Khóa tu mùa hè: những chuyển hóa tích cực
Khi khóa tu mùa hè nở rộ
Khóa tu mùa hè bắt đầu nở rộ từ năm 2012 và đặc biệt trong năm 2013, ở khắp vùng miền của đất nước, các chùa đều tổ chức khóa tu mùa hè. Ở miền Nam phải nói đến đầu tiên là chùa Hoằng Pháp, Quan Âm tu viện (TP.HCM), chùa Phật Quang (Kiên Giang); ở Tây Nguyên có chùa Hoa Khai, Pháp Hoa (Đắk Nông), chùa Liên Trì (Đắk Lắk); miền Trung có chùa Tất Viên (Quảng Nam), chùa Bồ Đề, Bát Nhã (Đà Nẵng). Miền Bắc có chùa Từ Xuyên (Thái Bình), chùa Chí Linh (Nghệ An), chùa Đình Quán, chùa Bằng, thiền viện Sùng Phúc (Hà Nội), thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (Vĩnh Phúc)… số lượng khóa sinh tham gia luôn rất đông, nhiều nơi số lượng luôn trên 1.000 và đến từ nhiều tỉnh trong khu vực.
Khóa tu mùa hè tại chùa Hoằng Pháp thu hút đông bạn trẻ tham gia
Trước khi chùa Hoằng Pháp mở khóa tu mùa hè vào năm 2005, thì trước đó, chúng ta chỉ thấy khóa tu Phật pháp dành cho Phật tử trung niên và Phật tử lớn tuổi, ít có khóa tu cho giới trẻ. Chỉ duy nhất có Gia đình Phật tử Việt Nam hơn 60 năm qua là có những chương trình cụ thể quan tâm và đầu tư cho Phật tử trẻ với những nội dung về Phật pháp, trò chơi với những chương trình và nội dung cụ thể, sinh hoạt vào những ngày Chủ nhật hàng tuần tại các chùa. Ngoài ra, Gia đình Phật tử Việt Nam còn có các chương trình trại huấn luyện, trại họp bạn, trại hè… nhưng mới chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ của những Phật tử biết đến đạo và tìm hiểu đạo.
“Trong khi đó giới trẻ lại là tương lai, là rường cột của nước nhà và của đạo pháp. Bỏ quên thành phần này, cũng chính là đánh mất tương lai tươi sáng của dân tộc và đạo Phật vậy. Thế nên, việc vun đắp cho tuổi trẻ, tạo sân chơi cho tuổi trẻ, hy sinh vì tuổi trẻ cũng có nghĩa là đạo Phật đã biết đầu tư cho tương lai, thế hệ sẽ tiếp nối, duy trì và phát huy tôn giáo truyền thống gắn bó với dân tộc hơn 2.000 năm qua.
Hơn nữa, ngày nay trong sự hỗn độn của thời đại công nghệ thông tin, giới trẻ dường như rất mơ hồ, thậm chí rất hoang mang về việc làm thế nào để xây dựng bản thân thành một con người mẫu mực hay hoàn thiện nhân cách trong sự tấn công ồ ạt của văn hóa ngoại lai thường mang theo nhiều tiêu cực. Không ít các bạn trẻ rơi vào những tệ đoan, thiếu ý chí, không đam mê học tập, sống sa đọa, có những quan niệm sống lệch lạc và dần đánh mất truyền thống văn hóa tốt đẹp bao đời của cha ông. Và chúng ta - những người con Phật không thể thờ ơ với thực trạng đó. Trách nhiệm xây dựng một thế hệ tương lai lành mạnh cả thể xác lẫn tâm hồn không còn là trách nhiệm của riêng ai, mà nó đã trở thành trách nhiệm chung của toàn xã hội. Đây cũng chính là lúc đạo Phật thể hiện tinh thần từ bi trí tuệ, vô ngã vị tha, mở ra cho các em một hướng đi đúng đắn với những chuẩn mực đạo đức, những giá trị thiết thực hiện tại của đạo Phật, góp phần xây dựng một xã hội văn minh tiến bộ, cùng phát triển trong tình yêu thương và sự hiểu biết”, TT.Thích Chân Tính, trụ trì chùa Hoằng Pháp chia sẻ về việc mở khóa tu vào năm 2005.
Nhưng phải tổ chức khóa tu cho giới trẻ như thế nào đây? Bởi họ là những người trẻ, là những học sinh, sinh viên rất năng động, lại chịu ảnh hưởng của những luồng văn hóa khác nhau. Đó là những thách thức cho những người đi đầu trong việc tổ chức khóa tu. TT.Thích Chân Tính, chia sẻ thêm: “Đã có rất nhiều mô hình tổ chức cho giới trẻ hướng về Phật pháp, như trại hè, các hội thi giáo lý, văn nghệ… nhưng ở thời gian đó, khóa tu mùa hè là hình thức tổ chức tu tập vô cùng mới mẻ dành cho giới trẻ, chúng tôi phải tự soạn thảo nội dung mà không biết tham khảo ở đâu, nên tổ chức như thế nào, tổ chức ra sao. Điều này cũng làm chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn. Bởi lẽ ai cũng biết “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba…” mà, vậy nên khó khăn lớn nhất là nắm bắt tâm lý chung, thói quen sinh hoạt, khả năng nhận thức, khả năng tiếp thu của các em như thế nào để đưa ra mô hình phù hợp nhất.
Khó khăn nữa là sự bị động trong các khâu tổ chức, như sự hạn chế về cơ sở vật chất, nhân lực, tài chính; thiếu kinh nghiệm giải quyết các tình huống trong khóa tu; và chưa tạo được sự phối hợp nhịp nhàng trong công việc giữa các thành phần trong Ban Tổ chức. Do đó, khi vận hành, khóa tu không sao tránh khỏi sự lúng túng, bất cập và ách tắc trong công việc”.
Nội dung khóa tu
Hiện nay, những nội dung trong khóa tu đều do Ban Tổ chức tự quyết định - về hình thức sinh hoạt, độ tuổi tham gia, và nội dung tu học như thế nào. Như đến chùa, các khóa sinh được hướng dẫn các oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, cách cúng quá đường, cách chắp tay, xá chào, lễ lạy khi gặp quý thầy, quý sư cô. Bên cạnh đó, đến với khóa tu mùa hè, các bạn trẻ sẽ được gặp và giao lưu với bạn bè bốn phương, sinh hoạt Phật pháp, lắng nghe pháp thoại về chữ hiếu, ân nghĩa sanh thành, tham gia các trò chơi dân gian thật thoải mái sau những ngày học thi căng thẳng, thi biểu diễn văn nghệ, thực tập thiền định, trải nghiệm về tâm linh, khơi dậy những tiềm năng tư duy và sáng tạo của các em, học kỹ năng giao tiếp ứng dụng vào đời sống hàng ngày.
Những buổi pháp thoại, nói về công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, thường để lại những xúc cảm rất lớn trong lòng các bạn trẻ, nhiều giọt nước mắt hối hận đã rơi khi nghĩ về cha mẹ, về những việc mình đã làm đối với cha mẹ. Đặc biệt là đêm đốt nến tri ân lắng đọng để lại nhiều cảm xúc về ân đức của hai đấng từ thân, những giọt nước mắt khóa sinh thay cho lời xin lỗi vì những lỗi lầm vụng dại của tuổi thơ đã gây ra khiến cha mẹ phải buồn lòng. Và thật sự những đêm thắp nến tri ân đã tạo được sự chuyển hóa rất lớn nơi các bạn trẻ, nếu Ban Tổ chức biết cách sắp xếp, có phương pháp, cũng như nắm bắt được tâm lý cảm xúc của giới trẻ.
Như tại chùa Hoằng Pháp, quý thầy chọn nội dung giảng dạy thường chỉ lấy tinh thần Nhân quả, Năm nguyên tắc đạo đức (Ngũ giới) và Tứ trọng ân để giáo dục các em về việc xây dựng hình tượng một con người mẫu mực trong xã hội và giáo dục các em lòng tôn kính Tam bảo, lòng yêu nước, lòng hiếu thảo và lòng yêu thương tất cả chúng sanh, xa lìa những tệ nạn xã hội.
Còn như chia sẻ của TT.Thích Thanh Định, Phó Trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN Thái Bình, trụ trì chùa Từ Xuyên thì đến khóa tu các bạn trẻ được học cách “quay tìm lại chính mình, học hỏi giáo lý Phật giáo qua những giờ học oai nghi, các bài giảng, những trò vui chơi bổ ích, ngoài ra còn viết báo tường, hát các bài ca ngợi Đức Phật và quê hương đất nước”.
Hay như kinh nghiệm từ chùa Bằng: “Tổ chức khóa tu lớn, theo tôi có hai vấn đề lớn, đó là vấn đề tài chính, và vấn đề đồng lòng tổ chức phải có sự nhất tâm, kiên trì và nhiệt huyết. Đầu tiên, ngoài trách nhiệm hoằng pháp, đặc biệt còn cần phải có tình thương. Gắn tất cả mọi người như thân mình. Không có sự phân biệt người là Hòa thượng, người là con trẻ. Khi đó, tôi không nghĩ tôi là Hòa thượng. Khi ăn, tôi ăn cùng các cháu, khi rảnh tôi chơi cùng các cháu. Tôi hòa nhập cùng với các cháu.
Bên cạnh đó, những người tổ chức cần phải có đức hy sinh, vượt qua khó khăn, chướng duyên. Trong việc tổ chức khóa tu, tôi luôn đặt chất lượng đầu tiên, không quan trọng về số lượng các bạn trẻ tham dự. Và việc lựa chọn đối tượng tham gia khóa tu cũng là điều quan trọng trong việc thành công của khóa tu. Từ đó, qua các khóa tu, càng ngày tôi càng rút ra kinh nghiệm tổ chức, và tạo dựng được lòng tin đối với các bậc phụ huynh và các bạn trẻ về tham dự khóa tu ngày càng đông. Do đó các khóa tu thường được các chư tôn đức ủng hộ, nhiệt tình giúp đỡ trợ duyên”, HT.Thích Bảo Nghiêm, Trưởng ban Hoằng Pháp T.Ư, chia sẻ.