Ăn - nói - gói - mở: Học cả đời chưa xong
Ai cũng hiểu thế cả, vậy mà có câu nói của người xưa để giữ thân mình chỉ có 8 từ mà đời này qua đời khác thấy chẳng dễ mấy ai theo nổi dù chẳng có gì khó lắm.
8 từ đó là gì?
Đó là: “Học ăn - học nói - học gói - học mở”, rút gọn hơn là ăn - nói - gói - mở, có 4 động từ!
Hai điểm đứng đầu mà người đời cần học, thì trước là “học ăn”, sau là “học nói”.
Ai cũng tưởng ăn là đơn giản nhất. Vậy mà còn “Ăn tùy nơi/ chơi tùy chốn”. Có nghĩa không phải chỗ nào cũng ăn được và chỗ nào cũng chơi được.
2. Mở rộng ngữ nghĩa chữ “ăn”, hóa ra “ăn” không giới hạn trong sự nhai. “Ăn” còn có nghĩa thu về, lấy về. “Ăn tiền” thì không phải chuyện nhai. “Ăn không nói có” là điêu toa cũng không phải nhai. “Ăn hỏi” thì lại là một nghi lễ cho chuyện đôi lứa “Ăn xin” lại chỉ hành vi của người bất lực trước cuộc sống. “Ăn xổi ở thì” là chỉ người nông cạn sống hời hợt…
“Ăn” là đưa vào, “nói” là đưa ra. Hai chiều trái ngược nhau, nhưng “ăn” và “nói” luôn đi với nhau. “Ăn” là nhập dữ liệu, “nói” là thẩm định. Với kẻ tráo trở thì dễ thành chuyện “ăn không nói có” lắm!
Lại còn “Ăn trông nồi/ ngồi trông hướng” là nói cách sống của của con người. Nhìn nồi còn hay hết để liệu chia sẻ chứ không phải hùng hục ăn lấy được. Còn “hướng” là nói về phong thủy, là hướng thuận. Thuận là hợp lẽ trời, là không trái đạo lý, trong đó có đạo lý làm người.
3. Còn lại là “học gói, học mở”. “Học gói” là học thu vào gói gọn, “học mở” là kiểm tra xem xét.
Nội hàm của hai cụm từ này bé thì như gói xôi, to thì như việc đại sự quốc gia. Rất dễ hiểu.
4. Tóm lại hành xử một đời người chỉ có ngần này thứ là “Ăn - nói - gói - mở”. Biết được và làm được thì chỉ thế là đủ.
Câu chuyện của một quốc gia thì cũng chỉ có thế này thôi, làm được thế là minh bạch và đàng hoàng.
Chỉ “Ăn - nói - gói - mở” mà học suốt đời chưa xong!