Tết trung thu - nét văn hóa trong lòng người Việt.
Admin - Ngày đăng: 12:32:20 03-09-2014
Tết Trung thu có nguồn gốc dân dã từ nền văn minh lúa nước người Việt. Những nghiên cứu mới nhất về văn hóa dân gian cho thấy, Tết Trung thu khởi nguyên từ đồng bằng Châu thổ sông Hồng của người Việt, sau đó du nhập vào Trung Quốc, Nhật Bản... Trung thu xa xưa ở Việt Nam, lễ rước đèn, bày cỗ, phá cỗ, hát trống quân… dưới trăng là những nghi thức quan trọng nhất.
(Tết trung thu xưa)
Ở nước ta, hầu như mùa nào cũng có Tết. Mùa xuân ngoài Tết Nguyên Đán người Việt còn có Tết Nguyên tiêu, mùa Hạ có Tết Đoan ngọ, mùa Đông có Tết Trùng Thập. Nhưng trong các lễ Tết đó thì trẻ con và cả người lớn háo hức nhất, chờ đón nhất vẫn là Tết Trung Thu. Trời tháng Tám trăng thanh gió mát, nhà nông nhàn nhã âu cũng kịp lúc để được thoải mái vui chơi; đây là dịp để bà dắt cháu, chị dắt em, bố dắt con…. cùng nhau ngắm cảnh thu tạo nên sự nhộn nhịp và ấm áp biết bao. Vào Rằm tháng Tám, trăng đẹp nhất, nên dân gian làm lễ mở hội ăn Tết mừng trăng. Tết trông trăng, phá cỗ ngày xưa vốn là Tết của tất cả mọi người, không riêng gì đối với trẻ em. Thời đó, đêm Trung Thu, mọi nhà đều mở cửa, ai cũng có thể đến thăm hỏi và trò chuyện cùng nhau, cùng ngắm trăng, ăn cỗ, tuy chỉ là vài món hoa quả, bánh trái đơn sơ nhưng nghĩa tình thật ấm áp.
Mâm cỗ cúng trăng của người Việt bao gồm : bánh trung thu, kẹo, trái cây, trà và các loại bánh trái khác nữa. Đây là dịp để con cái hiểu được sự yêu thương, chăm sóc trìu mến của ông bà cha mẹ đối với con cháu. Cũng trong dịp này mọi người mua bánh trung thu, trà, rượu để cúng tổ tiên, biếu ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng, và các ân nhân khác. Đây là một trong những dịp tốt nhất trong năm để con cháu tỏ lòng biết ơn ông bà cha mẹ và để người đời tỏ lòng yêu thương, chăm sóc lẫn nhau. Vì thế, tình yêu cảm gia đình càng khắng khít thêm.
Tết Trung thu là tết của tình thân, những thiên thần bé nhỏ được sự chuẩn bị, chăm sóc của người lớn. Trẻ em phá cỗ trông trăng và mơ màng về hình bóng chú Cuội dưới gốc cây đa nơi cung Hằng dịu dàng, yêu thương tràn ngập. Đồ chơi Tết Trung thu thuở xa xưa chủ yếu là đèn ông sao, mặt nạ thú, trống ếch, trống bỏi, đèn kéo quân, đèn lồng… Đêm Trung Thu, nhịp trống quân thùng thình, thùng thình… nhịp trống bỏi binh bông, binh bông… cùng với ánh đèn ông sao mờ ảo, hương cốm, hương bưởi, hương ổi, hương hồng… ngọt ngào, thấm đẫm vào ánh trăng rằm vằng vặc, rong ruổi trong làn gió nhẹ đêm thu, ríu rít những bàn chân sáo đám trẻ thơ… là thế giới kỳ ảo muôn màu của các cháu bé, của ước vọng hòa bình. Thế giới ấy không chỉ lay động, xao xuyến tâm hồn con trẻ mà còn quyến rũ, rủ rê người lớn cùng ùa vào cuộc chơi. Hình ảnh những người cha cặm cụi vót tre làm đèn ông sao, những người mẹ lễ mễ bê mẹt trái cây, cốm, xôi sắp cỗ, những đứa trẻ chơi trò bịt mắt bắt dê, thả ba ba chờ trăng rằm mọc… là những nét đẹp cổ kinh điển phổ biến của văn hóa Việt trong mỗi dịp Tết Trung thu thuở những thập niên 1970 trở về trước. Ngày ấy, ngẫu hứng về thiên nhiên vẫn rong ruổi bất tận cùng mây gió.
(Hình minh họa)
Và đêm Tết Trung thu, trẻ con trông trăng để bay bổng cùng cây đa, chú Cuội. Người lớn trông trăng kiếm tìm hy vọng cơm áo năm sau. Bằng kinh nghiệm dõi theo chu kỳ của tạo hóa, người xưa đoán định mùa vụ qua ánh trăng đêm Trung thu: trăng màu vàng trúng mùa tằm tơ, trăng xanh lục báo hiệu thiên tai, trăng màu cam đất nước thái bình thịnh trị hay “trăng quầng trời hạn, trăng tán trời mưa” Nhưng dù điềm lành hay điềm dữ, thì con người vẫn luôn đồng hành, say đắm cùng trăng quanh năm suốt tháng, người và trời đất tự nhiên hòa hợp đó là nét văn hóa đặc sắc và thú chơi tao nhã trong lành hiền dịu của người Việt Nam ta. Thật vui khi trẻ em đón tết trung thu có đèn xếp, đèn lồng, đèn ông sao, đèn con giống… sặc sỡ thắp sáng kéo nhau đi từng đoàn ca hát vui vẻ, tối tối cùng nhau đi nhởn nhơ ngoài đường, ngoài ngõ. Và khi rằm tới, có những đám múa sư tử với tiếng trống, tiếng thanh la thật náo nhiệt. Trong dịp này, để thưởng trăng có rất nhiều cuộc vui được bày ra. Người lớn có cuộc vui của người lớn, trẻ em có cuộc vui của trẻ em.
(Hình minh họa)
Tết Trung Thu là một phong tục rất có ý nghĩa đối với dân tộc ta. Đó là ý nghĩa của tình yêu thương, chăm sóc, của báo hiếu, của biết ơn, của tình bằng hữu, của đoàn tụ và của thương yêu. Cho nên chúng ta cần cố gắng duy trì và phát triển ý nghĩa cao đẹp này chứ không nên để Tết Trung thu biến tướng thành Tết Trung Thu của sự mua tài lộc, cơ hội thăng quan tiến chức qua những món quà bánh Trung Thu mang đầy toan tính. Cho nên đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ mãi những ngày tháng thơ ấu rước đèn ông sao dưới ánh trăng vàng trong xanh năm nào. Bây giờ Tết Trung Thu dường như đã mất đi phần nào phong vị lúc xưa, có chăng là chút ít hoạt động văn hóa dân gian về sự tích Chú Cuội, Chị Hằng nơi cung Trăng, Thỏ Ngọc... của các công ty tổ chức sự kiện. Nhưng trong những điểm sáng nhỏ nhoi ấy vẫn bừng lên những tia sáng ấm áp, lung linh của các sự kiện vì xã hội, vì cộng đồng bởi các bạn, các gia đình có lòng hảo tâm tổ chức từ thiện làm ấm lòng bao mái đầu xanh, bao gia đình còn khó khăn. Trung thu 2014 đang đến gần rồi, hy vọng mọi người sẽ được thưởng thức tết trung thu vui vẻ, hạnh phúc, ấm áp tình thân.
Bài: Lê Ngân