Cậu bé đi học bằng tay trên miền đất "trắng"
Cậu bé đi học bằng tay
Trên đường qua bản Minh Phương (Lượng Minh) vào giờ tan học, chúng tôi thật sự bất ngờ khi nhìn thấy một cậu bé có thể gọi là “đặc biệt”. Cậu bé nhỏ thó, cặp sách trên lưng, nhưng phải di chuyển bằng cả chân và tay, trong đó đôi tay là bộ phận chính thực hiện chức năng di chuyển cơ thể, nghĩa là đôi chân của cậu gần như không có tác dụng. Cậu cứ bò lê như thế trên con đường gồ ghề và lởm chởm đất đá. “Cứ theo nó về nhà, anh sẽ được biết thêm nhiều điều đặc biệt nữa”- một vài người dân “bật mí” khi thấy chúng tôi để ý đến cậu bé.
Lương Văn Mậu trên đường đi học về. |
Đoạn đường từ cổng trường đến nhà cậu chừng 500m. Tiếp chuyện chúng tôi là bà ngoại của cậu bé, bà Lô Thị Lan, trạc tuổi 60. Còn cậu bé là Lương Văn Mậu (sinh 1998), học sinh lớp 8A Trường THCS Lượng Minh.
Mậu cùng anh trai là Lương Văn Tý (sinh 1996, đang học lớp 11) được ông bà ngoại cưu mang từ khi còn rất nhỏ. Nguyên nhân là do bố mẹ chúng bị dính vào vòng lao lý vì tội buôn bán, vận chuyển chất ma túy. Hiện tại, người bố đã mãn hạn tù nhưng về quê ở huyện Kỳ Sơn sinh sống. Còn người mẹ, với cái án dài đến 14 năm, giờ đây mới đến năm thứ 9 nên phải mất 5 năm nữa mới có cơ hội trở về chăm lo, nuôi dưỡng cho chúng.
Từ khi mới lọt lòng, đôi chân của Mậu cứ co quắp lại và dính sát vào phần bụng, không co duỗi được như những đứa trẻ bình thường. Đi khắp các bản làng tìm thầy cứu chữa, cuối cùng một thầy lang đã giúp Mậu duỗi được đôi chân ra một ít, khỏi dính vào phần bụng. Sau đó, bà Lan đưa cháu đi chữa trị nhiều nơi, vào đến tận TP.HCM nhưng đều nhận được những cái lắc đầu, vì dị tật của em có từ khi còn nằm trong bụng mẹ.
Bà Lan chia sẻ: “Nuôi thằng Mậu vất vả lắm, vì từ nhỏ nó đã không bình thường, từ việc ăn uống, đi lại đến các sinh hoạt khác rất khó khăn. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, nó là cháu mình, mình không thương nó thì còn có ai thương nên vợ chồng tôi càng quan tâm và chăm lo cho nó nhiều hơn”.
Niềm an ủi lớn nhất của vợ chồng bà Lan là anh em Tý - Mậu rất sáng dạ, ham hiểu biết và học hành ngày càng tiến bộ. Tý khỏe mạnh, lành lặn và hiện đang theo học THPT. Còn Mậu thân hình oặt oẹo, đôi chân co quắp nhưng hàng ngày không kể mưa gió vẫn bò lê đến lớp. “Lúc đầu định đưa đến lớp để nó vui vẻ, đỡ tủi thân với bạn bè nhưng không ngờ nó học khá, các thầy cô khuyên cho nó theo học để tìm một tương lai sáng sủa hơn” - bà Lan tâm sự.
Đường đến lớp không xa nhưng trường lại nằm ở lưng chừng sườn núi, đường dốc đứng nên việc leo lên thật sự là quá sức đối với Mậu. Em chia sẻ: “Sợ nhất là những ngày mưa lớn, khi bò lên cổng trường, nước tuôn thẳng vào mặt, vào người ướt sạch. Em phải cố bám vào mép đường xây bằng đá để khỏi bị trượt ngã”.
Thầy Trần Quốc Hùng, Hiệu trưởng Trường THCS Lượng Minh cho biết: “Hoàn cảnh gia đình khó khăn, sức khỏe không đảm bảo, việc đi lại hết sức vất vả nhưng Mậu luôn đi học chăm chỉ và hăng say phát biểu xây dựng bài”.
Hỏi về những dự định tương lai, Mậu lắc đầu và hồn nhiên trả lời “Không biết!”.
Nhìn sang bà Lan, sau một thoáng trầm tư kèm theo một tiếng thở dài, bà nói: “Tôi dự tính cả rồi, với sức vóc, chân cẳng như vậy, thằng Mậu không đủ sức ra Thị trấn Hòa Bình để theo học cấp 3 như thằng Tý. Hơn nữa, càng học lên cao càng mất nhiều chi phí, tôi thì tuổi đã cao, sợ không đủ sức... Một vài nhà hảo tâm đã tìm đến cho nó một ít tiền, khoản tiền đó tôi đang dành dụm để khi nó học xong cấp 2 sẽ cho nó đi học đánh máy vi tính, photocopy và mua máy móc để nó hành nghề, tự kiếm sống. Tôi già rồi cũng đến lúc phải chết, bố mẹ nó thì không biết thế nào...”.
Và những cảnh đời bất hạnh
Ở nơi từng được mệnh danh là “rốn” ma túy như xã Lượng Minh, đặc biệt là ở bản Xốp Mạt và Minh Phương, hoàn cảnh vợ chồng vướng vào vòng lao lý hoặc chết vì căn bệnh thế kỷ HIV, để lại con thơ cho ông bà nội ngoại nuôi nấng như trường hợp bà Lan không phải là hiếm.
Ông Nâm và đàn cháu. |
Ngay như bà Lan, khi trò chuyện cũng chỉ kể riêng hoàn cảnh tù tội của bố mẹ em Mậu là anh Lương Văn Tĩnh (con rể) và chị La Thị Nguyệt (con gái). Qua tìm hiểu, những người hàng xóm của Bà Lan cho biết con cái của bà (cả trai, gái, dâu, rể) hầu hết đã và đang chịu thi hành án vì tội buôn bán, vận chuyển ma túy. Điều này đồng nghĩa với việc vợ chồng bà Lan không chỉ nuôi anh em Tý - Mậu mà còn thêm hơn 10 đứa cháu nội ngoại khác. Đến độ tuổi có thể làm việc tay chân, những đứa trẻ ấy rời xa mái nhà của ông bà để tìm đường mưu sinh.
Cách nhà bà Lan không xa là gia đình ông Lương Văn Nâm (63 tuổi), người được xem là đang giữ “kỷ lục” khi toàn bộ 10 người con trai, con gái, con dâu và con rể đều phải ngồi tù vì tội buôn bán “cái chết trắng”. Do vậy, ông bà phải còng lưng cuốc rẫy để nuôi tất cả các cháu nội ngoại, đứa lớn nhất năm nay 18 tuổi, đứa nhỏ nhất mới lên 3. Có mấy đứa lớn đã vào miền Nam làm thuê kiếm sống và gửi tiền về nuôi em. Hiện tại, ông bà vẫn còn nuôi 5 đứa cháu ăn học trong nhà, đứa lớn nhất năm nay lên lớp 9, đứa nhỏ nhất mới vào mẫu giáo.
Thấy khách lạ, bé Lương Bảo Thiên Lam (3 tuổi) khóc ré lên, chạy sang nhà hàng xóm. |
Và cũng như bà Lan (bà nội Mậu), ông Nâm than thở: “Vợ chồng tôi già đến nơi rồi, giờ cầm cái cuốc không còn vững nữa, biết có nuổi nổi nó học lên tiếp hay không. Mà có phải một mình nó đâu, còn có những đứa khác nữa...”.
Rời bản Minh Phương, chúng tôi tìm đến bản Xốp Mạt. Cách đây không lâu, các nhà khoa học thuộc Viện Vật lý địa cầu khẳng định phía trong hòn núi phía sau bản có một vết nứt lớn gây nên hiện tượng trượt lở đất, đe dọa sự an toàn tính mạng nên người dân phải di dời đến nơi ở mới. Nhưng nơi ở mới đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng nên bà con Xốp Mạt đang phải dựng nhà tạm dọc tả ngạn sông Nậm Nơn để sinh sống. Do vậy, cuộc sống nơi đây đang thật sự bộn bề. Căn nhà nhỏ bằng tranh tre, nứa lá của chị Lô Thị Tấm nằm chênh vênh bên mép sông, có cảm giác như nước bất ngờ dâng cao, một trận lũ quét cuốn qua căn nhà ấy sẽ không còn dấu tích.
Số phận chị Tấm cũng giống với nhiều người phụ nữ khác ở đất Lượng Minh, chồng chị là anh Lô Văn Mão đang ở tù vì tội buôn bán, vận chuyển heroin từ năm 2005, để lại cho chị 2 đứa con gái còn nhỏ dại là Lô Thùy Trang (sinh 1999) và Lô Thị Mai Chi (sinh 2001) và trong thời gian chồng thụ án, chị Tấm sinh thêm bé Lô Thị Yến Nhi (2010).
Mẹ con chị Tấm. |
Căn nhà trống huơ trống hoác, chẳng có thứ gì giá trị ngoài 2 chiếc giường gỗ, chăn màn, xoong chậu để ngổn ngang. Có lẽ do e ngại về hoàn cảnh của mình nên chị Tấm không thật sự cởi mở khi trò chuyện. Hỏi “Chị làm cách nào để có cái ăn hàng ngày cho các con?”, chị thủng thẳng: “Đi làm rẫy và lên rừng hái măng”. Hỏi chuyện học hành của các con, chị đáp: “Bây giờ đang đi học gần nhà, lại được nhà nước hỗ trợ nên chưa tốn kém lắm. Mong được nhà nước tiếp tục hỗ trợ để các cháu được học tiếp lên cao hơn, để có cơ hội tìm một cái nghề cho đỡ vất vả”.
Day dứt câu hỏi
Trao đổi với ông Vi Đình Phúc, Bí thư Đảng ủy xã Lượng Minh, chúng tôi được biết so với mấy năm trước, số lượng trẻ em có bố hoặc mẹ, hoặc cả bố và mẹ đang ở tù vì tội buôn bán ma túy đã giảm xuống. Nhưng hiện tại, con số này cũng đang ở mức hàng chục và chưa có dấu hiệu được hạn chế đến mức thấp nhất. Bởi lẽ, các đầu nậu buôn bán ma túy từ nước ngoài về vẫn chọn núi Pù Lôm và địa bàn xã Lượng Minh để làm điểm trung gian trao đổi và vận chuyển “hàng trắng”. Trong khi đó, đời sống người dân nơi đây vẫn còn nghèo (tỷ lệ đói nghèo hiện chiếm 84,5%), trình độ dân trí còn hạn chế, nhiều người dân vì cái lợi trước mắt nên vẫn đang bị những đầu nậu nói trên sai khiến và bị trói chặt bởi “con ma trắng”. Nói cách khác, mầm mống và nguy cơ gieo rắc “cái chết trắng” vẫn còn hiển hiện trên đất Lượng Minh.
Cũng như hơn 4 năm trước, chúng tôi không khỏi day dứt khi rời vùng đất Lượng Minh. Day dứt vì hình ảnh cậu bé Lương Văn Mậu lết từng bước trên đường đi học về, tiếng khóc ré lên của bé Thiên Lam, vì cái vẻ hồn nhiên và lấm lem của 3 đứa con gái chị Tấm. Và day dứt vì một câu hỏi chưa tìm được lời đáp: Bao giờ Lượng Minh “sạch” ma túy để những gia đình nơi đây được hạnh phúc, để những đứa trẻ không còn phải sớm gánh chịu nỗi đau bất hạnh? Tết Trung Thu đã cận kề, không biết những đứa trẻ ở Lượng Minh có bao giờ được rước đèn, phá cỗ?
Công Kiên (theo vietnamnet)