Con hư tại ai?
Trong nhiều trường hợp tư vấn, mỗi đứa con hư theo mỗi kiểu và đa số cái hư đó đều xuất phát từ các kiểu “hỏng” trong cách ứng xử của bố mẹ với con. Chung quy có thể khái quát thành các kiểu bố mẹ ứng xử sai như sau:
Kiểu ngón trỏ
Bố: “Bố bảo học kỳ này con phải đạt loại giỏi. Nếu không đừng trách!”.
Mẹ: “Con gái phải để tóc dài! Không thắc mắc gì cả. Rõ chưa?!”.
Với kiểu ứng xử này bố mẹ cư xử khắt khe với con cái, gia trưởng một chiều. Thông thường, những phụ huynh hành động như vậy thuộc dạng bố mẹ lười, muốn con ngoan nhưng ngại nghĩ cách giáo dục con nên cấm đoán và ra lệnh là cách nhanh gọn nhất. Ở các gia đình này, cái tôi của bố mẹ đè bẹp cái tôi của con. Trẻ sẽ nhút nhát, thiếu tự tin.
Tuy nhiên, một số trẻ còn có xu hướng phản ứng: xung đột, thù ghét bố mẹ. Song trẻ không thể chống đối hai đấng sinh thành nên thái độ thù ghét ấy chuyển sang đối tượng khác, chẳng hạn như gia đình anh chị Sang (hai vợ chồng đều làm trong bệnh viện) rất đau khổ khi cô con gái 14 tuổi luôn tìm cách đánh đập đứa em lên 7 của mình.
Kiểu “sống chết mặc bay”
Cấm đoán khắt khe là biểu hiện của sự bất lực. Buông thả không quan tâm là biểu hiện của sự vô trách nhiệm. Cưng chiều quá mức là biểu hiện của cách dạy con “yếu đuối”. |
Đứa trẻ đi học về, vào phòng lấy balô quần áo. Cầm điện thoại gọi cho bố: “Hôm nay cuối tuần, con đi du lịch với lớp hai ngày rồi về nha bố”. Đầu dây bên kia ông bố đáp: “Ừ, đi đâu thì đi! Nhớ cẩn thận đó!” rồi cúp máy.
Kiểu này tồn tại trong gia đình có bố mẹ không quan tâm đến con cái, để mặc con cái “phát triển tự do” với lý do muôn đời: bận rộn. Trẻ không chỉ dễ hư hỏng mà còn hướng ra ngoài để tìm một “mẫu người lý tưởng”, chẳng hạn các thần tượng: ca sĩ, diễn viên hay một “hot boy”, “hot girl” nào đó trong trường. Chưa kể những trẻ này rất dễ yêu sớm do sự thiếu thốn tình cảm dẫn đến nhu cầu gắn bó với người khác.
Kiểu “con là cục vàng”
“Muốn gì thì cứ việc bỏ nhà đi vài ngày, thế nào ổng bả chẳng sợ!” - đó là suy nghĩ của S. - con trai độc nhất trong một gia đình trí thức.
Khi quá cưng chiều con, không thiết lập được các giới hạn, đôi lúc dẫn đến việc bố mẹ bị phụ thuộc vào con. Tình thương thái quá của bố mẹ trở thành điểm yếu, trẻ sẽ lợi dụng để thỏa mãn nhu cầu của mình.
Một kiểu cưng chiều khác, thương con theo kiểu “đồ dễ vỡ”: Thanh Phong - 17 tuổi, được mẹ đưa đến trung tâm kỹ năng sống để học cách tự lập. Tuy nhiên, lúc Phong đang học, bà mẹ ngồi ở ngoài chờ hàng giờ để rước Phong về. Phong tâm sự: “Có lần em muốn độn thổ khi từ đâu mẹ xuất hiện gạn hỏi nhỏ bạn cùng lớp đủ điều trước cổng trường vì cái tội đã nhắn tin... chúc em ngủ ngon”.
Hãy làm “bố mẹ dân chủ“
Bị cô giáo chủ nhiệm than phiền việc cậu con trai đánh nhau trong lớp, ông bố trò chuyện cùng con trai: “Bố không biết vì sao con làm như thế nhưng con có thể kể cho bố nghe không? Lần sau nếu gặp trường hợp như vậy con nhớ báo cho bố biết nhé”!
Bố mẹ dân chủ là những người có quyền lực thật sự với con cái. Một mặt họ khuyến khích con độc lập, nhưng mặt khác họ đặt ra giới hạn và kiểm soát được hoạt động của con. Những đứa trẻ sẽ tự tin, giao tiếp xã hội tốt, biết đắn đo cân nhắc trước khi quyết định và tự chịu trách nhiệm về mình. Muốn làm điều đó, bố mẹ phải có sự tin tưởng nhất định vào con cái và đủ tinh tế thiết lập hàng rào từ xa khi cho con “tự do trong khuôn khổ”.
Nếu chúng ta đã khiến con hư thì cũng có thể dạy chúng trở thành trẻ tốt bằng cách thay đổi phương pháp giáo dục.
Th.S NGUYỄN HOÀNG KHẮC HIẾU
(ĐH Sư phạm TP.HCM)
Học làm cha mẹ tốt
Chị Lê Kim Tuyến (Q.Tân Bình, TP.HCM) kể hành trình của chị đến với những lớp học kỹ năng làm cha mẹ bắt đầu từ việc hai đứa con hiếu động, chị la con không sợ. Đem chuyện kể với một chị bạn thì được biết Nhà văn hóa Phụ nữ và Nhà Thiếu nhi TP có nhiều lớp học, sinh hoạt chuyên đề về dạy con ngoan... Thế là chị Tuyến đi học. Học một khóa “Làm sao để trở thành cha mẹ tốt” chị Tuyến nhận ra: con chưa ngoan, không nghe lời là do mình chưa biết cách dạy. Thấy được “lỗi” của mình, chị thừa nhận: “Làm cha mẹ đâu có dễ, tôi cứ nghĩ đơn giản thương con thì cho con những gì con thích”. Còn chị Nguyễn Thanh Tâm thường xuyên đi làm vắng nhà nên khi về nhà con... không thèm chơi với chị. Chơi gì cũng bị con cáu gắt, giận dỗi. Lúc đầu chị nổi nóng, nghĩ con không thương mình. Thế nhưng chị nào biết cô con gái 6 tuổi cũng biết buồn vì... “Mẹ vắng nhà hoài, ba cũng vậy. Rồi mẹ quên hôn con khi đến đón con...” - cô bé thổ lộ với nhà tâm lý. Sau khi đưa con đến phòng tư vấn gặp nhà tâm lý, chị Tâm nhận lời khuyên và thực tập theo: “Con còn nhỏ nên cần được cha mẹ thể hiện hành động thương yêu nhiều hơn, trò chuyện với con để con nói với mình những niềm vui, mong muốn. Xem con như bạn vậy”. Thạc sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy nói: “Cha mẹ cần học cách chơi với con. Dạy con những trò chơi và rút ra bài học sau mỗi trò chơi ấy để con cùng tư duy”. Từ nhiều cuộc nói chuyện với các ông bố bà mẹ, thạc sĩ Thúy chia sẻ: “Nhiều ông chồng không biết chơi với con. Các ông ở nhà trông con nhưng đơn thuần là có mặt để biết con đang làm gì, phần mình đọc báo hoặc xem tivi”. Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thị Bích Hồng khuyên những bậc làm cha mẹ: “Mỗi trẻ có tốc độ, xu hướng phát triển khác nhau, do đó ba mẹ cần nhận ra để hướng dẫn con phát triển theo những đặc điểm riêng”. Tiến sĩ Hồng cũng chia sẻ: “Dạy con là công việc của cả ba lẫn mẹ. Người đàn ông cũng cần học cách nuôi dạy con và cùng vợ tham gia dạy con”. TẤN KHÔI Trưởng thành... nhờ con!
Thật ra khi bạn tư duy theo cách “think out of box” (nghĩ ngoài chiếc hộp, tức là ngoài thói quen thông thường), bạn sẽ thấy con mình chính là những người thầy thật giỏi. Bởi từng ngày khi quan sát, lắng nghe, chăm sóc, chơi đùa và dạy dỗ trẻ, người lớn mới thành cha mẹ đúng nghĩa. “Sinh con rồi mới sinh cha” là chuyện không hề ngược đời, theo ý nghĩa tâm lý. Con bệnh, đau, khóc mếu, cười vui hớn hở, rồi con thể hiện suy nghĩ của mình về mọi thứ xung quanh đều là dịp để cha mẹ học hỏi từ con. Hồn nhiên không có nghĩa là không sâu sắc. Thậm chí hồn nhiên là điều người lớn cần học hỏi thường xuyên ở trẻ. Chính từng ngày lớn cùng con, bạn sẽ học được lòng kiên nhẫn, sự dí dỏm và cả lòng can đảm. Và món quà vô giá của cuộc đời là ngoài tư cách cha mẹ, bạn còn được con xem là bạn thân. VŨ BÁCH |