Để tiêu trừ tai họa và sống thọ theo nhà Phật
Lý luận nhân quả của Phật giáo nói lên sự quân bình của lực lượng tự nhiên. Tai họa xảy ra hay là thành đạt hạnh phúc đều là nhân quả báo ứng.
Gieo nhân lành thì được quả lành, được phú quý và sống lâu. Gieo nhân ác thì chịu quả ác, gặp tai nạn và bệnh tật.
Do vậy theo quan điểm của Phật pháp, làm thiện tránh ác chính là biện pháp tốt nhất để trừ tai họa và sống trường thọ.
Nguyên lý tiêu trừ tai họa, sống thọ là nơi sám hối, phát nguyện. Quả báo đến thì phải chịu, thế nhưng khi phát tâm sám hối và phát nguyện, thì quả báo chưa sinh khởi có thể biến chuyển.
Cũng giống như kẻ phạm tội, khi đem ra phán xử, mà biết nhận tội và ăn năn hối lỗi, chịu hợp tác với quan tòa, thì khi luận tội cũng sẽ được hưởng lượng khoan hồng.
Ngày xưa có chuyện lập công chuộc tội. Ngày nay có lệ giảm tội mà không bắt giam, không khởi tố hoặc tiến hành hòa giải ngoài phạm vi của tòa án. Đây là những thí dụ tuy có nhân phạm tội, nhưng quả chịu tội được chuyển biến.
Người cầu xin được tiêu trừ tai họa, sống thọ, không được một mặt cầu xin, một mặt cứ tiếp tục làm ác, mà phải sám hối, làm các Phật sự như tụng kinh lễ bái, bố thí cúng dường.
Tức là dùng Phật pháp mở đường cho các oan gia trước đây của mình được lìa thoát cõi khổ, không còn hạch sách đòi nợ cũ nữa. Lại nhờ sức mạnh của phát nguyện mà nhân ác đã gieo được cải biến.
Trái lại nếu cứ tiếp tục làm ác thì sẽ phù hợp với nhân ác đã gieo, tội ác càng chồng chất. Nếu bỏ ác làm lành thì có thể hạn chế những nhân tố ác đã làm và nhờ đó tránh khỏi tai họa.
Vì vậy, phát nguyện, học Phật làm điều thiện có thể làm thay đổi vận mệnh tương lai. Đương nhiên, ở đây, còn có sức mạnh bất khả tư nghị của Phật pháp nữa.
Trong kinh có nói, người quy y Tam Bảo sẽ được sự gia hộ của 25 vị đại thiện thần. Người làm lễ cầu tiêu tai họa và sống thọ, nếu đã quy y Tam Bảo thì cũng được sự gia hộ như vậy.
Từ vô thỉ đến nay, nhân quả thiện ác xoay vòng mãi không thôi, cực kỳ phức tạp, ân oán chằng chịt đan xen. Người nào mắc nợ người nào, chúng sinh nói chung và cả đến bậc A La Hán nữa, cũng đều rất khó làm sáng tỏ vấn đề này.
Nhờ sức mạnh Phật pháp và sự gia hộ của các vị thần hộ pháp, có thể tránh được những quả báo đáng lẽ phải chịu.
Cũng như người giàu có không đòi những món nợ nhỏ đối với kẻ nghèo khổ. Nỗi oan gia ngày trước, nếu được siêu sinh thoát khổ rồi, thì nỗi oan ức và lòng giận cũng sẽ được giải trừ, không còn lấy oán báo oán nữa.
Đó chính là đạo lý của việc tiêu trừ tai họa và cầu trường thọ.
HT. Thích Thánh Nghiêm (Chuavinhnghiem)