Giáo dục con trẻ
Một bà mẹ dẫn con đến trước quầy nước ở siêu thị, bà nói với người chủ quầy bán cho đứa bé một lon nước, đợi người nhà đang tính tiền hàng bên trong siêu thị trở ra rồi bà sẽ trả tiền nước, vì hiện bà không còn tiền trong túi. Người chủ quầy dễ tính, lấy ra lon nước và bật nắp khui cho đứa bé uống.
Người đàn bà đi tới đi lui ra vẻ nóng lòng chờ người thân bên trong siêu thị. Được một lúc, người đàn bà bảo để bà vào tìm người thân xem sao. Người chủ quầy không nói gì, cứ để cho bà ta đi, ông nghĩ một lon nước không đáng giá bao nhiêu, một người ăn mặc sang trọng như bà ta chắc không làm chuyện lừa gạt. Nhưng rồi ông đợi hoài không thấy người đàn bà trở ra trả tiền, ông cũng không dám bỏ quầy để đi tìm bà ta. Mà chắc gì tìm thấy, vì bà ta cố tình lừa gạt mà, bà đã lẻn đi ngả khác. Thế là ông đành bỏ tiền lon nước đó. Ông chỉ biết lắc đầu, nghĩ không biết người đàn bà đó sẽ trả lời thế nào nếu con của bà hỏi: “Sao mình không trả tiền nước cho chú hở mẹ?”. Không hiểu sao người ta có thể bán rẻ lòng tự trọng, bán rẻ danh dự chỉ với giá mấy ngàn đồng và để lại bài học không hay cho con trẻ?
Dắt con đi lễ chùa cũng là một cách giáo dục con cái hướng thiện - Ảnh Family
Một người đàn ông đi xe máy chở con gái từ trong chợ chạy ra, ông bấm còi inh ỏi để những người phía trước tránh đường. Một người đàn ông khác đang ngồi trên xe máy nghe điện thoại, nghe tiếng còi xe phía sau, ông loay hoay dời xe để tránh đường. Do vừa dời xe vừa nói chuyện điện thoại nên ông làm một cách chậm chạp, thế là người đàn ông phía sau chửi toáng lên. Cả hai lời qua tiếng lại, và người đàn ông chở con trên xe móc điện thoại ra gọi bạn bè đến đánh người đàn ông vừa gây gổ với ông ta. Đứa bé ngồi trên xe đang độ tuổi đi học, khoảng chừng 14-15, nó sẽ học được điều gì từ hành vi ứng xử của ba nó?
Ông bà cha mẹ, những người lớn trong gia đình và hàng xóm láng giềng xung quanh luôn là tấm gương của con cái, góp phần hình thành nhân cách cho trẻ. Con trẻ chịu ảnh hưởng rất nhiều cách ứng xử, thái độ sống, lời nói, việc làm của người lớn, và sẽ phản ảnh rõ những gì chúng đã học hỏi, tiếp nhận được. Từ lúc còn nhỏ cho tới lớn, con trẻ được sự nuôi dưỡng và dạy dỗ của gia đình, sự truyền đạt giáo dục của nhà trường và chịu nhiều ảnh hưởng từ bên ngoài xã hội. Chúng kinh nghiệm và hấp thu tất cả những gì đã trải qua, những gì chúng đã tiếp xúc. Tuy nhiên có không ít ông cha bà mẹ đã vô tình dạy hư con mình cũng như những người cha và người mẹ trong câu chuyện trên.
Có nhiều bậc cha mẹ còn đồng tình, khen ngợi, tán thưởng, khích lệ con cái khi chúng có lời nói hoặc hành động việc làm mà họ cho đó là hay, là khôn ngoan, lanh lợi hơn người dù đó là việc xấu. Ví dụ như trong lúc chơi đùa, những cử chỉ, lời nói hoặc hành động xấc xược hỗn láo, vô phép, kém văn hóa nhưng được người lớn khen ngợi, vỗ tay khích lệ thì đứa trẻ cảm thấy thích thú, nghĩ rằng người lớn đồng tình với nó, từ đó về sau nó sẽ lặp đi lặp lại những điều đó.
Những hành động sai trái, lối cư xử kém văn hóa, đạo đức của người lớn có tác động rất lớn đến tâm lý, tính cách của con cái. Đôi khi lời nói, hành động, cách ứng xử của cha mẹ vô tình dạy hư con cái, chẳng hạn như ăn nói bừa bãi (ví dụ nói tục chửi thề, cợt đùa vô ý thức), không biết xử sự, thường hay tranh chấp, so đo tính toán, thô lỗ, thiếu hòa nhã, không biết tôn trọng người khác. Có nhiều bậc cha mẹ vô tình dạy con cái những thói hư tật xấu như cờ bạc, rượu chè, tiêu tiền phung phí…
Người xưa đã từng nói: “Dưỡng bất giáo, phụ chi quá. Giáo bất nghiêm, sư chi đọa”, nghĩa là nuôi con mà không dạy dỗ là lỗi ở cha mẹ, dạy dỗ mà không nghiêm là lỗi ở thầy cô, cho thấy trách nhiệm của nhà trường và gia đình rất lớn trong sự nghiệp trồng người.
Cũng có những trường hợp cha mẹ vì thương con mà che chở, dung túng cho những sai phạm, lỗi lầm của con mình dù biết những điều con làm là không đúng. Con cái được bảo bọc trong vòng tay cha mẹ, được chiều chuộng quá mức đâm ra tự kiêu, tự phụ, có tánh ỷ lại, những hành động, việc làm sai trái không bị ai ngăn cản, do đó cứ tiếp tục gây ra lầm lỗi này đến lầm lỗi khác, đến một lúc nào đó phải gánh chịu hậu quả mà không cha mẹ hay một ai có thể chở che, cứu vớt, khi tỉnh ra thì đã muộn.
Xã hội hiện đại đang phải đối đầu với vấn nạn phạm tội của thanh thiếu niên, mà nguyên nhân và hậu quả của nó trước đây không ai quan tâm đến. Vấn nạn này sẽ còn tiếp diễn nếu xã hội không đánh giá đúng mức sự nguy hại của nó và không có cách điều chỉnh hành vi và nhận thức để loại trừ những nguyên nhân gây ra nó khi còn trong trứng nước.
Việc tụ tập reo hò cổ vũ cho thanh thiếu niên đua xe như thường thấy là hành vi vô tình thúc đẩy tệ nạn này tiếp diễn. Bởi thanh thiếu niên sẽ nhận thức sai lầm rằng hành vi đua xe của mình không có gì là sai trái, nó được nhiều người hoan nghênh, khích lệ. Sự cổ vũ của nhiều người cũng tạo cho những người lầm lỗi kia thêm phần phấn khích, rơi vào cảm giác ảo, vui vẻ thích thú trong giây phút bốc đồng, xốc nổi có thể đưa đến hậu quả đau khổ lâu dài (tai nạn, tật nguyền, tù tội, bỏ học giữa chừng, đánh mất tương lai). Việc dùng tiền để chạy trường, xin điểm, mua bằng cấp, chạy tội, chạy án của cha mẹ cũng là những việc làm lợi bất cập hại, vô tình giáo dục con mình tính ỷ lại vào tiền bạc, làm cho con trẻ nhận thức sai lầm về giá trị của đồng tiền, nghĩ rằng tiền là tất cả, có tiền là có tất cả, từ đó xem thường những giá trị sống khác, không tôn trọng đạo lý, coi thường pháp luật, sống lệ thuộc đồng tiền, bản thân không cố gắng trau giồi, hoàn thiện nhân cách. Khi nghĩ rằng tiền bạc có thể mua mọi thứ thì người ta không màng học tập, không màng phấn đấu làm việc. Khi có quá nhiều ảo tưởng về tiền bạc thì người ta dễ rơi vào tội lỗi vì kiếm tiền bằng con đường bất chính và sử dụng đồng tiền vào những việc bất chính.
Sống trong gia đình có người cha nhậu nhẹt bê tha, khi say xỉn thì đánh đập vợ con, chửi bới hàng xóm láng giềng, hoặc có người mẹ ham mê cờ bạc, ưa ngồi lê đôi mách, thì việc chồng bắt vợ con xách chai đi mua rượu, cư xử thô bạo với vợ con, hoặc đề đóm bạc bài, chụm đầu xâu mỏ nói chuyện thiên hạ trở thành những việc bình thường trong mắt trẻ, bởi chúng chứng kiến hàng ngày, chúng sống chung với những điều đó, và khi lớn lên chúng sẽ sống như thế, làm như thế, đối xử với vợ (chồng) con, với những người xung quanh như thế. Con trẻ sẽ làm tấm gương phản chiếu thái độ sống, cách cư xử của người lớn. Bởi thế người lớn không nên vội trách rằng tại sao con trẻ quá lì lợm, bướng bỉnh, ngỗ nghịch, hoặc trẻ sớm nhiễm các thói hư tật xấu như rượu chè cờ bạc, hút xách, trai gái, bạo lực… Đó là do chúng chịu ảnh hưởng từ cha mẹ, những người thân xung quanh chúng, hoặc do thiếu sự quan tâm dạy dỗ của cha mẹ, của nhà trường nên chúng hấp thu những cái xấu bên ngoài xã hội. Có nhiều bậc cha mẹ chỉ biết chửi mắng, quát tháo, hạ cẳng tay thượng cẳng chân với con mình mà không biết cần phải tìm hiểu, dạy dỗ con bằng tình thương yêu và sự hiểu biết, dạy con một cách khoa học và có văn hóa.
Người ta hay đánh giá, phán xét những hiện tượng tiêu cực trong xã hội mà hời hợt việc lưu tâm ngăn chặn chúng xảy ra bằng cách gieo những mầm mống tốt và đừng tạo ra những mầm mống xấu. Đừng gieo những hạt giống bất thiện, tiêu cực vào tâm tư tình cảm, nhận thức của con trẻ, bởi tương lai chúng là chủ nhân của gia đình, chủ nhân của xã hội. Đối với các bậc làm cha mẹ, Đức Phật dạy: “Bổn phận hàng đầu của bậc làm cha mẹ đối với con cái là nuôi dưỡng và giáo dục tốt con cái, hướng con cái vào đường thiện”(Trường bộ kinh, kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt). Danh ngôn phương Đông cũng có câu: “Nuôi con mà không dạy là chẳng yêu con” (Phụ mẫu dưỡng kỳ tử nhi bất giáo, thị bất ái kỳ tử dã).