Còn
Chánh ngữ không phải là sự chỉ dẫn cho tất cả những điều tốt điều lành,
nhưng không có Chánh ngữ thì không có tất cả những điều tốt điều lành
được tồn tại.
Con người sinh ra vốn không hoàn hảo và
ai ai cũng có sai sót, lầm lỗi, không trừ một ai. Do đó trong cuộc sống,
đôi khi có nhiều điều đã nói ra, làm cho người ta tự trách mình tại sao
mình lại nói những lới nói sai như thế đó.
Từ những lỗi lầm gây ra trong lời nói đã làm cho con người ý thức được
cái giá trị hay đẹp cao cả đáng quý của nó để giúp cho mình tự kiểm
soát được tâm ý của chính mình. Từ đó sữa đổi bản thân và góp phần tô
bồi cho cuộc sống xã hội thêm tươi đẹp hơn.
Sai lầm tiếp nối sai lầm không chỉ là cách để hối hận, ăn năn hay sám
hối trong lời nói bằng hai chữ xin lỗi và xin lỗi, mà còn là cách để
nhắc nhở về những điều tốt điều lành mà người ta thường tự trách mình
hay quên không làm.
Trong tinh thần Phật học làm chủ lời nói không có phải là chủ đề mới
lạ, nhưng những thói quen, đã học, đã hiểu, đã biết về chánh ngữ, đã
thường hay bị quên thực hành. Do đó cho dù con người có rút tỉa hàng
nhiều kinh nghiệm, từng trãi trong cuộc sống, từ nhỏ cho đến lúc bạc đầu
vẫn còn có những sai lầm.
Chánh ngữ không phải là sự chỉ dẫn cho tất cả những điều tốt điều lành,
nhưng không có Chánh ngữ thì không có tất cả những điều tốt điều lành
được tồn tại.
Chánh ngữ là những cách ăn nói, xử thế, nhã nhặn, thành thực, chân
thành và cũng là một trong những nền tảng căn bản để xây dựng con người.
Chánh ngữ là chữ Đức Phật dùng làm việc giáo dục nhân bản để giúp con
người tự rèn luyện để trở thành một con người sống phù hợp với những
nghi thức trong xã hội về mặt tinh thần cũng như thể xác.
Chánh ngữ trong tiếng Phạn gọi là samyag-vāk và viết theo mẫu
devanāgarī: सम्यग् - वाक् hay सम्यग्वाक् là cách viết theo nguyên
tắc nối âm của chữ Phạn.
Chánh ngữ thuộc nhóm Giới (tiếng Phạn: शील śīla, có động từ gốc là √
शील् śīl, có nghĩa : phục vụ, thực hành, quy luật, kỷ cương ) trong Bát
Chánh Đạo.
Chánh ngữ có nghĩa là lời nói đúng xa lìa lời nói hư dối, một lời nói
ra không làm cho tan vỡ, hạnh phúc gia đình, không làm cho mọi người
nghi ngờ lẫn nhau, một lời nói để lợi cho mình và cho người, một lời nói
ra người nghe hoan hỷ, một lời nói có ích lợi làm cho tâm người nghe
được an tịnh, một lời nói thành thật ngay thẳng, bình đẳng, hòa nhã, rõ
ràng, giản dị, khuyến tấn, một lời nói hợp thời và đúng lúc, hợp tình và
hợp lý, mang đến cho người nghe cảm giác thương yêu, Từ, Bi, Hỷ, Xả.
Chánh ngữ là lời nói chân chánh, không tạo nghiệp bất thiện bằng lời
nói, mà trái lại, dùng lời nói để tạo các nghiệp thiện lành.
Lời nói là sự biểu hiện của tâm tư và ý nghĩ, nếu không cẩn trọng,
thiếu suy nghĩ, thì lời nói dễ làm cho người khác đau khổ, mà đôi khi
chính mình cũng cảm thấy ăn năng hối hận, vì nói lời bất cẩn của mình mà
gây ra tai họa.
Bản chất của lời nói tùy thuộc vào những nội dung khác nhau của tâm
thức. Nếu tâm có nhiều giận hờn, bức xúc… thì lời nói sẽ mang sắc thái
nặng nề, hung dữ. Còn nếu tâm ta thanh tịnh thì lời nói sẽ dễ nghe,
trong âm điệu hài hòa. Nói là một nghệ thuật và cũng là một cách tu qua
sự quán sát chọn lời và lắng nghe.
Trên phương diện so sánh, Tư duy thì có tìm hiểu và suy xét, còn Ngôn
ngữ thì có lời nói và sự phân tích, chứng minh, hay diễn tả mà còn gọi
là luận. Như vậy Ngôn được hiểu như Tìm hiểu của Tư và Luận được hiểu
như Duy.
Từ điểm này cho thấy tám yếu tố của Bát Chánh Đạo, dù có sự phân chia
chúng ra thành những nhóm khác nhau, nhưng chúng vẫn có sự liên quan mật
thiết với nhau.
Kết qủa cho thấy rằng: Càng thực tập Chánh tư duy, thì càng tạo điều
kiện để giúp cho những mầm móng của Chánh kiến khác được nẩy nở và tăng
trưởng thêm. Chánh kiến là nguồn nuôi dưỡng của Chánh tư duy.
Nhờ sự phát triển của Chánh kiến và Chánh tư duy mà Chánh ngữ được biểu
hiện rõ ràng. Do đó khi lời nói gây ra đau khổ thì phải biết đó là sự
nhìn thấy chưa rõ ràng và việc suy nghĩ chưa đúng.
Trong tương giao giữa mọi người, Chánh ngữ là phương pháp để thu phục
nhân tâm hay cách xử thế qua cách nhìn đúng, nghĩ đúng bằng lời nói. Thí
dụ như : Làm cách nào để khuyên bảo người khác, khi biết họ làm sai,
nói sai, hay nghĩ sai? Nói cách nào để khỏi làm mất lòng người nghe?
Chỉ có Chánh ngữ và Chánh ngữ.
Ngôn ngữ là chữ viết và tiếng nói để giúp cho con người, hiểu biết,
trao đổi thông tin văn hóa, tạo điều luật ngăn ngừa những tội ác và xây
dựng nền tảng văn minh cho nhau trong xã hội. Tất cả hạnh phúc trên đời
đều bắt đầu từ lời nói của con người và đừng bao giờ mong người khác nói
lời dễ nghe, trong khi chính mình chưa làm được như vậy.
Muốn thấy được đạo, tức là muốn cuộc sống được an lạc hạnh phúc, thì
hãy tập làm Người biết cách nói đúng đắn, bằng những lời nói cao quý,
hữu dụng, đầy đủ ý nghĩa sâu sắc, ghi lại ở trong phần giới của Đức Phật
đã đề ra. Hiểu được như vậy, hành được như vậy, chính là Người tu theo
Chánh ngữ.
Lời nói có một ảnh hưởng vô cùng quan trọng không những đối với đời
sống hạnh phúc của mỗi cá nhân mà còn có thể định đoạt được cả sự an
nguy của xã hội. Chính vì thế mà Đức Phật đã đưa Chánh Ngữ vào Bát Chánh
Đạo.
Trong kinh Lời Nói (Tăng Chi 5.198), có ghi:
Đức Phật giảng 5 yếu tố của một lời nói thiện lành như sau:
"Thành tựu năm chi phần, này các Tỳ khưu, các lời là thiện thuyết,
không phải ác thuyết, không có phạm tội và không bị những bậc Hiền trí
chỉ trích. Thế nào là năm? Nói đúng thời, nói đúng sự thật, nói lời nhu
hòa, nói lời đem đến lợi ích, nói với từ tâm".
1) Nói đúng thời: có khi một lời chân thật nhưng không được phát biểu
đúng lúc thì thành ra vô ích hoặc làm cho người khác bực mình. Người
thiện trí phải tế nhị để áp dụng lời nói của mình đúng chỗ, đúng lúc.
2) Nói đúng sự thật: bậc thiện tri thức nói một lời phải dựa trên sự thật, không ngụy biện, không lừa dối.
3) Nói lời nhu hoà: lời nói cần phải dịu dàng, lễ phép, tạo không khí hòa hợp.
4) Nói lời đem đến lợi ích: lời nói phải có mục đích và ý nghĩa của nó,
dù là lời chân thật nhưng không có mục đích đem lại lợi ích cho ai, thì
đó cũng chỉ là lời nói nhảm, vô dụng.
5) Nói lời với từ tâm: lời nói phải phát xuất từ tấm lòng thương yêu, cẩn trọng.
Trong kinh số 58, Trung Bộ, có ghi:
Vương tử Vô Úy hỏi Đức Phật rằng có thể nào lời nói của Ngài làm phật ý người khác hay không. Ngài trả lời:
Này Vương tử Vô Úy, lời nói nào Như Lai biết không như thật, không như
chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác
không ưa, không thích, Như Lai không nói lời nói ấy.
Lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, không tương ứng với mục
đích, và lời nói ấy khiến những người khác không ưa, không thích, Như
Lai không nói lời nói ấy.
Lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, tương ứng với mục đích,
và lời nói ấy khiến những người khác không ưa, không thích, ở đây, Như
Lai biết đúng thời mà giải thích lời nói ấy.
Lời nói nào Như Lai biết là không như thật, không như chân, không tương
ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác ưa thích, Như
Lại không nói lời nói ấy.
Lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, không tương ứng với mục
đích, và lời nói ấy khiến những người khác ưa và thích, Như Lai không
nói lời nói ấy.
Và lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, tương ứng với mục
đích, và lời nói ấy khiến những người khác ưa và thích, ở đây, Như Lai
biết đúng thời mà giải thích lời nói..
Kính bút