Lời đầu tiên, cho phép người viết được sám hối với chư tăng, ni và quý vị phật tử vì đã chia sẻ những hình ảnh, thông tin có thể khiến quí vị cảm thấy đạo Phật của chúng ta bị xúc phạm?
Vẫn biết rằng đáng lẽ những hình ảnh như vậy không nên đăng lên các trang báo, nhất là những trang mạng Phật giáo
Nhưng nếu chúng ta lặng im thì còn nguy hại hơn, vì cứ nhìn vào hình tướng một người “đầu tròn, áo vuông”, nhiều người sẽ lầm tưởng rằng đó là tu sĩ Phật giáo, vội vàng qui kết, đánh giá, thậm chí đưa ra lời phán xét ngay mà không cần tìm hiểu kĩ càng. Truyền thông luôn có tính hai mặt. Trong thời đại ngày nay, với tốc độ phát triển như vũ bão của truyền thông thì việc đi tìm giá trị Chân Thực càng trở nên cần thiết.
Chúng ta đều biết, vài năm trở lại đây, hiện tượng tạm gọi là “giả trang Phât giáo” bùng nổ mạnh mẽ, nhất là tại Hà Nội và TP.Sài gòn. Báo chí đã phản ánh khá nhiều về những vụ bắt quả tang “sư giả” trộm cắp, lừa đảo... Chỉ cần cạo đầu tròn nhẵn hoặc trùm chiếc mũ len nếu thời tiết lạnh, khoác lên mình y áo người tu, tay cầm chiếc mõ tay bưng chiếc bát, những người này len lỏi vào khắp ngang cùng ngõ hẻm để kiếm tiền.
Phóng sự Lật tẩy chiêu bịp bợm của ông “thầy chùa” dị dạng ở Sài Thành cũng cho ta thấy sự thật về cách chữa bệnh bằng “đạp chân”, tài năng cầu siêu cho hàng tỉ vong linh của ông “sư phụ” ở “chùa Phước Thanh” tại Quận 7 TP.Sài gòn như thế nào.
Lại nữa, nhiều tu sĩ, nhà nghiên cứu cũng như người làm báo có lương tâm đã lên tiếng về những cuốn sách của “đạo sư” Duy Tuệ bày bán tràn lan trong các nhà sách. Mượn tiếng giảng giải về Đạo Phật, ông “đạo sư” mặc sức in ấn, phát hành nhiều cuốn sách như Mở rộng tâm, Khai mở đạo tâm hay “Ta là ai?” Thông tỏ sự hiểu lầm sau hàng ngàn năm v.v… để truyền bá cho một thứ “ma đạo” do ông ta sáng tạo ra - “Thiền Minh Triết”mà cơ quan chức năng vẫn cấp giấy phép và các nhà xuất bản thì tiếp tay cho hành vi sai lệch này.
Có thể nói, tình trạng núp bóng Phật giáo vì các mục đích khác nhau, trong đó không loại trừ việc kinh doanh kiếm lời vẫn đang tiếp tục không ngừng mà mới đây là câu chuyện về dự án ảnh Thoát của “nhà phong thủy” Huệ Phong ở Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo thông tin trên Báo Lao Động số ra ngày 14.12.2012:
“Thiên hạ sẽ tá hỏa khi đọc những dòng quảng cáo cho một dự án lớn là một tổ hợp những triển lãm từ hình ảnh tĩnh đến hình ảnh động như tranh, ảnh, truyện, múa đương đại, làm phim, cho đến sáng tác nhạc cùng về chủ đề “Thoát” trên diễn đàn online có cái tên khá kêu là Học viện Khổng Tử. Lẽ ra đúng 12h12 ngày 12.12.2012, dự án trên sẽ công bố bộ ảnh “Thoát”.
Kịch bản và đạo diễn, cha đẻ của ý tưởng “thoát” là nhà phong thủy Huệ Phong, với thông điệp đại ý là sắc dục có thể làm người ta khổ đau, người ta sung sướng, là thăng hoa cho nghệ sĩ trên đường sáng tác, là trở ngại lớn nhất trên đường thiền... Chữ “thoát” để biểu hiện con người từ sự dính mắc đến chỗ tự do - làm chủ sắc dục. Và qua đó còn giúp cộng đồng hiểu: Sắc dục đích thực là gì!”.
Dự án ảnh Thoát được thực hiện từ tháng 10.2012 đã hoàn tất với 12 tấm ảnh, là sự kết hợp giữa Thiền - Zen và Nude art (khỏa thân nghệ thuật). Theo thông tin trên trang web http://thoat.net của “thầy” Huệ Phong, thành phần tham gia thực hiện bộ ảnh gồm có “Kịch bản và đạo diễn: Nhà phong thủy Huệ Phong, diễn viên: Thái Nhã Vân, nhiếp ảnh: Nguyễn Trung”. Ngoài ra, thông tin về các chương trình của dự án Thoátcũng được nêu ra, cụ thể là:
- Bộ sách ảnh: Thoát
- Bộ lịch: Thoát
- Bộ tượng: Thoát
- Múa đương đại: Thoát
- Bài nhạc: Thoát
- Truyện: Thoát
- Phim nhựa: Thoát
Đơn vị thực hiện là Học viện Khổng Tử.
Phóng viên Báo Lao Động cũng cho biết, sáng ngày 13.12.2012 phóng viên đã qua địa chỉ mà ông Huệ Phong quảng cáo trên mạng ở đường 30/4, TP. Vũng Tàu thì được biết, bộ ảnh chưa thể ra mắt vì chưa được cấp phép của Sở VH-TT&DL Bà Rịa - Vũng Tàu.
“Hỏi chuyện thầy, vì sao có ý tưởng trên, thầy bảo có từ nhiều năm trước. Sở dĩ phải sử dụng một tổ hợp hoạt động trên vì “để giải quyết một vấn đề xã hội, phải dùng nghệ thuật sẽ tạo hiệu ứng xã hội mạnh hơn, vì người ta cũng không đọc sách nhiều. Làm sao để thông qua dự án “Thoát” sẽ thấy con người có khả năng chạm vào sắc dục, làm chủ nó, không rơi vào ngã!”.
Nhưng khi hỏi ông Huệ Phong về bộ ảnh chưa ra mắt được, ông Huệ Phong lại bảo: “Chuyện triển lãm không quan trọng lắm, chủ yếu là tôi muốn đọc những bài viết mang tính định hướng cho công chúng. Tôi làm theo một lộ trình cẩn trọng, làm nghệ thuật phải có trách nhiệm, đụng đến vấn đề tâm linh càng phải cẩn trọng”.
Khi phóng viên muốn xem ảnh “Thoát”, ông Huệ Phong từ chối và đề nghị xem thẻ nhà báo. Hỏi sâu hơn về thiền, ông không hào hứng và ngại nói. Ông Huệ Phong bảo cũng có tập thiền, đọc sách Phật, nghiên cứu Phật và viết bài, in sách, nhưng chỉ là cư sĩ”.
Ngày 26.04.2013, http://soi.com.vn - một trang web chuyên cung cấp tin tức và thảo luận về nghệ thuật (mĩ thuật, điện ảnh, nhiếp ảnh, kiến trúc…) đăng tải thông tin:
“THOÁT đã “thoát”
Từ thông tin của dự án Thoát
Theo thông tin từ ông Huệ Phong, bộ ảnh Thoát (gồm 12 tấm, thuộc cảnh 7 trong dự án Thoát do ông Huệ Phong sáng lập) sẽ được triển lãm tại Không gian Thoát art.
Thời gian: 30. 4. 2013 – 29. 6. 2013
Địa điểm: 550 đường 30 tháng 4, TP. Vũng Tàu
Xem thông tin thêm tại: www.thoat.net
Bộ ảnh Thoát đã từng gặp rắc rối, nhưng lần này như vậy là đã có thể bày.
Ngày khai mạc bộ ảnh cũng là ngày chính thức mở cửa không gian Thiền (tức Thoát Art?) của nghệ sĩ Văn Ngọc. Hôm đó, người tham dự sẽ được gặp gỡ với ông Huệ Phong và anh Văn Ngọc.
Theo một bài viết của Thái An trên thoat.net, thì không gian Thoát Art này “được thực hiện bên trong tòa nhà Happybank tại 550 đường 30 tháng 4, TP. Vũng Tàu”, là nơi “lưu giữ, trưng bày các tác phẩm nghệ thuật và các tác phẩm Thoát.”
Ngoài ra đến đây bạn còn được thưởng thức trà đạo, nghe pháp thoại, và học Thiền.
Lớp Thiền Thoát sẽ được tổ chức hàng ngày, vào 18h, do ông Huệ Phong hướng dẫn (hy vọng có cả Thái Nhã Vân?)
*
Hãy đến với không gian Thoát và xem bộ ảnh Thoát, rồi ngẫm nghĩ xem câu này có đúng không (và quan trọng là bạn có muốn thoát ra không):
“Trong các thứ ái dục, không gì đáng ngại bằng sắc dục…”
Như vậy là sau một thời gian bị gián đoạn (từ tháng 12.2012 đến tháng 4.2013), bộ ảnh Thoát sẽ chính thức ra mắt tại Không gian Thoát art ở TP. Vũng Tàu.
Quí vị quan tâm đến thông tin này có thể tìm đọc và xem trích dẫn phát ngôn cũng như hình ảnh của “nhà phong thủy” Huệ Phong trên trang web của chính dự án Thoát - http://thoat.net, hoặc các bài viết đăng tải trên trang web http://soi.com.vn như THOÁT: Bộ ảnh tâm linh về đề tài Sắc dụcngày 10.12.2012, THOÁT: Thoát y có thoát ý? Nhưng không “thoát” được công an ngày 20.12.2012 và THOÁT đã “thoát”ngày 26.04.2013”.
Xin phép nói thêm, trang web http://thoat.net có cùng nguồn gốc với diễn đàn www.khongtu.com, thấy giới thiệu là “Văn hóa Phật giáo”? Và “Chia sẻ tri thức, phát triển văn hóa”.
Thông tin về dự án ảnh Thoátsắp sửa ra mắt và bị ngưng lại thì người viết đã được biết đến từ năm trước, qua việc theo dõi thông tin trên trang web SOI. Sự kịp thời của cơ quan chức năng tại thời điểm đó đã khiến người viết cảm thấy an tâm, vì vậy không muốn đề cập đến nữa. Tuy thế, với thông tin như đã nêu trên vào ngày 26.04.2013 không khỏi khiến cộng đồng phật tử lo ngại.
Là người học Phật pháp, chúng ta đều biết giả tướng nhà tu hành là một cái tội. Trong trường hợp này, “nhà phong thủy” Huệ Phong - một người tự nhận mình là cư sĩ có đọc sách Phật giáo, nghiên cứu Phật giáo chẳng những đã cạo đầu, mặc áo nhà tu hành, lại còn khởi xướng lên dự án ảnh Thoát- mượn tiếng “nghệ thuật” để “giảng đạo” theo cách của riêng mình.
Thử hỏi những người chưa từng hoặc ít tiếp xúc với đạo Phật khi nhìn những hình ảnh này sẽ nghĩ gì đây? Không rõ “nhà phong thủy” Huệ Phong đã tầm sư học đạo ở chốn nào mà có những suy nghĩ, hành động phản cảm như vậy?
Thiết nghĩ trong sự việc lần này, chư tăng, ni, và quý vị phật tử cần có những đề nghị cụ thể với Sở VH-TT&DL tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Phòng An ninh Thông tin, Truyền thông (PA87) và Phòng An ninh xã hội (PA88) trực thuộc Sở Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp xúc, làm việc với ông Huệ Phong để có những biện pháp giải quyết, xử lí thích hợp, bảo vệ đạo Phật nói riêng, giữ gìn những giá trị tốt đẹp của văn hóa Việt Nam nói chung.
Tường Thụy