ giáo là được. Trái lại, người thầy Bổn sư muốn tìm một vị đệ tử trung thành, hiếu thuận thì rất khó. Vì trong một tỉnh hay trong một thành phố có hàng trăm, hàng ngàn Tăng, Ni trẻ ở lẫn lộn trong xã hội thì làm sao biết được người nào tâm tánh hiền lành, ngay thẳng, chân thật mà thế độ, truyền giáo, truyền giới cho họ tu hành được mau giác ngộ. Quả thật là khó vô cùng!
Căn cứ theo quyển Luật học tinh yếu (Hòa thượng Thích Phước Sơn - NXB. Phương Đông) có nói về đoạn thầy chọn đệ tử thì phải cẩn thận tìm hiểu căn tánh, hoàn cảnh và quá trình học hiểu Phật pháp của người đệ tử xem họ thuộc thành phần nào khi họ đến xin xuất gia:
1. Tặc tâm xuất gia
2. Phụ trái xuất gia
3. Ố tâm xuất gia
4. Hoàn cảnh xuất gia
5. Hảo tâm xuất gia
1/ Tặc tâm xuất gia:Là người tham lam, thấy cảnh chùa cao Phật lớn, bổn đạo đông, cúng dường nhiều, chư Tăng được mọi người tôn kính trọng đãi nên muốn xuất gia vào chùa để hưởng thụ lợi dưỡng. Khi vào chùa rồi thì lại tranh quyền tranh chức, mượn danh đạo tạo danh đời, ăn trên ngồi trước, cống cao ngã mạn, hoặc lợi dụng lòng tin của Phật tử làm các điều tà mạng để thu tiền, hoặc âm mưu chiếm chùa, giành đất, hoặc gây sự bất hòa trong chúng để mình được độc tôn. Người xuất gia với tâm đạo tặc thì chỉ thêm tội chứ không có phước đức gì cả.
2/ Phụ trái xuất gia:Là những người trốn nợ, thiếu thuế hay giựt hụi… hết đường chạy gỡ nên phải vào chùa cạo đầu, ở tu lánh thân. Đó là hạng xuất gia với tâm “lánh thế trốn đời” chứ không thật tâm cầu giải thoát.
3/ Ố tâm xuất gia:Là những người vì hoàn cảnh gia đình ngang trái, thất vọng tình duyên, thất chí công danh, thất bại làm ăn, yếm thế chán đời, già nua tuổi tác, không còn chen đua nổi với đời nên buồn lòng vào chùa xin xuất gia để khuây khỏa nỗi lòng cho qua ngày đoạn tháng. Vì ưu bi phiền não mà đi tu thì sự tu đó không bền. Sau một thời gian nguôi ngoai tâm sự thì lại chán cảnh chùa, hoàn tục trở lại hoặc vì không thể chịu đựng nổi chương trình tu học hay thời khóa công phu khó nhọc, thức khuya dậy sớm, chay lạt nâu sồng nên phải trở về nhà; hoặc có người vẫn tiếp tục tu luôn, nhưng với quan niệm kệ kinh hai buổi sớm chiều lai rai qua bữa, hoặc học thuộc vài bài kinh đặng đi đám cầu an, cầu siêu cho đồng bào…
4/ Hoàn cảnh xuất gia:Là những người gặp hoàn cảnh thương tâm như: Mồ côi cha mẹ không nơi nương tựa, hoặc ở với bà con, cô dì chú bác bị bạc đãi, hoặc ở với cha mẹ ghẻ bị hành hạ, đánh đập, đói rét, đa số bỏ nhà ra đi làm dân bụi đời. Một số ít tìm đến chùa xin xuất gia tu hành để giải thoát phiền não khổ đau, hoặc có người vì gia đình ly tán, hoặc nỗi oan khó tỏ như “Quan Âm Thị Kính”, nên tìm vào chùa để tu hành, hoặc có người vì bệnh nghiệp lâu ngày không hết, bèn phát nguyện xuất gia tu hành để giải trừ nghiệp chướng tiền khiên. Hoặc có người vì cha mẹ đau bệnh nan y, bèn khấn nguyện Tam bảo cho cha mẹ hết bệnh sẽ xuất gia tu hành đặng báo hiếu và tạ lễ Tam bảo v.v…
5/ Hảo tâm xuất gia:Là những Phật tử thuần thành có theo học Phật pháp nhiều năm, tỏ thông được lý vô thường, khổ, không, vô ngã, nhân quả luân hồi, quyết chí cầu giải thoát, biết được chân tâm Phật tánh của mình sẵn có nên phát tâm xuất gia để“trên đền bốn ân nặng, dưới cứu khổ muôn loài”, chuyên tâm tu học trau dồi giới đức, xả thân cầu đạo, xả phú cầu bần, không màng danh lợi, chẳng đắm sắc thinh. Xuất gia như vậy mới gọi là chân thật hảo tâm, vì lòng chánh tín vì cầu chánh pháp mà xuất gia tu hành.
Như vậy, bổn phận người thầy muốn tế độ đệ tử phải hiểu rõ năm thành phần trên đây để chọn đệ tử. Gặp người hảo tâm đến xin xuất gia đó là thiện duyên tốt, hoặc ít ra cũng phải thuộc vào hạng hoàn cảnh thương tâm mà cho vào tu cũng được, chứ ba hạng kia thì tuyệt đối không nên nhận.
Thời nay có nhiều người muốn làm thầy sớm nên thấy ai đến chùa cũng rủ xuất gia. Nếu gặp nhầm hạng tặc tâm thì sẽ bị rất nhiều phiền não như câu người đời thường nói: “Nuôi ong tay áo, nuôi khỉ đốt nhà”. Cần nên cẩn thận!
Trong Luật có dạy: “Vị tỳ-kheo mới được năm hạ chỉ được nhận đệ tử tại gia Tam quy Ngũ giới mà thôi, đến khi được mười hạ mới được nhận đệ tử xuất gia, chứ không nên ham làm thầy sớm mà sẽ bị mang họa về sau”.
Riêng về người đệ tử, khi muốn tìm thầy xuất gia thì cũng phải tìm đúng thầy hợp với căn cơ nguyện vọng của mình, tu đúng với pháp môn mà mình khế hợp thì mới có kết quả, chứ đừng vội gặp thầy nào cũng xin xuất gia thì sau ăn năn cũng đã muộn. Thí dụ như căn cơ mình hợp với Thiền mà đến cầu học với thầy tu Tịnh độ thì tâm vẫn vọng tưởng hoài, trái lại nếu người tu Mật mà đến cầu học với Thiền sư thì cũng không có kết quả.
Cho nên trong kinh có câu:Vô sư vô pháp nhơn chi đại ương”
Cổ đức có câu:
Vạn lý tầm sư
Ưng tầm chơn minh sư
Bất ưng tầm mị manh sư”.
Nên khuyên các Tăng,Ni phải thận trọng khi tìm thầy học đạo!
(Trích bài giáo giới Tăng Ni)