Bài học cuộc sống: Đức Tính Khiêm Hòa
I/ NGÃ MẠN VÀ KHIÊM HÒA.
Chữ “khiêm” là khiêm tốn, khiêm nhường, và chữ “hòa” ở đây là nhu hòa, hòa hợp. Vấn đề quý Thầy muốn nói chuyện hôm nay chính là đức tính khiêm tốn và nhu hòa, quý vị nghe xong sẽ thấy được cái hay, cái dở để tự mình lựa chọn và thực hành, từ đó làm thành cho chính mình. Người xưa đã dạy: “Khi nghe ai nói một điều gì thì chúng ta không chỉ nghe những gì người ta nói mà hãy lắng nghe xem, tại sao họ lại nói như vậy”. Nghĩa là khi nghe một người nào nói điều gì, không phải mình chỉ nghe điều người đó nói mà phải lắng nghe xem tại sao họ lại nói như vậy, động lực nào bên trong khiến họ nói như vậy. Cụ thể ở đây, sở dĩ quý Thầy nói về đức tính khiêm hòa, bởi vì hầu hết con người chúng ta còn là phàm phu, không ít thì nhiều, bên trong vẫn âm thầm tồn tại sự ngã mạn.
1/ NGÃ MẠN.
Ngã mạn được xếp vào hàng thứ tư trong năm loại độn sử, tức là năm loại kiết sử khó trừ nhất. Đối với năm loại độn sử này, ngay cả những vị đã chứng A-la-hán rồi mà vẫn còn hơi hám chút chút, khó trừ. Giống như chúng ta cầm một con cá tươi, khi đã quẳng bỏ và rửa tay rồi, nhưng ngửi tay vẫn còn mùi tanh, đó gọi là tập khí tàn dư (hơi hám còn sót lại). Chỉ là hơi hám tàn dư, nhưng trong mười lực dụng của chư Phật thì đến lực dụng thứ mười mới “trị vĩnh đoạn tập khí trí lực”, có nghĩa là đoạn tận phiền não tập khí. Nói cách khác, chỉ có chư Phật mới vĩnh viễn dứt sạch được tập khí tàn dư này.
Trưởng lão Tất-lăng-già-bà-sa đã chứng A-la-hán nhưng thường bị đau mắt, mỗi lần khất thực hay đi ngang qua sông Hằng. Đến bên bờ sông, Ngài thường khảy móng tay và nói với thần sông Hằng: “Tiểu tỳ, hãy dừng lại, đừng cho nước chảy nữa”. Nước sông liền rẽ làm hai cho trưởng lão đi qua bờ bên kia. Nhiều lần như vậy, thần sông Hằng không chịu được lời nói và hành động của trưởng lão nên đến chỗ đức Phật bạch rằng:
- Bạch Đức Thế Tôn, đệ tử của Thế Tôn là Tất-lăng-già-bà-sa thường mắng tôi là “Tiểu tỳ, hãy dừng lại, đừng cho nước chảy”.
Đức Phật bảo trưởng lão Tất-lăng-già-bà-sa sám hối với thần sông Hằng. Trưởng lão chắp tay nói:
- Tiểu tỳ, chớ có giận, nay ta tạ lỗi nhà ngươi đó!
Cả đại chúng đều cười và nói, tại sao tạ lỗi mà còn mắng người ta nữa. Đức Phật nói với thần sông Hằng:
- Ông có thấy Tất-lăng-già-bà-sa chắp tay tạ lỗi chăng? Tạ lỗi là không có lòng kiêu mạn mà còn nói lời ấy, nên biết đó không phải Tất-lăng-già-bà-sa có ý xấu, chẳng qua năm trăm đời trở lại đây, ông ấy sanh ra trong nhà Bà la môn, luôn tự kiêu, cho mình là cao quý, khinh rẻ người khác, tập khí xưa nay như vậy nên miệng nói mà tâm không kiêu mạn.
Trưởng lão Tất-lăng-già-bà-sa đã chứng A-la-hán, tuy không phải có ý xấu, nhưng tập khí ngã mạn tàn dư vẫn còn. Mới thấy ngã mạn là cái gì đó không dễ trừ. Là chúng sanh như mình, không dễ gì một ngày một bữa mà dứt được lòng ngã mạn, kiêu ngạo. Cho nên tu tập, tiêu trừ tập khí là vấn đề chính yếu mà mỗi người chúng ta cần phải thực hành, cụ thể ở đây là phải học đức tính khiêm hòa để ngăn ngừa sự kiêu căng, ngã mạn, không để nó cản trở bước tiến đạo. Nếu không, chính sự kiêu căng, ngã mạn đó sẽ làm tiêu tan công đức tu hành, khiến mình dụng công rất nhiều, nhưng kết quả lại không được bao nhiêu.
2/ ĐỨC TÍNH KHIÊM HÒA.
Nhìn lại thực tế ở thế gian, người có đời sống khiêm cung, nhu hòa bao giờ cũng là một hình ảnh đẹp, được nhiều người kính quý. Ngược lại, người cống cao, vênh váo thì rất khó coi, ai thấy cũng chán ghét. Quý vị nhìn lại người đánh xe của quân sư Yến Anh sẽ dễ cảm nhận được điều này.
Tướng quốc Yến Anh có một người đánh xe. Anh ta có một cô vợ trẻ rất đức hạnh. Một buổi sáng sau khi đánh xe cho quan tướng quốc trở về, anh thấy cô vợ đang thu xếp đồ đạc vào tay nải. Thấy nét mặt có vẻ buồn nên anh hỏi thăm, cô vợ bảo sẽ đi về nhà bố mẹ. Anh ngạc nhiên hỏi lý do, cô nói:
- Tôi xấu hổ cho ông quá mức.
Anh đánh xe luống cuống căn vặn, hỏi mãi cô mới đáp:
- Hồi sáng tôi có việc đi ra chợ, trông thấy ông đang đánh xe cho quan tướng quốc mà mặt ông vênh váo, quát mắng inh ỏi, vung roi vi vút ra bộ dưới trời này không còn ai bằng ông hết.
Anh đánh xe nói:
- Bộ cô tưởng tôi không có chức vị gì hay sao? Tôi cũng có chức vị chứ. Tôi vung roi, tôi vênh váo cũng có sao đâu.
Cô vợ nói:
- Đúng rồi, tôi biết ông là người đánh xe cho quan tướng quốc. Nhưng tôi thấy quan tướng quốc ngồi trên xe với dáng vẻ nhũn nhặn, khiêm tốn. Còn ông là người đánh xe mà vênh váo, nghênh ngang, tôi mắc cỡ cho ông quá nên muốn bỏ về nhà cha mẹ tôi cho rồi.
Anh này nghe vậy lấy làm hổ thẹn, nhận lỗi và hứa sẽ sửa đổi. Ngày hôm sau, thái độ mềm mỏng của anh khiến quan tướng quốc rất đỗi ngạc nhiên. Khi hỏi ra, biết duyên cớ, quan tướng quốc rất khâm phục cô vợ của anh đánh xe và trọng thưởng.
Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy có ba hình ảnh đẹp: thứ nhất là dáng vẻ của quan tướng quốc Yến Anh, một quân sư tài ba nhưng ngồi trên xe rất đôn hậu, nhũn nhặn, khiêm cung. Hình ảnh thứ hai là sự khuyên can sáng suốt, tế nhị, hợp thời, đúng nơi chốn của người vợ hiền, không làm tổn thương đến chồng mình. Nếu góp ý người khác với một thái độ thô quá, làm tổn thương người ta thì mình cũng chưa được khiêm tốn. Và thứ ba là hình ảnh biết nhìn nhận lỗi lầm để sửa sai rất hiếm có của anh chàng đánh xe. Không phải cố định người này hoàn toàn xấu, luôn luôn dỡ tệ, người kia hoàn toàn tốt, mãi mãi là tuyệt vời, mà người có mặt tốt này thì cũng còn tồn tại ít nhiều những mặt còn hạn chế kia và có quyền sửa đổi chuyển xấu thành tốt chứ không cố định xấu mãi. Nếu ai đã được hoàn bị rồi thì rất quý. Còn chưa được hoàn bị mà biết nhận lỗi, sửa sai, đó là một tinh thần rất đáng trân trọng.
Nhìn người thì xem lại mình, một đôi khi mình cũng vô tình và có thái độ trơ trẽn không kém gì anh chàng đánh xe. Mình tự xưng là con của Phật, là đệ tử Như Lai, nhưng có khi mình lại vênh váo, ngã mạn, tự coi mình là cái rốn của vũ trụ, không ai đụng tới được. Trong khi đó đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni là bậc thầy của Trời người, được Trời người cung kính mà đời sống của Ngài lại rất gần gũi, khiêm cung, nhã nhặn, rất đỗi từ hòa. Có một lần, Di Mẫu là người đã nuôi Ngài lúc còn nhỏ đem một khúc vải để cúng dường đức Phật, Ngài nói: “Bà nên hướng về chúng Tăng mà cúng dường sẽ có phước nhiều hơn”. Nghe nói như vậy Di Mẫu không được vui vì bà chỉ muốn cúng dường đức Thế Tôn thôi. Ngài A Nan năn nỉ xin đức Phật nhận để bà vui, nhưng Ngài vẫn một mực từ chối, bảo nên hướng về chúng Tăng cúng dường thì sẽ có phước nhiều hơn cúng dường Ngài dù Ngài là một vị Phật hiện tại. Nhìn lại, chúng Tăng là đệ tử của Phật, nhưng Ngài lại khuyên Di Mẫu nên cúng dường cho đệ tử của Ngài thì có phước hơn, có phải là gương khiêm hòa cao quý cho chúng ta học hỏi và thực hành cả đời vẫn chưa trọn vẹn?
Trong một kiếp quá khứ, Ngài là một con khỉ đầu đàn của năm trăm con khỉ cùng sống trên một núi tuyết rất yên ổn. Thường ngày những con khỉ này leo lên cây xoài rất quý và ăn xoài trên đó. Khỉ chúa rất khôn, nó biết nếu để rớt một trái xoài xuống dòng suối trôi về miền xuôi, người dân sẽ phát hiện ra cây xoài quý rồi lên tìm thì tánh mạng cả đàn sẽ không yên ổn. Ngày nào cũng lên kiểm tra, trái nào vừa chín là khỉ chúa hái liền không để cho xoài rụng. Tuy nhiên, có lần cũng bị sót một trái rơi xuống dòng suối và trôi về làng. Dân làng được một trái xoài quá quý nên dâng lên nhà vua. Vua ăn thấy ngon liền sai người theo dòng suối đi ngược lên để tìm cây xoài. Quân lính triều đình tìm thấy cây xoài quý, lại nhìn thấy đàn khỉ và rắp tâm muốn thanh toán cả đàn. Đêm đó, khỉ chúa thức suốt tìm dây nối lại làm thành một cây cầu bắc qua dòng suối để năm trăm con khỉ vượt suối thoát nạn. Một mình khỉ chúa tất bật suốt đêm cho tới sáng, nhưng vẫn còn thiếu một đoạn dây dài bằng với mình của nó. Cuối cùng nó đã cung mình xuống để nối vào nhịp còn thiếu đó. Đàn khỉ không dám bước qua, nhưng vì khỉ chúa thúc giục, bảo đàn khỉ phải đi qua, nếu không sẽ mất mạng. Cả đàn đành phải đi qua cây cầu trên đó có một nhịp cầu là thân hình của chúa tễ đàn mình.
Rồi trong kinh Pháp Hoa ghi lại, xưa kia đức Phật Thích Ca từng là một vị Bồ Tát Thường Bất Khinh, gặp ai Ngài cũng xá và nói: “Tôi không dám khinh các Ngài, vì về sau các Ngài đều sẽ thành Phật”. Có bị người ném đá hay chửi mắng, Ngài vẫn xá xá và nói như vậy.
Có rất nhiều giai thoại đã kể cho chúng ta nghe về những kiếp quá khứ đức Phật đã từng khiêm hòa, hy sinh cho đồng loại. Đức Phật là vị Bổn Sư của chúng ta mà khiêm hòa, nhã nhặn, hy sinh cho mọi người, trong khi mình là con Phật, nhưng lắm lúc lại sơ hở, sai sót, trơ trẽn, vụng về vì thiếu khiêm hòa. Qua đó cho chúng ta thấy, đức tính khiêm hòa, hy sinh vì người khác là cách sống đẹp của một người có đạo, đạt đạo chứ không phải thường. Còn người ôm lòng cống cao, ngã mạn, cậy thế lấn hiếp người khác thì biết đó là hạng nào rồi.
II/ VÌ SAO CHÚNG TA THIẾU KHIÊM HÒA?
Ai cũng biết đức tính khiêm hòa rất cao quý, là con người, ai cũng cần phải có đức tính khiêm hòa. Biết là như vậy, nhưng tại sao không mấy ai sống trọn vẹn được với đức tính đó? Hay cụ thể hơn là tại sao chúng ta chưa dễ dàng khiêm hòa? Mình ngồi đây thì rất nhu nhuyến, nhưng đi ra ngoài thì quên liền, rất khó để khiêm hòa được, là vì sao? Chúng ta có thể khảo sát một số lý do điển hình:
1. Do thấy những điều trái nghịch của cuộc đời mà mình chưa chịu được, chưa nhẫn được nên chưa khiêm hòa được.
Thế giới mà chúng ta đang sống đây là thế giới nhị nguyên, thế giới của đối đãi hai bên. Bản chất thực của nó là trong cái thành đã ẩn cái hoại, trong cái hợp đã thầm có cái khắc nhau. Tuy hai cái trái nghịch nhau, nhưng lại luôn tồn tại trong nhau, làm thành cho nhau, không rời nhau được, tính chất của nó là tương sinh mà tương khắc, tương khắc mà lại tương sinh. Nếu chúng ta thấy rõ được sự thật này và khéo vận dụng để sống thì không có gì làm cho mình khó chịu, từ đó chúng ta có thể dễ dàng khiêm hòa được.
Cụ thể, cơ thể chúng ta được cấu tạo bởi bốn thành phần mà danh từ chuyên môn gọi là tứ đại: Thể chất cứng như da, thịt, gân, xương… thuộc về đất, phần lỏng như máu, mũ… thuộc về nước, hơi thở thuộc về gió và hơi ấm thuộc về lửa. Đất có ưa gió không? Gió thổi thì đất rung rinh cho nên có lúc phải cạo gió. Nước có ưa lửa không? Cũng không, vì thế thỉnh thoảng lửa nhiều bị sốt phải uống thuốc, có lúc trúng nước phải xông hoặc bầu hơi để rút nước ra. Bốn thứ này nghịch nhau, nhưng quý vị tách rời bốn yếu tố này riêng ra thì thân mình có còn sống được không? Cũng không được. Bốn chất này cùng hợp lại với nhau để tạo thành thân mình, đó là tương sinh; nhưng bên trong chúng lại chống trái nhau, đó là tương khắc. Tuy nó khắc nhau, nhưng chúng ta không thể nào tách nó ra từng phần mà sống được. Tương khắc mà tương sinh, tương sinh nhưng lại tương khắc. Cho nên Ngài Quy Sơn đã nói: “Tuy nãi tứ đại phò trì, thường tương vi bội”, tuy thân này do bốn đại nương nhau mà thành, nhưng nó lại thường chống trái nhau.
Hoặc nhìn vào một hiện tượng bên ngoài, khi nấu cơm thì dưới có lửa, trên có nước. Nước với lửa vốn không ưa nhau, nhưng nếu tách rời nước với lửa ra, thiếu một trong hai thứ thì chúng ta có cơm ăn, có nước uống hay không? Không thể. Tách ra như vậy, thiếu một trong hai thứ thì các thực phẩm, món ăn không thành tựu và sự sống của mình cũng không còn. Nước và lửa không ưa nhau, là tương khắc, nhưng phải nhờ vào sự kết hợp của nhau thì cơm mới chín, nước mới sôi, thực phẩm mới được tạo thành và duy trì được sự sống thì đó là tương sinh.
Một sự thật khác, trong một gia đình có hai anh em trai nhỏ rất thương yêu nhau, nhưng có phải lúc nào cũng hoàn toàn hòa thuận nhau không? Thế nào cũng có lúc xích mích cãi vã, có khi đánh nhau. Nhưng khi ra đường, có người khác đánh em mình thì người anh có ra tay bênh vực không? Bênh vực bảo vệ em mình liền. Nếu trái nghịch một trăm phần trăm thì đâu có bênh vực nhau! Đã bênh vực nhau thì phải hợp nhau, nhưng đã là hợp nhau thì vì sao về nhà lại đánh nhau? Cho thấy cuộc đời là tương đối, tương khắc nhưng lại tương sinh, tương sinh mà tương khắc. Cho đến ngay cả khi đức Phật ra đời cũng có Đề-bà-đạt-đa theo làm đệ tử, nhưng lại phá phách, làm nghịch muốn hại Phật chứ không phải thuận hoàn toàn.
Sự thật của thế giới nhị nguyên là như vậy. Qúy vị thử nhìn trên thế gian này có sự thể gì do một nhân mà làm nên không? Tất cả mọi hoàn cảnh, hiện tượng cho đến con người, vạn vật... đều do nhiều nhân, nhiều duyên hợp lại mà thành. Đã do nhiều nhân, nhiều duyên hợp thành thì không thể có cái nào thuận theo cái nào một trăm phần trăm cả mà thường nghịch nhau hơn là thuận nhau. Tuy nó khắc nhau nhưng lại làm thành cho nhau, làm thành mà lại thường hay chống trái nhau cho nên chúng ta không thể tách rời cái này để tìm cái khác. Đã biết nhờ nghịch nhau để làm thành, không thể tách rời nhau được thì mắc gì mình phải ghét bỏ chối từ cái nghịch hay bắt buộc nó phải thuận theo mình để rồi phải khổ não? Đã là thế giới của nhị nguyên thì chúng ta không thể nào tìm được một cái không phải là nhị nguyên, cho nên cõi Ta Bà được gọi là kham nhẫn, phải kham chịu nhẫn nhường mới sống còn, mới tồn tại được.
Thấy được sự thật, biết được nguyên lý của nó như vậy rồi, nếu chúng ta khéo điều hòa thì chính cái nghịch lại là cái làm thành cho mình. Mình không bỏ cái nghịch này để đi tìm cái thuận ở một nơi nào khác, vì cả thế giới nhị nguyên này không có một cái gì, không có một nơi nào thuận một trăm phần trăm đúng như ý mình. Khi chúng ta loạn động, tinh thần yếu kém, trí lực không có thì thấy có cái này nghịch với cái kia thật cho nên dễ sanh bực bội. Khi khéo điều hòa rồi, chúng ta sẽ thấy không có một pháp nào cố định là khắc hay hợp, là thuận hay nghịch, mà tất cả là do sự cảm nhận của chúng ta. Thấy rõ ràng lẽ hiển nhiên của cuộc đời là tương sinh, tương khắc, là tương đối, giả tạm, không có gì chống trái. Đặc biệt là lúc tinh thần mạnh mẽ, ổn định, trí sáng thì mọi vấn đề đối với mình là chuyện nhỏ, không có gì quan trọng cả nên thuận hay nghịch gì cũng là chuyện bình thường. Lúc này, chúng ta sống một cuộc đời đúng với đạo, bình dị, nhẹ nhàng, an vui, đức tính khiêm hòa tự nhiên tỏa ra trong đời sống của mình. Đối với mọi hoàn cảnh, chúng ta có thể khiêm hòa một cách dễ dàng, chứ không phải cố làm ra vẻ khiêm hòa giả tạo. Thấy rõ như vậy, khéo hòa như vậy và sống được như vậy là xuất phát từ một cái nhìn có trí tuệ, là sống đạo chứ không phải tầm thường.
2. Do chưa thấy được tai hại của việc thiếu khiêm hòa.
Khi thấy rõ tai hại của một vấn đề thì chúng ta mới quyết tâm và phấn đấu hết mình để vượt qua được. Nếu thấy được sự tai hại của tâm kiêu ngạo, tự hào và ngã mạn thì mình sẽ cố gắng tu tập để vượt qua và khiêm hòa được. Có lẽ quý vị có biết chuyện Ngài Ngộ Đạt Quốc sư.
Vào đời Đường, dưới triều vua Ý Tông (năm 618-907). Có ngài Ngộ Đạt Quốc sư, pháp danh Tri Huyền. Khi chưa làm Quốc sư, tình cờ Ngài gặp một tăng nhân, nhưng quên hỏi chỗ ở của vị này. Vị này bị bệnh ka-ma-la (tức là bệnh hủi), mọi người ai cũng gớm, chỉ riêng có Ngài Ngộ Đạt luôn gần gũi chăm sóc mà không có vẻ nhờm gớm bao giờ. Khi chia tay, cảm cái nghĩa đó nên vị tăng này nói với Ngài Ngộ Đạt rằng, sau này có nạn gì thì đến núi Trà Lũng, Bành Thành, Tứ Xuyên, nơi có hai cây tùng làm dấu để gặp nhau. Thời gian trôi qua, Ngài Ngộ Đạt trở thành một vị quốc sư nổi tiếng, được vua Đường Ý Tông ban cho cái ghế bằng trầm hương. Khi ngồi lên, Ngài vừa khởi tâm hãnh diện về chỗ ngồi của mình thì mặt mày bỗng dưng choáng váng, đầu gối nổi lên một cái mụt ghẻ hình mặt người. Lạ một điều là nếu mua thịt về đút cho cái mụt ghẻ này ăn thì nó êm, không đút thịt cho nó ăn thì đau chịu không nổi. Các danh y được mời đến nhưng không ai có thể chữa trị được. Một vị tăng tu hành thanh tịnh mà hằng ngày phải kiếm thịt đút vào cái đầu gối của mình thì quả là khổ sở, thêm vào đó lại còn bị cơn đau hành hạ. Nhớ lại lời hẹn ngày xưa nên Ngài tìm đến núi Trà Lũng tại Bành Thành, nơi có hai cây tùng làm dấu thì gặp vị tăng trước kia. Vị tăng này nói:
- Ta chờ ông đã lâu, ta biết hết mọi chuyện rồi, khỏi kể lại. Không sao đâu, vào đây nghỉ, sáng mai xuống dòng suối dưới núi, lấy nước từ bi tam muội mà rửa thì sẽ sạch được cái oan khiên nhiều đời.
Sáng hôm sau, vị tăng sai đồng tử đưa Ngài Ngộ Đạt xuống suối, vừa toan lấy tay khoát nước để rửa thì cái mụt ghẻ mặt người liền lên tiếng nói:
- Khoan rửa đã! Ngài là người học nhiều hiểu rộng, vậy thì Ngài đã đọc chuyện Viên Án và Triệu Thố chưa?
Ngài Ngộ Đạt nói đã đọc rồi. Cái mụt ghẻ nói tiếp:
- Vậy mà Ngài không biết sao! Viên Án là Ngài, còn Triệu Thố chính là tôi đây. Viên Án đã chém Triệu Thố ngang lưng ở chợ phía đông oan ức đến mức nào. Tôi mười đời đi theo tìm cách báo thù. Nhưng vì mười đời, Ngài đều là một vị cao tăng, giới hạnh tinh nghiêm nên tôi không có dịp. Hôm nay Ngài ngồi trên ghế trầm hương, vừa khởi tâm cao ngạo, hãnh diện về chỗ ngồi của mình thì đạo đức có phần bị tổn giảm nên tôi mới có cơ hội báo thù Ngài được. Ngày nay, Ngài nguyện tu hành, tôi cũng nguyện tu hành, xả bỏ ân oán của nhau.
Ngộ Đạt quốc sư nghe xong, trong lòng bàng hoàng, liền lấy tay khoát nước rửa, đau nhói đến tận xương, ngất đi một hồi lâu. Khi tỉnh dậy thì cái mụt ghẻ mặt người đã biến mất, nhìn lên thì hai cây tùng và ngôi chùa của vị tăng kia cũng không còn. Hỏi đồng tử thì mới biết vị tăng ấy là Tôn giả Ca-nặc-ca, một vị thánh tăng chứ không phải người thường.
Ngài Ngộ Đạt vừa khởi tâm cao ngạo, hãnh diện thì đạo đức có phần tổn giảm và có cơ hội cho oan gia báo oán. Cho thấy, chính tâm hãnh diện, cao ngạo làm mất đi cái phước đức, công đức của mình. Thấy được sự tai hại như vậy thì chúng ta có muốn hãnh diện, cao ngạo nữa hay không? Chưa biết thì mới theo nó chứ thấy rồi thì không ai dám làm như vậy cả. Sở dĩ hôm nay chúng ta có được một cuộc sống tạm gọi là ổn định, có thế lực, có sức mạnh, đó là do đang sống trên cái phước còn sót lại từ quá khứ. Không ai biết cái phước đó dày hay mỏng, nhưng một khi phước hết thì họa đến, khó ai lường trước được. Khi tai họa đến, chúng ta có thể dùng cái tâm cống cao, ngã mạn, cậy thế cậy quyền để cứu được các nghiệp ác cho mình không? Không, lúc đó chỉ có quằn quại mà đau đớn thôi chứ không có gì cứu được. Sức mạnh chính yếu là trí tuệ và phước đức. Thế nhưng, do không biết như vậy, cứ tưởng cái thân mấy chục ký này là mạnh rồi chúng ta dựa vào nó để cống cao, nương vào nó để vênh váo, ngã mạn, làm đủ thứ…, khiến bị tổn phước, họa lai. Ví dụ như một người nào đó nhờ chút phước đức được làm chức vị cao, hay nương vào một thế lực nào đó để tự hào, cậy quyền cậy thế làm đủ mọi thứ không tốt, cho đến lúc hết phước rồi thì sao? Có khi phải đọa lạc sanh vào những con vật yếu ớt. Sức lực thì chỉ như chú kiến kia, không thể dùng tâm hống hách để chiến thắng hay làm gì được ai, nhưng lại quen cái thói cống cao ngã mạn, chưa bao giờ biết nhường nhịn ai, không nén được lòng mình nên càng giận dữ, càng tức tối thì lại càng đau khổ. Cái khổ do nghiệp xấu ác lúc này nó thiêu đốt mình như thế nào, quý vị thử nghiệm lại nơi tâm mình thì sẽ thấy. Giống như một anh thanh niên, ỷ có sức mạnh ra đường gặp mấy đứa trẻ là đòi đánh, coi như dưới gầm trời này không ai bằng mình. Quen thói, tình cờ đụng độ với một tay võ sư thì phải thua trận. Nhưng lâu nay đã quen hống hách, ngã mạn, không chịu nhịn ai mà giờ phải bại trận thì đau khổ và tức tối vô cùng. Đã bị thua lại thêm lòng tức giận nên càng khổ trầm trọng hơn. Nhìn lại cho kỹ thì sẽ thấy ở thế gian này không thiếu những người như anh chàng thanh niên đó. Nếu nương cậy vào thế lực, vào sức mạnh của vật chất mà không tôn trọng trí tuệ, đạo đức, không sớm thì muộn, chúng ta cũng sẽ gặp những tai họa tương tự như thế thôi.
Ngài Tiểu Cảnh Hanh là một người rất giỏi viết kinh luận, sáng tác thơ văn. Một lần đi kinh hành, bất chợt sẩy chân bị té nằm mê man, đến lúc tỉnh lại hỏi những bài luận của Ngài đã viết thì không còn hiểu nữa. Có ai lường được lát nữa đây mình sẽ té? Thế nhưng con người ít chịu nhìn như vậy. Cái nhìn của mình không đủ rộng lớn, chỉ thấy trên một chút phước đang có đây thôi. Chỉ thấy được một khoảng mình đang ngồi đây mà không biết ngày mai mình sẽ ra sao, cho nên cậy vào một chút xíu phước đang có để hống hách, hãnh diện, tự cao, ngã mạn, lấn hiếp, tranh hơn với mọi người. Không biết rằng, cái phước của con người là không bền chắc, là vô thường, nếu không khéo tu tập, không biết tạo thêm, không biết giữ gìn thì nó sẽ cạn hồi nào không hay biết. Phước hết thì họa sang. Nên thấy cho rõ, phước đức mới là nền tảng sức mạnh thực sự, còn tâm cống cao, ngã mạn chỉ làm tổn giảm đi phước đức của mình để rồi chuốc lấy tai họa khổ đau thôi. Tự mình thấu rõ như vậy thì chúng ta sẽ khiêm hòa được một cách dễ dàng và việc nhu nhuyến, nhường nhịn không còn là việc khó làm nữa. Chính vì thế các bậc cổ đức có khuyên chúng ta: “Thấp mình nuôi đức, ngậm miệng như câm”.
3. Do chưa thấy tột được lợi ích của sự khiêm hòa.
Khi quý vị thấy rõ, chính đức tính khiêm hòa là cái bảo vệ công đức lành của mình, làm cho phước đức của mình tăng trưởng thì tự nhiên mình sẽ khiêm hòa được.
Nhà bác học Einstein là người phát minh ra học thuyết tương đối, mặc dù được giới khoa học tôn xưng là một trong những người vĩ đại nhất thế giới, nhưng ông vẫn rất khiêm tốn. Một lần, cậu con trai chín tuổi hỏi ông “Vì sao bố được nổi tiếng như vậy?”. Ông trả lời “Bởi vì một con ruồi bò trên mặt quả địa cầu, nhưng nó không biết nó đang bò trên một đường cong. Còn bố thì may mắn hơn là biết được điều đó, nhờ thế mà bố nổi tiếng”. Einstein cho rằng, nổi tiếng chỉ là một điều may mắn, mà là may mắn hơn con ruồi khi biết được điều đó chứ không có gì hay, không có gì quan trọng hết. Một lời nói hết sức khiêm nhường!
Lần khác, một nhà báo phỏng vấn, nhờ đâu mà ông tìm ra được học thuyết tương đối? Nhà bác học trả lời “Mọi người may mắn hơn tôi là hiểu được không gian và thời gian ngay từ khi còn bé. Còn riêng tôi, do trí khôn chậm phát triển nên lúc lớn rồi tôi vẫn chưa hiểu được thế nào là không gian và thời gian, vì vậy tôi đã gắng công để tìm hiểu và tình cờ đi đến học thuyết tương đối”. Một học thuyết nổi tiếng được khám phá bởi vì tôi thua mọi người, tôi hiểu chậm hơn mọi người về không gian, thời gian nên tôi phải cố gắng nhiều. Và khi cố gắng thì tình cờ đi đến học thuyết tương đối. Như vậy cũng là chuyện tình cờ, không có gì hay cả. Rất khiêm nhường!
Rồi cũng một lần khác, có người hỏi ông rằng “Thưa bác học, những tư tưởng vĩ đại thường xảy ra trong đầu Ngài vào lúc nào trong ngày?” Ông mỉm cười nói: “Suốt cả đời, tôi chỉ may mắn có được một ý tưởng tạm dùng được, đó là học thuyết tương đối. Ngoài ra, hầu hết là những ý tưởng tủn mủn, vụn vặt, nhỏ nhặt, không có gì đáng kể”. Ông nói một cách rất thật thà, khiêm cung.
Người ta kể, khi ông đến nhận chức giáo sư tại trường đại học Bristol ở Anh, ông sai người tùy phái lựa một cái soọc rác nào to nhất mang vào phòng cho ông. Mọi người ngạc nhiên hỏi tại sao lại cần cái soọc rác lớn đến như vậy, ông giải thích “Tôi cần nó để đựng giấy loại vì tôi thường hay mắc phải sai lầm”.
“Vì tôi thường hay mắc phải sai lầm”, một đức tính tự biết mình như vậy nên mới trở thành một nhà bác học nổi tiếng. Còn chúng ta thường hay chủ quan, tự hào cái gì mình cũng biết nên chỉ làm một người tầm thường. Thử hỏi, mình có thể biết được những gì mình chưa biết không? Những điều chưa biết trên thế gian này không biết bao nhiêu mà kể. Nếu biết được thì đã biết rồi, còn chưa biết thì đâu thể biết, thế mà mình dám nói cái gì tôi cũng biết thì có phải là chủ quan, ngã mạn không? Tự hào, cống cao không phải là cái nhìn của người có trí, mà người có trí là như đức Khổng Tử nói “Cái gì biết thì nói là biết, cái gì không biết thì nói là không biết, đó là người biết.” Không biết mà nói càn là tôi biết thì người đó không phải là thực biết. Ông Einstein là một thiên tài, nhưng không hề thấy mình là một thiên tài nên đời sống của ông rất giản dị, khiêm tốn, gần gũi.
Câu chuyện trên cho chúng ta nhiều bài học quý giá, may mắn lắm mới được làm một thiên tài, nhưng phải quên đi cái thiên tài của mình thì sự may mắn đó mới được trọn vẹn. Ngày hôm nay được làm một thiên tài thì đó là do phước đức và trí tuệ của mình từ những kiếp quá khứ đã vun bồi. Nhưng nếu thấy mình là một thiên tài thì có khi lại cống cao, ngã mạn, tự hào, hãnh diện, tự mãn, chính những tâm đó sẽ cản trở bước tiến, phá hoại phước đức của mình, làm cho sự thiên tài của mình không được trọn vẹn, nay có mai mất. Con người chúng ta ai cũng có một cái hay riêng, không ai dở hết cả, đó cũng là do phước. Nhưng nếu mình có khả năng quên đi, đừng thấy cái hay, cái tài của mình thì tâm cao ngạo, ngã mạn không trổ ra, phước đức của mình không bị khuyết tổn, và như thế sự may mắn của mình mới được trọn vẹn, đầy đủ, lâu bền.
Nghe đến tổn đức, tổn phước, người nào tin thì dễ rồi, nhưng người không thấy thì chưa dễ tin lắm. Cái dễ nhất có thể cho mình thấy được, đó là khi thấy mình có tài thì thường tự hào rồi mắc lỗi ngủ quên trên chiến thắng, hài lòng với thành công của mình, do đó chỉ hưởng được cái phước phần thiu cũ của quá khứ mà thôi. Hưởng mà không khéo gìn giữ, không tu tạo thêm thì cũng sẽ có ngày bị hết. Cho nên đức Phật nói “Như nước lũ cuốn phăng đi những xóm làng đang say ngủ giữa đêm trường. Cũng thế, tử thần sẽ cuốn đi những kẻ đắm trước những bông hoa mình vừa góp nhặt được”. Mọi người trong xóm làng đang say ngủ giữa đêm trường, thình lình bị nước lũ cuốn phăng đi không hề hay biết như thế nào thì người ngủ quên trên chiến thắng của mình cũng bị lửa vô thường cuốn đi như thế ấy. Nếu bỏ qua được thành công của mình, không để ý đến nó mà thật thà nhìn lại xem khả năng hiện có của mình là gì, cần làm thêm gì nữa để ngày mai được tốt hơn. Đó là một cái nhìn thiết thực, đúng đắn và cần thiết cho mỗi người để chúng ta luôn nổ lực cố gắng cầu tiến. Có lần các nhà báo đến phỏng vấn một người trẻ khá thành đạt: “Bạn có thể kể những thành quả mà mình đã đạt được?” Vị ấy mỉm cười nói: “Điều đó có cần thiết hay không?” Rất đặc biệt! Có kể ra thì cũng chỉ kể lại những điều đã cũ kỹ, cái gì qua cũng đã đi qua rồi, phía trước còn nhiều điều mình cần phải trau dồi, vun đắp. Thấy được như thế thì có gì để hãnh diện nữa không? Ngay khi không chấp sở đắc, không hãnh diện, cống cao thì chúng ta sẽ sống khiêm hòa, cuộc sống luôn phát triển, tươi mới, thích thú biết bao!
4. Do còn thấy mình là quan trọng, còn thấy những cái hơn thua, phải quấy của thế gian là quan trọng (hay nói một cách đầy đủ là mình còn thấy những cái giả dối giữa cuộc sống này là quan trọng) nên chưa khiêm nhường được.
Nếu thấy được cái khổ lớn lâu dài của nhiều kiếp mình đã trải qua trong sanh tử thì những cái nhỏ nhặt, hơn thua, phải quấy, được mất của thế gian chỉ là những điều tủn mủn, không đáng quan tâm. Ngay khi mình không quan tâm những cái này thì có thể sống khiêm tốn và sẵn sàng hy sinh một cách dễ dàng.
Trong Thích Môn Tự Cảnh Lục có ghi lại câu chuyện: Sau khi Phật diệt độ, trong ngọn núi của xứ Kế Tân có bậc Thánh Tỳ kheo tên Đạt-Ma-Mật-Đa tài huệ hơn người, tọa thiền bậc nhất. Chỗ Ngài Đạt-Ma-Mật-Đa ở có ba lớp hang. Bấy giờ có hai vị tăng từ xa nghe tiếng tăm nên đi đến lễ bái. Khi đến nơi, họ thấy ở tầng hang dưới cùng có một vị tăng mặc y cũ kỹ xấu xí đang ở trước lò chụm lửa, nấu bếp. Hai vị tăng hỏi:
- Trưởng lão Đạt-Ma-Mật-Đa đang ở đâu?
Ngài đáp:
- Ở trong phòng của tầng hang cao nhất.
Họ leo lên tầng trên tìm. Ngài Đạt-Ma-Mật-Đa liền dùng thần túc thông bay trước lên tầng trên. Hai vị tăng kia lên đến nơi không thấy thánh tăng đâu mà lại thấy cũng là ông thầy vừa chụm bếp lúc nãy, mặc y cũ kỹ, xấu xí, còn dính khói bếp tèm hem, liền ngạc nhiên thưa:
- Đại đức là bậc Thánh nhân, uy danh đầy khắp cõi Diêm-phù-đề, tại sao tự cúi thấp mình làm tăng chụm lò như vậy?
Ngài Đạt-Ma-Mật-Đa đáp:
- Nay các ông nên biết, ta nhớ lại trong vòng sanh tử chịu khổ lâu dài. Giả sử đầu và tay có thể nhen đốt được ta cũng sẽ vì chúng tăng mà đốt hết, huống nữa là những phần khác của thân thể đem để chụm lửa thì đâu đáng gì cho là khó?
Ngài Đạt-Ma-Mật-Đa nói tiếp:
- Ta nhớ thuở quá khứ, trong năm trăm đời thường làm thân chó đói khát khổ sở, duy chỉ có hai lần được no đủ. Một lần nhân có người uống rượu say ói mửa bên cạnh đường, ta đi ngang qua được một bữa no. Lại một lần khác ta làm chó trong nhà nghèo, hai vợ chồng nấu cháo trong cái niêu và có việc tạm đi vắng. Ta ở nhà vì đói nên chui đầu vào niêu và ăn, khi no rồi rút đầu ra không được. Người nhà về nhìn thấy, giận dữ liền lấy dao bén chém đứt đầu ta. Ta nghĩ đã thọ thân chó năm trăm đời, tuy là hai lần được no nhưng lại mất thân mạng. Thế nên gẫm lại trong vòng sanh tử lâu dài, quanh quẩn trong năm đường, tùy sanh ra nơi nào thảy đều chịu khổ, cho nên ngày nay ta chẳng từ mọi việc nhọc nhằn thì sao lại khước từ không thể vì tăng mà nhóm lửa?
Rõ ràng nếu chúng ta thấy rõ mình không phải mới có mặt ở đây mà sanh đi tử lại nhiều lần rồi. Trong những kiếp đó sanh ra chỗ nào cũng khổ hết. Đã từng khổ lắm rồi nên bây giờ có làm việc gì khó khăn đến đâu cũng thấy bình thường chứ không có gì khó khổ cả. Đồng thời sẽ thấy rõ giá trị đạo đức là trên hết, đáng trân trọng; còn cống cao, ngã mạn không còn quan trọng, không cần thiết. Như vậy chúng ta sẽ vì mọi người mà có thể làm bất cứ việc gì có ích, đối với mình không có gì là cao sang hay tồi tàn nữa, quan trọng là trong tất cả các việc đều có ánh sáng của đạo lý chiếu soi. Thấy được như vậy thì cuộc sống mình sẽ khiêm cung, hồn nhiên và phù hợp với đạo lý.
5. Do chưa làm chủ được cái CHÍ và cái KHÍ.
5a/ CHÍ và KHÍ.
Mình làm sai, người ta chỉ mà vẫn ương ngạnh, dùng cái bực tức, sôi sục, đằng đằng sát khí này mà làm bừa, không chịu sửa đổi, thì đó là do cái KHÍ nó sai khiến thúc dục mình làm như vậy. Làm sai, nhưng ương ngạnh, ngoan cố không sửa đổi, chưa khiêm nhu được là do chúng ta chưa làm chủ được cái KHÍ. Còn mình nói “Tôi là người ngay thẳng, thà chém chết chứ tôi không làm chuyện phi pháp”. Nghe qua thì thấy là tốt, nhưng cũng không phải là khiêm hòa, đó là cái do CHÍ nó khiến mình như vậy. Ngay thẳng, trực tính, thà chết chứ không làm việc sai, đó là cái CHÍ. Mình chưa quân bình được cái CHÍ và cái KHÍ nên chưa khiêm hòa được. Nếu quân bình được hai cái này rồi thì mới khiêm hòa, đúng với đạo lý.
Hòa thượng Tuyết Đường Hạnh nói “Người học đạo mà cái KHÍ thắng cái CHÍ thì đó là tiểu nhân. Còn nếu cái CHÍ thắng cái KHÍ thì đó là con người ngay thẳng, trực tính. Cái CHÍ cùng cái KHÍ ngang nhau, quân bình được thì đó là bậc hiền thánh đắc đạo. Người cứng cỏi, chẳng chịu nghe theo lời khuyên răn can gián, (sai quấy mà bướng bĩnh), đó là do cái KHÍ nó khiến nên như thế. Người ngay thẳng, bị ép buộc làm việc bất thiện, thì thà chết chứ không đổi lòng, đó là cái CHÍ nó đưa đến như vậy.”
Cái KHÍ thắng cái CHÍ, đó là tiểu nhân. Cái CHÍ thắng cái KHÍ, đó là người ngay thẳng. Cái CHÍ và cái KHÍ quân bình được, điều hòa được thì hợp với trung đạo, là bậc thánh hiền đắc đạo. Trong tương đối, cái CHÍ vẫn là cái tốt, cái KHÍ là cái xấu. Nhưng để khế hợp với tinh thần trung đạo, khế hợp với đạo lý chân thật thì không nghiêng về một bên nào, mà cần phải có trí tuệ uyển chuyển tùy duyên để làm sao cân bằng được cái KHÍ và cái CHÍ. Cân bằng được hai cái đó thì đức tính khiêm hòa sẽ tự có ra trong đời sống hằng ngày. Khiêm nhu, hòa kính mà biết tùy duyên, uyển chuyển bằng trí tuệ, không can cường, không ương ngạnh, sống bằng đức tính khiêm hòa đúng mức như vậy thì Hòa thượng Tuyết Đường Hạnh xem đó là cuộc sống của một con người có cái nhìn của bậc thánh hiền đắc đạo chứ không phải thường.
Thiền sư Thiện Chiêu ở Phần Dương nói “Hạng cao ngoài vật, không sanh biếng ngạo”. Có nghĩa là con người không sanh lười biếng, không chấp chặt vào đó mà sanh kiêu ngạo, đó là hạng vượt cao hơn người phàm tình, được như vậy thì cuộc sống của mình cao nhàn, thanh thoát, đạo lý thể hiện rõ ràng ngay trong cuộc sống bình thường. Vì vậy chư vị Tổ sư ngày xưa dạy “Tuy gặp người ác, nhưng vẫn lấy tâm từ hòa đối xử với họ mới hay vào đời độ thoát chúng sanh, mới mở cửa lớn độ khắp chúng sanh.” Tức là quý Ngài khuyên chúng ta phải luôn khiêm hòa thì mới khế hợp với đạo lý. Dù trong cảnh nghịch, gặp người làm ác với mình nhưng mình vẫn có khả năng khiêm hòa được, lấy tâm từ hòa đối xử với họ thì mới biết đó là đạo lý thâm hậu. Được như vậy thì mới có thể vào đời, mở cửa rộng lớn độ khắp chúng sanh được.
5b/ NHU HÒA ĐÚNG ĐẠO LÝ.
Nãy giờ quý vị đã nghe nói về đức tính khiêm hòa, nhưng khiêm hòa, nhã nhặn, nhún nhường có phải là luồn cúi hay không? Mình cần phải nhìn lại, nếu không sẽ rơi vào cực đoan thứ hai. Đang mạnh quá, cang cường quá, khi nghe nói khiêm hòa thì mình thấp xuống trở thành nhu nhược, yếu đuối hẳn là không phải, mà khiêm hòa phải đúng đạo lý. Khiêm hòa đúng đạo lý là như thế nào? Quý thầy xin dẫn một giai thoại để quý vị thấy rõ hơn:
Xưa kia, Hòa thượng Đại Giác Liễn lần đầu tiên đi thăm Lô Sơn, Thiền sư Viên Thông Nột vừa trông thấy liền kỳ vọng Hòa thượng là bậc đại khí, sau này sẽ là một người làm lợi ích cho đạo rất lớn. Có người nghi ngờ hỏi Thiền sư tại sao biết Hòa thượng Đại Giác Liễn là một bậc đại khí, Thiền sư Viên Thông Nột nói: “Hòa thượng Đại Giác Liễn là người trung chính, không ỷ lại, động tĩnh tôn nghiêm. Hòa thượng còn có đạo, học, hạnh, nghi, nói ít nhưng lý đủ, phàm người có tư chất như thế, ít có ai mà không thành bậc đại khí”. Một trong những tư chất mà Thiền sư Viên Thông Nột nhìn thấy và kết luận Hòa thượng Đại Giác Liễn sau này sẽ trở thành một bậc đại khí, làm lợi ích cho đạo, lợi ích cho nhiều người, đó chính là sự trung chính, không ỷ lại. Trung chính có nghĩa là thấy phải thì nói là phải, thấy trái thì nói là trái, thấy như thế nào thì nói như thế ấy, lòng mình một mực ngay thẳng, không quanh co, cong vạy. Trong Kinh Luận vẫn thường dạy: “Trực tâm là đạo tràng”. Không cong queo, không vì một chút ân huệ, không vì bất cứ một điều gì mà phải nói khác đi, tâm mình ngay thẳng, không luồn cúi, thấy sự việc như thế nào thì nói thẳng như thế đó, thấy trắng nói trắng, thấy đen nói đen, không nói theo kiểu chiều uốn theo phàm tình yêu ghét của mình, thiếu trung thực, sống bất cứ nơi đâu, nếu thường thấy bằng tâm chất trực ngay thẳng như vậy thì ngay đó là đạo tràng. Chúng ta vẫn nghĩ chiều uốn là luồn cúi, nhưng nó còn có những điểm tinh vi hơn nữa. Ví dụ hai hàng ghế ở đây, quý thầy quy định là cách nhau một mét rưỡi. Giả sử quý vị chịu trách nhiệm sắp xếp, muốn hàng ghế này xích lại gần nhau một chút để có khoảng trống dễ đi vô đi ra, nhưng mình không nói thật như vậy mà giả bộ bảo người khác kéo ghế, ghế thứ nhất xích qua một chút, ghế thứ hai xích lại một chút, ghế thứ ba lệch qua một chút. Sau đó quý thầy đi ngang thấy hàng ghế không ngay ngắn, bảo sắp xếp ghế lại. Lúc đó, thay vì sắp ghế cách nhau đúng tiêu chuẩn thì quý vị lại kéo ghế sao cho hai hàng ghế xích lại gần nhau đúng với ý của mình, như thế là chiều uốn theo phàm tình cá nhân riêng tư của mình, không tôn trọng việc chung. Hay ví dụ trong một gia đình tương đối ổn định, có cậu con trai học đến lớp chín. Vì lười biếng học mà không chịu nói thật, cậu ta nói với bố mẹ về ý nguyện của mình muốn ở nhà đi học nghề sửa xe Honda để giúp thêm đời sống cho gia đình. Là người lớn, bố mẹ biết được tim đen của con mình là lười học nên cương quyết không cho đi học nghề. Tất cả những ý tưởng và lời nói cao thượng của cậu con trai này hy sinh cho gia đình đều không ngay thật. Đó chỉ là những ý tưởng quanh co để che đậy sự lười biếng học hành của mình. Hoặc những lời khen ngợi sự anh hùng của người uống rượu chỉ để bào chữa cho cơn nghiện rượu của mình. Ca ngợi nét hào hoa của điếu thuốc chỉ để che đậy sự yếu hèn của mình không thể chịu nổi khi không có thuốc… Nói chiều uốn theo phàm tình, không chất trực là như vậy. Đó chỉ là những ví dụ điển hình, quý vị chiêm nghiệm lại sẽ thấy còn nhiều điều tương tự trong cuộc sống. Người như vậy không phải là trung chính, không thật. Người trung chính là phải nói đúng sự thật, không nói qua quan niệm cá nhân của mình khiến vấn đề bị bóp méo. Phải trung chính, phải ngay thẳng thì mới hợp với đạo lý chân thật.
Cho thấy, trung chính, hiểu đơn giản là thấy thế nào nói thế ấy, thấy phải nói phải, thấy trái nói trái. Nhưng nếu hiểu cho tinh tế hơn là mình phải thẳng đó mà thấy, không chiều uốn theo phàm tình yêu hay ghét, thích hay không thích của mình mà đánh mất đi sự trung thực. Nhưng con người mình lạ lắm, được cái này lại sanh ra bệnh khác. Khi trung chính rồi, thấy mình là người cương trực, minh bạch, rõ ràng thì sanh tâm ỷ lại, tự thị cho nên sinh ra tâm cống cao, ngã mạn, bộc trực, thiếu khiêm hòa. Người có đời sống hợp với đạo lý chân thật là trung chính nhưng không ỷ lại. Có nghĩa là một con người ngay thẳng, không có lòng tự thị, không chủ quan và tự đắc, vì vậy cuộc sống của người ấy tự phù hợp với đức tính khiêm hòa. “Hòa thượng Đại Giác Liễn là người trung chính, không ỷ lại.” Ngài trung chính, trung thực nhưng không vì thế mà ỷ lại, sống khiêm hòa nhưng vẫn ngay thẳng, không luồn cúi, cho nên khế hợp với trung đạo, không rơi vào trạng thái cực đoan nào cả. Qua đó, chúng ta học được đức tính khiêm hòa đúng với tinh thần đạo lý cao cả của người xưa là như vậy.
6. Do còn thấy có sở đắc.
Đây là điểm cao hơn, sát hơn với điều chúng ta đang thực hành, là một ý nghĩa thực tế trong nhà thiền chúng ta. Thường trong khi tu, những thứ vụn vặt thì mình bỏ được, nhưng thỉnh thoảng vẫn có những cái hãnh diện thầm thầm bên trong không dễ nhận ra để tiêu trừ. Nguyên nhân do đâu? Do thấy mình có đạt được một cái gì đó. Khi trong tâm thầm thầm thấy mình có đạt được một cái gì đó có nghĩa là người khác chưa được, chưa bằng mình, ngay đó cái tâm hài lòng, đắc ý, hãnh diện, tự hào ló ra và từ đó tâm ngã mạn len lỏi có mặt. Mà còn thấy có sở đắc, còn thấy có một cái để được thì vẫn chưa đạt đến đạo lý chân thật một cách rốt ráo. Đó chỉ là bóng dáng, là đối tượng bên ngoài chứ chưa phải là của báu chân thật nơi chính mình. Các vị Thiền sư thường dạy “Từ ngoài vào thì không phải của báu trong nhà”. Nhìn lại, khi mình có tâm tự hào vì thấy mình có chỗ được, có sở đắc, thì cái được đó đã biến thành đối tượng của mình. Mình đang thấy nó, đang được và được là được nó cho nên nó đã biến thành một cái gì bên ngoài chứ không phải đạo lý chân thật nơi chính mình. Đã không phải là đạo lý chân thật mà mình lấy làm tự hào về nó rồi sanh tâm ngã mạn thì có lầm không?
Việc học đạo chân chánh là thể nhận lại bản tâm chân thật sẵn có nơi mỗi người. Hôm nay nhận ra giống như người quên chợt nhớ, người mê chợt tỉnh. Mê hay ngộ chỉ là quên hay nhớ lại cái vốn sẵn nơi chính mình thôi, không có gì để được, không có gì gọi là sở đắc. Được thì phải được cái gì đó ở bên ngoài, đằng này nó ở ngay nơi chính mình thì được cái gì? Chỉ cần thấy rõ cho đúng là, người khác chưa nhận được là do tạm thời quên chưa nhận ra, còn mình nhận ra chỉ là nhận lại, hay ra cái đã sẵn có, thế thôi, không có gì là được cả, nếu đủ duyên người khác nhận ra thì họ cũng giống như mình. Thấy được như vậy thì mình không sanh lòng tự hào, ngã mạn, đời sống của mình khế hợp với đạo lý chân thật, sự khiêm cung nhu hòa từ đó tỏa ra bên ngoài một cách dễ dàng chứ không cần cố gắng, gượng gạo.
Cũng trong Thích Môn Tự Cảnh Lục có ghi lại câu chuyện: Ngài Đề Điểm Huệ Châu là một vị tăng ở Cảnh Sơn, đệ tử của Ngài Hổ Nham. Ngài là người rất thông minh, có tài trông coi nắm việc của thường trụ hơn ba mươi năm, cai quản hết tất cả mọi việc trong chùa. Thời gian nắm giữ công việc, Ngài lấy vàng thóc mặc tình phung phí tiêu dùng tự do mà không tiết kiệm. Thấy Ngài phung phí như vậy, một người đem lý nhân quả nói với Ngài, tiêu xài của thường trụ như vậy thì kiếp sau phải làm thú để đền lại, nhân quả không có mất đâu, của này nặng lắm… Khi nghe nhắc như vậy thì Ngài đáp: “Quanh năm có mang sừng thì Châu này mang nhiều lắm cũng chỉ một cặp thôi, đâu có con trâu nào mang một lúc hai cặp sừng”. Nói như vậy người ta gọi là nói ngang, là do bướng bỉnh, thiếu khiêm hòa, do cái KHÍ nó thôi thúc nên mới nói như vậy. Năm đầu niên hiệu Chí Chánh, ông Cao Nạp Lân lãnh thi hành việc Tuyên chánh viện. Lúc bấy giờ Ngài Huệ Châu có một người bà con thân thuộc là Tịnh Khai tố cáo ông đã lạm dụng của thường trụ. Ông bị kết tội, bị đánh bằng gậy và đuổi về thế tục không cho làm người tu nữa. Sau một thời gian, ông ở Hóa Thành viện bị bệnh tê bại, tay chân co quắp lại, hai nắm tay chịu vào hai bên má, hai chân rút lại nơi xương cùng, co lại giống như con nhím. Người đến thăm bệnh muốn kéo cho duỗi ra, nhưng ông kêu la, đau không chịu nổi. Ngày đêm chỉ nghe tiếng soèn soẹt, trải qua ba năm như thế ông mới chết.
Qúy vị biết hiện tiền bị quả báo thì sau khi chết đi đâu rồi. Tác giả bộ Thích Môn Tự Cảnh Lục đã chép lại câu chuyện trên và có lời bình rằng “Huệ Châu trước kia dùng tâm thô thiển mà làm việc, khinh thường nhân quả cho nên mới nói quanh năm mang sừng chỉ mang một cặp.” Tức là Ngài Huệ Châu trước đó đã dùng tâm thô tháo để làm việc, bởi vậy thiếu sự khiêm cung, thiếu đạo lý, nên khi được nhắc thì nói, quanh năm mang sừng chỉ mang một cặp, đâu có con trâu nào mang hai cặp, đó là do tâm thô mà nói như vậy, do cái KHÍ nó thôi thúc mà nói như vậy chứ không tỉnh táo. Tác giả nói tiếp: “Tôi cho rằng quả báo ở trong tam đồ, năm tháng dài lâu, một cặp này hết rồi đến thay một cặp khác, đến vô lượng kiếp mang một cặp sừng này chứ đâu phải chỉ mang một năm mà thôi. Phàm là người trông coi vàng thóc của thường trụ, phải nên lấy gương của Huệ Châu để soi lại mình”. Nói không có con trâu nào mang hai cặp sừng, đó là nhìn trong một đời. Nếu bị quả báo trong tam đồ, sanh đi tử lại, hết cặp này lại thay cặp khác. Như vậy thì dù mang một cặp, nhưng mang hoài trong thời gian lâu dài chứ đâu phải chỉ một đời rồi thôi, khổ biết chừng nào mà kể.
Câu chuyện trên là tấm gương cho chúng ta thấy, do cái tâm thiếu khiêm hòa, không thắng được cái KHÍ nên khiến cho Ngài Huệ Châu không nhận ra sự thật để sửa đổi. Ngài đã chấp càn, chấp bừa, nói bướng mà phải mắc quả báo thảm thương như vậy. Mới thấy sự tai hại của người thô tâm là như thế nào. Mình không khiêm hòa thì cái KHÍ bộc lên, không làm chủ được, lỡ tạo nghiệp rồi sau đó có ăn năn thì quả báo làm sao mất được. Chính sự khiêm hòa là cái đề phòng an toàn nhất trước những tai họa có thể xảy ra. Vì khi khiêm hòa thì bộc tâm không phát, KHÍ bộc không phát thì không có họa gì xảy ra, đó là cách ngăn ngừa an toàn và hữu hiệu nhất. Nếu cứ để cho cái KHÍ nó bộc lên thì khó kiểm tra, khó dừng lại và không lường được điều gì sẽ xảy ra. Cụ thể khi đã giận dữ rồi thì không dễ gì mà dừng phắt ngay được. Cho nên, có được đức tính khiêm hòa, đó là chất sống cần thiết giúp đời sống của mình được an toàn, không bị các tai họa đáng thương là như vậy.
Thiền sư Hiện Quang là đệ tử của Thiền sư Thường Chiếu ở Việt Nam. Một hôm Thiền sư Hiện Quang đang đi kinh hành trong thất, thấy thị giả bưng cơm đến cho Ngài, lỡ tay để cơm đổ xuống đất. Lúc đó, vị thị giả sợ quá luống cuống hốt lên, đất dính với cơm như vậy mà thầy vẫn cứ hốt vào, rất lo sợ. Từ xa, Ngài nhìn thấy thầy thị giả vì mình mà sợ hãi như vậy nên trong lòng tự áy náy. Thiền sư nói: “Ta sống không làm lợi ích gì cho ai, luống nhọc người cung cấp phải đến như thế sao”. Kể từ đó Ngài mặc toàn áo bằng lá cây, ăn bằng trái lượm được chứ không dùng cơm nữa. Trải qua mười năm như vậy, về sau, vì muốn tìm chỗ riêng để an dưỡng tuổi già nên Ngài vào sâu trong núi Từ Sơn kết cỏ làm am mà ở. Mỗi khi đi kinh hành giữa rừng, Ngài thường dùng cây gậy quảy một chiếc túi vải. Ngài ngồi nằm chỗ nào thì các loài dã thú trong rừng trông thấy đều nép phục một bên. Vua Lý Huệ Tông rất quý kính đức độ của Ngài nên sắp đặt lễ đầy đủ, đón đường để nghênh tiếp, nhưng Ngài biết được và ẩn tránh đi, không cho gặp mặt, sai một người thị giả đến gặp sứ nói rằng: “Bần đạo sống nhờ đức của vua, ăn lộc của vua, được xuất gia thờ Phật đã trải nhiều năm, công đức chưa thuần thục thật lấy làm hổ thẹn. Nếu bảo ra yết kiến vua, chẳng những không bổ ích gì cho việc trị dân lại chuốc lấy sự chê bai của chúng sanh. Huống là hiện nay Phật pháp rất thịnh hành, những bậc thầy mẫu mực trong đạo đã tụ họp về cấm túc uy nghi trong điện các. Xét lại phận hèn quê mùa này, một lá y trong núi hành đạo, đâu dám đến nơi ấy”. Từ đó Ngài quyết định không xuống núi nữa.
Ngài Hiện Quang là một trong những vị Thiền sư Việt nam nổi tiếng, nhưng lại có một đời sống rất khiêm cung, khiêm nhường, biết soi lại, biết hổ thẹn mình chứ không phải hống hách, huênh hoang. Mới thấy đức hạnh của người có đạo là như vậy. Không phải riêng Ngài, các bậc thánh xưa đều thấy rõ đức hạnh, đạo lý chân thật là lớn lao, cao cả nên các Ngài mới quý trọng đức tính khiêm nhu, hòa kính. Còn người hống hách, cống cao, ngã mạn, cậy mạnh hiếp yếu thì tự biết đó là hạng người nào rồi. Ngược lại với thánh nhân thì chỉ là người nhỏ hẹp của hạng phàm mê đang tạo nghiệp và chịu khổ thôi. Xưa kia vật chất ít cám dỗ nên đời sống dễ hợp với đạo lý hơn, sống tỉnh táo hơn. Sau này do vật chất dồi dào, con người chỉ biết theo cái bên ngoài mà đánh mất mình nên rất dễ vấp phải sai lầm, tạo tội rồi sẽ đưa đến khổ đau thảm khốc mà không biết. Thiền sư Phật Giám có nói: “Người học thời mạt pháp, chạy theo sự vật bên ngoài mà quên đạo, trái chỗ sáng vào chỗ tối. Cho nên trang sức cái bất tài của mình mà khi dối người rồi tự cho là trí; cưỡng ép chỗ không theo kịp của người mà khinh thường người rồi tự cho là cao. Do đây, khi dối người mà không biết có điều không thể khi dối được bậc tiên giác. Do đây, (che đậy) chèn ép người mà không biết có điều không thể (che đậy) chèn ép được công luận. Cho nên, người tự cho mình là TRÍ thì người ta cho đó là NGU. Người tự cho mình là CAO thì người ta cho đó là THẤP. Chỉ có người hiền thì không như thế.” Ngài nói người học đạo thời mạt pháp sau này, phần nhiều là chạy theo những cái vật chất hấp dẫn bên ngoài mà bỏ quên mất chánh đạo, trái với chỗ sáng đi vào trong chỗ tối nên con người thiếu sáng suốt, từ đó mới làm ra vẻ màu mè, đạo mạo để khỏa lấp che đậy cái bất tài của mình, lừa gạt người rồi cho mình là bậc trí. Khéo léo lắm thì chỉ lừa gạt được những người không hiểu mình thôi, còn đối với các bậc tiên giác sáng suốt, với chính mình thì làm sao khi dối được. Mình đi lừa gạt chính mình thì sẽ chuốt lấy sự thiệt thòi, khổ đau cho mình mà thôi. Bậc hiền thì trung chính, không dối trá lường gạt, không tự thị, không cậy mạnh hiếp yếu, đời sống rất khiêm hòa, có đạo lý, không phạm vào hai cực đoan mà chúng ta vừa nghe qua.
Thủ tọa Thế Kỳ là người ở Thành Đô. Sau khi sáng đạo Ngài nỗ lực dụng công thêm, suốt đến chỗ sâu kín. Thiền sư Phật Nhãn sai Ngài phân tòa giáo hóa thì Ngài cố từ chối, thưa: “Việc phân tòa giáo hóa, thuyết pháp độ người không phải việc nhỏ, giống như dùng kim bằng vàng mà lể con mắt cho người, nếu lệch một mảy may thì tròng mắt của người đó ắt là sẽ bị hoại, (rất nguy hiểm, không phải việc thường nên con không dám làm, bởi vậy) con nguyện đời đời ở nơi học địa để tự mài luyện mình thôi”.
Thiền sư Phật Nhãn dùng kệ khen:
Có đạo chỉ nhân thường lui bước
Khiêm hòa vốn tự biết hồi quang
Chẳng hay đã ở nơi mây thẳm
Còn vẫn đem thân ẩn chúng tăng.
Nghĩa là, Thủ tọa Thế Kỳ là người rất giỏi, nhưng không thấy mình giỏi, không thấy mình là người đã ở trên mây thẳm mà thường hay lui bước, thường hay khiêm tốn, thấp mình, cho nên Ngài đem thân ẩn vào trong chúng tăng để rèn luyện, tu tập, không dám ra phân tòa giáo hóa. Phải là người chân thật tu hành, thấm được đạo lý, biết hồi quang phản chiếu mới có được khả năng khiêm hòa như vậy. Còn người cứ phóng ra, rong ruổi theo những cái bên ngoài thì thường ngã mạn, cống cao. Khiêm hạ, thấp mình đó là thấp ngã, chứng tỏ đạo lý cao. Còn cống cao, kiêu hãnh thì đó là cái gì khác chứ không phải đạo lý.
Tại Thiền viện Long Hổ, chư tăng đang vẽ bức tranh con rồng đấu với con cọp. Rồng thì cuộn mình trên mây sắp vồ xuống. Cọp thì chực sẵn muốn vồ lên. Chư tăng cứ tô đi vẽ lại mãi mà thấy cái thế vẫn chưa xứng. Vừa lúc đó, Thiền sư Vô Đức (Ngài Thiện Chiêu ở Phần Dương) từ bên ngoài đi vào. Chư tăng thỉnh Ngài xem và thỉnh xin lời chỉ dạy. Thiền sư xem xong, nói:
- Về hình dáng bên ngoài của rồng và cọp thì vẽ tốt rồi. Xong các ông có biết rồng và cọp có những đặc tính gì chăng? Nay cần phải rõ. Rồng trước khi xông trận thì đầu nó phải co rút lại phía sau. Cọp khi cần nhảy vồ lên thì đầu nó hẳn phải cúi thấp xuống. Cổ rồng càng rút lùi về phía sau thì chúng xông càng nhanh. Đầu cọp càng cúi sát xuống đất thì nó nhảy càng cao.
Chư tăng nghe xong rất hoan hỷ, thưa rằng:
- Thật là một lời nói phá của Hòa Thượng! Chúng con không những vẽ đầu con rồng hướng mạnh về trước, mà cái đầu con cọp cũng giương rất là cao. Hèn chi khi nảy giờ xem hoài mà cảm thấy động tác không có xứng.
Nhơn đó, Thiền sư Vô Đức chỉ dạy thêm:
- Đạo lý xử sự với người và tham thiền học đạo cũng như vậy. Sau khi lùi một bước để chuẩn bị thì mới có thể xông được xa. Sau khi thấp mình xuống một chút để phản tỉnh thì mới có thể nhảy được cao.
Chư tăng chưa hiểu nên thưa hỏi thêm:
- Bạch Hòa thượng, người lùi bước thì đâu có thể tiến tới trước được? Người thấp mình xuống thì đâu thể nhảy càng cao?
Sư nghiêm nghị bảo:
- Các ông hãy nghe một bài thơ thiền của ta thì rõ.
Thủ bả thanh ương sáp mãn điền,
Đê đầu tiện kiến thủy trung thiên.
Thân tâm thanh tịnh phương vi đạo,
Thối bộ nguyên lai thị hướng tiền.
Nghĩa là:
Tay nắm mạ non cấy đầy ruộng,
Cúi đầu liền thấy trời trong nước.
Thân tâm thanh tịnh mới đạo mầu,
Lui bước vốn là tiến tới trước.
Ngài dùng hình ảnh ví dụ, người lui bước chính là đang tiến tới trước giống như người đi cấy mạ. Cấy mạ thì phải đi dật lùi, nếu đi tới là dẫm vào mạ hỏng hết. Và như thế, khi càng lùi thì thành quả là một đám ruộng đã được cấy xong ở phía trước, nghĩa là mình thành công. Cũng vậy, trong cuộc sống, chúng ta càng lùi lại có nghĩa là tôn trọng đạo lý chân thật, xem nhẹ bản ngã, xem nhẹ những thứ xung quanh cho nên đạo lực của mình được tăng trưởng. Còn càn tới, không biết tôn trọng và nhường ai, đó là do quan trọng bản ngã, quan trọng những thứ tạm bợ xung quanh khiến cho cái ngã lớn mạnh, làm chướng ngăn đạo lý chứ không phải tiến đạo, đó là hình ảnh thứ nhất. Hình ảnh thứ hai Ngài ví dụ cúi đầu liền thấy trời trong nước. Khi cúi đầu xuống để cấy là thấp mình thì không phải là mình mờ tối mà cả một bầu trời lồng lộng trong đó. Lùi lại phản tỉnh, thấp mình không vướn bận, tâm chúng ta sẽ được lóng lặng, tỏa sáng, không mê lầm, đạo lý rộng lớn ngay đó hiển hiện. Đồng thời, thấp mình được thì đạo đức sẽ được lớn mạnh, bao nhiêu sự thành tựu sẽ từ đó có ra.
Thân tâm thanh tịnh mới đạo mầu
Lui bước vốn là tiến tới trước.
Thân tâm thanh tịnh mới là đạo mầu chứ không phải những thứ phải quấy, tranh đấu, thắng bại, hơn thua. Muốn thân tâm thanh tịnh thì phải lui bước. Ngay hành động lui bước đó là tiến đạo. Nếu dùng cái tâm phải quấy, hơn thua để đối xử với nhau thì làm sao thanh tịnh được? Cho nên tâm kẹt hai bên, tâm đấu tranh là loạn động, sanh tử chứ không phải là đạo. Nếu là người thật tâm vì đạo, muốn cho cuộc sống của mình khế hợp với đạo lý thì tâm mình không còn rảnh để chấp trước, để dính mắc những chuyện hơn thua, phải quấy tầm thường của thế gian, không còn ôm lòng hống hách, kiêu căng, ngã mạn. Lìa được những thứ đó, không còn quan tâm đến nó nữa thì đời sống của mình vốn tự là khiêm hòa, khế hợp đạo lý.
Ngài bảo:
- Các ông có thể lãnh hội được chăng?
Ngay đó mọi người mới bừng tỉnh lời Ngài dạy.
III/ CỘI NGUỒN ĐỨC TÍNH KHIÊM HÒA.
Cuối cùng, quý thầy xin dẫn một câu chuyện để kết luận lại. Đây là một trong những câu chuyện với lời bình rất thú vị do một nhà sư nào đó kể lại.
Vào thời Quân chủ xa xưa, có một vị Quân sư tài đức vẹn toàn. Ông không những giỏi về binh thư mà kiêm luôn cả tướng số; không những sắc sảo về nội chính mà mưu lược cả lân bang. Ông có công giúp vua đánh đuổi ngoại xâm, giữ yên bờ cõi, mở trường Quốc giáo dạy học cho người từ trong triều chính cho đến hàng thứ dân, làm cho trên thuận dưới hòa, nhân dân sống trong sự ấm no hạnh phúc.
Dưới ông là một danh tướng bách chiến bách thắng, và là một đệ tử có tài, thường thay ông trong lúc cần thiết. Một hôm, ông bảo đệ tử: “Quân vương nói ta đã già, phải chọn người kế vị, ngoài ngươi ra, thật ta chẳng thấy có ai xứng đáng. Vậy trước khi làm việc này, ngươi phải tìm đến lão ăn xin lượm rác ở ngoài thành để học hỏi. Nếu như ngươi không học được ở nơi ông ăn xin lượm rác, dù đó chỉ là một điều nhỏ thì thà rằng đất nước không có Quân Sư còn hơn. Bởi lẽ ta xét thấy ông không phải là người thường.”
Là một danh tướng trẻ có tài, lại thích ăn diện, cùng với lòng tự hào cao cả, được thầy khoáng xét dạy bảo, vừa mừng vừa ngại, lại là vừa lo. Làm một việc bình thường mà cảm thấy khó hơn cầm quân ra trận đối diện với cái sống chết. Còn nếu không đi học được gì ở lão ăn xin thì ngôi vị Quân Sư ắt là không thành tựu, vì thầy chưa từng nói hai lời.
Trong một đêm khắc khoải, trong vinh là nhục, hay trong nhục là vinh? Cuối cùng anh chàng quyết định khăn gói lên đường, giả dạng một thường dân, đối diện với một ông già bần cùng:
- Xin ông vui lòng cho phép con được hỏi thăm.
- Cứ tự nhiên.
- Con có thể gọi ông là gì cho phải?
- Gọi ta là gì cũng phải!
Ngay đây, vị danh tướng đỏ mặt tía tai tự hỏi: “Gọi là vua ư?”. Nhưng rồi lòng từ từ lắng dịu xuống, bởi vì nếu gọi ông là “Cục phẩn” cũng được luôn. Anh chàng lấy lại bình tĩnh hỏi tiếp:
- Thế thì con xin gọi “ông lão” vậy. Chẳng hay nhà ông lão ở đâu?
- Đầu câu hỏi ấy!
- Còn thân thuộc ông thì sao?
- Ai ở trong đó?
Anh chàng cười ha hả, có lẽ cảm nhận lời lẽ hết sức ngộ nghĩnh, khôi hài và hỏi tiếp:
- Ông có sự nghiệp gì để có thể dìu dắt kẻ hậu lai hay không?
Ông già im lặng, chỉ thẳng vào đống rác trước mặt.
Anh ta trầm ngâm một hồi rồi tự nhủ: “Thì ra, chỉ là người hốt rác không công, đói bụng đụng ai xin nấy, thế mà chẳng đói ngày nào, đúng như lời đồn đãi không khác! Chẳng biết thầy hiểu sao lại bắt ta học một điều mà trẻ con cũng làm được, không cần ai dạy cũng biết, hà huống một danh tướng tài năng, thật lãng phí thời gian và sự nghiệp vĩ đại của một vị quân sư. Nếu không học thì không xong, đành phải xin vậy.”
- Ông có thể cho con theo cùng?
- Tốt.
Cậu học trò cầm xẻng, ông lão xách giỏ đi theo, gặp rác cứ như thường lệ mà làm. Bỗng dưng hai người gặp phải xác thối của một con chồn hoang. Anh chàng mạnh tay xúc. Bỗng lưỡi xẻng lìa khỏi cán. Anh thấy ớn xương sống, đứng chống cán xẻng chưa biết làm sao. Ông lão đưa tay hốt sạch đem đi. Anh lắc đầu rồi ném cán xẻng bỏ về, chẳng thưa hỏi gì cả, trong lòng tâm đắc: “Ta có đầy đủ lý do để chứng minh lão không những là kẻ bần cùng dốt nát mà còn hết sức bẩn thỉu. Ở nơi ông không có gì đáng học cả.”
Khi ra mắt thầy, vị quân sư già đôn hậu, bình dị mà đĩnh đạc, uy nghi, cậu học trò kính phục trịnh trọng kể lại câu chuyện từ đầu chí cuối. Khi anh vừa định thốt tiếp lời bình thì ông thầy liền bảo: “Một danh tướng bách chiến bách thắng mà hôm nay chỉ cần một xác thối của con chồn cũng đủ chặn đứng bàn chân!”
Thiệt là chua xót! Cậu học trò vừa đau đớn uất ức, vừa tức tối trong lòng, định đổ thừa, trút hết tất cả vào lão ăn xin. Nhưng rồi anh ta nghe tiếng gọi “Quân sư” từ đâu đấy và tiếp tục lên đường nối lại cuộc gặp gỡ lần thứ hai.
Sáng nay, trên đường phố có đủ mọi thứ bẩn thỉu. Cậu học trò nhìn lại phía sau thấy lão ăn xin dùng tay lượm hết mang đi. Vừa đối diện thì gợi trong lòng anh ta điều gì đó cho nên anh vội hỏi:
- Thưa ông, động cơ và mục đích nào giúp ông làm một việc mà chẳng màng đến sạch nhơ?
Ông lão trừng mắt nhìn rồi chỉ thẳng vào đống rác phía trước bảo:
- Hãy hỏi thử hắn xem!
Chẳng hiểu sao cậu học trò lắc đầu lia lịa với tính chất khinh bỉ, rồi bỏ đi, cùng với một niềm tin chắc hơn: “Phen này có đủ lời lẽ để khẳng định rằng, lão già ăn xin không những bần cùng dốt nát, bẩn thỉu mà còn quá ngu si!”
Trở về diện kiến ông thầy, với lời lẽ lanh lợi, cậu học trò dồn dập kể lại chỗ mắt thấy tai nghe cũng như qua lời hỏi đáp, vừa lấy hơi để trút cạn lời bình. Ngay khi ấy, với giọng thâm trầm điềm tĩnh, vị quân sư già khẽ bảo: “Hôm qua xác thối của một con chồn hoang cũng có thể chặn đứng lại bàn chân của một danh tướng tài ba lỗi lạc. Hôm nay, một đống rác cũng có thể làm Thầy cả vị ấy.”
Kể đến đây, nhà sư dừng bút, để lại phía sau một cái gì đó, chúng ta có thể tạm tìm hiểu qua lời bình thú vị dưới đây.
Có một ký giả viết: “Cốt tủy của câu chuyện mà nhà sư muốn nói là ‘Chớ xem thường việc nhỏ, vì chính việc nhỏ nó phản ánh bản chất thật của một con người.’ Mặt khác, câu chuyện không có niên đại lịch sử, nhân vật con người địa thế chẳng có tuổi tên, chứng tỏ câu chuyện trên do nhà sư đặt ra để phản ánh một mặt nào đó của cuộc sống, mà thực tế cuộc sống có lẽ cũng không oan uổng lắm.”
Dưới đây là lời bình của nhà văn Nguyễn Thức, một nhà phê bình văn học:
“Việc lớn thường có danh to. Muốn được danh to cần lập nghĩa rộng. Thế nên, cậu học trò chẳng màng gian nguy xông pha trận mạc, tích cực nghiên cứu giúp thầy làm lợi ích quần sanh. Khi danh càng to nghĩa càng lớn. Danh nghĩa to lớn sâu dày nên nó bao phủ ‘cái tôi’ thật ấm cúng. Đến lúc gặp phải việc nhỏ, mà việc nhỏ thì thường là vô danh, vì vô danh nên dường như vô nghĩa, do vô danh vô nghĩa nên cái tôi có mặt thật lạnh lẽo cô đơn, nào khác chi con cá kình ở ngoài biển cả, dù hắn có tung tăng vẫy vùng đến mấy thì có lúc nào được ráo khô.”
Nghĩa là làm việc lớn thì thường có danh to, muốn được danh to thì phải lập nghĩa rộng. Cậu học trò này muốn lập nghĩa rộng, muốn được danh to cho nên động lực đó giúp anh không màng đến gian nguy mà xông pha trận mạc, tích cực nghiên cứu giúp thầy làm lợi ích mọi người. Càng làm thì danh càng to, nghĩa càng lớn. Danh to, nghĩa lớn sâu dày nó bao phủ cái tôi của mình thật ấm cúng, dễ chịu nên dù có trải qua bao nhiêu gian nguy cũng không ngại. Kế nữa, khi danh to nghĩa lớn nó bao phủ ‘cái tôi’ thật ấm cúng rồi, đến lúc gặp phải việc nhỏ, gặp đống rác, con chồn, dường như vô danh, vô nghĩa, tưởng chừng như không có tác dụng gì hết. Do vô danh, vô nghĩa, cái tôi không được bao phủ, nó bị ló mặt ra một cách lạnh lùng, chịu không nổi, không thể bình thản trước xác thối của một con chồn như ông già ăn xin. Dù xông pha trận mạc, dù làm được nhiều việc, nhưng chưa trừ được cái tôi này thì khác nào con cá kình ngoài biển khơi, có vùng vẫy kiểu nào cũng không khỏi ướt, không thể thoát ra ngoài cái tôi ấy. Nó là cái chặn đứng anh ta lại, không qua được cái xác thối của con chồn, không học được một điều gì ở đống rác.
Cuối cùng là lời của một đạo nhân vô danh:
“Thầy trò quân sư khéo học hỏi nơi đống rác; các nhà thức giả thì giỏi phân tích lớn nhỏ, danh nghĩa, ngã nhân. Duy chỉ “tội nghiệp” cho phong thái cử chỉ của lão già ăn xin, có ai nhìn đến!”
Ngày nay, hình ảnh của lão già ăn xin có lẽ không còn lạ lắm đối với tông môn chúng ta. Song toàn bộ câu chuyện như âm vang của một tiếng chuông, thức tỉnh hành giả chúng ta một điều gì đó ở phía sau dấu chấm hỏi (?). Nếu rõ được điều này thì chúng ta sẽ cảm nhận được giá trị của đạo lý chân thật, cảm nhận được cái phi thường ngay trong cuộc sống tầm thường. Tuy đang sống trong một cuộc sống rất bình thường, bình dị, nhưng cái phi thường sẵn đủ trong đó chứ không phải đợi làm cho khác lạ, cao kỳ mới gọi là phi thường. Nếu thấy có một cái phi thường ngoài cái tầm thường, bỏ cái tầm thường này để hướng đến một cái phi thường kia, như vậy là có kẽ hở cho ý thức, cho tâm ngã mạn có cơ hội len lỏi vào, trái với đạo lý chân thật, đánh mất đức tính khiêm hòa một cách đáng tiếc.
IV/ KẾT LUẬN.
Sáng tỏ được cái phi thường và cái tầm thường không ngoài nhau, ngay cái này tức là cái kia. Thấy và sống được như vậy thì đời sống của chúng ta tự vốn là một đời sống khiêm hòa, bình dị, khế hợp với đạo lý chân thật, đó là chúng ta đã sống được bằng đức tính khiêm hòa một cách trọn vẹn, đầy đủ. Nếu quý vị nào chưa thể nhận ra như vậy thì chúng ta có thể thể nghiệm qua những gì vừa nghe ở trên để áp dụng vào cuộc sống của mình cho khế hợp với đạo lý, có lợi ích thực sự trong cuộc sống qua đức tính khiêm hòa.