Pho tượng được tạc từ khối thiên thạch là Phật Di Lặc?
Theo các nhà khoa học của Viện Hành tinh học thuộc Đại học Stuttgart (Đức), pho tượng được tạc từ khối thiên thạch rơi xuống trái đất cách nay khoảng 10.000 năm đến 20.000 năm này gọi là Vaisravana hay Jambhala.
Thần Hộ Pháp
Tuy nhiên, Tiến sỹ khoa học Nguyễn Đức Tiến, bút danh Hoang Phong, tác giả/dịch giả của nhiều sách Phật giáo xuất bản gần đây ở Việt Nam, hiện sống ở Pháp, cho rằng pho tượng này không hội đủ các tiêu chuẩn cần thiết để xác định đấy là vị Vaisravana.
Vaisravana là tiếng Phạn, được dịch sang tiếng Hán là Đa Văn Thiên Vương, còn gọi là Bắc Phương Thiên Vương, là vị Hộ Pháp thứ nhất trong số Tứ Đại Thiên Vương, giữ vai trò trấn giữ phương Bắc.
Vaisravana cũng còn được gọi là Jambhala hay Kubera (hai chữ này đều là tiếng Phạn), tiếng Tây tạng là Namthöse, tiếng Nhật là Damon-ten, tiếng Hàn Quốc là Damun Choenwang, tiếng Thái là, Thao Kuwen).
(H.1- Vaisravana Tây Tạng (Namthöse): ngồi trên lưng của một con sư tử tuyết (thế kỷ XV, bảo tàng viện Guimet, Paris). H.2 - Vaisravana Trung Quốc (Đa Văn Thiên Vương / Duo Wen Tian Wang): tay phải cầm thương, tay trái cầm một bảo tháp. Các pho tượng thuộc vào loại này rất thường thấy ở các ngôi chùa Trung Quốc. H.3 - Vaisrarana Nhật Bản (Damon-ten): (chùa Todai-ji, thế kỷ thứ VIII). H.4 - Vaisravana Hàn Quốc (Damun Cheonwang): (chùa Pyochungsa, gần thị trấn Miryang). |
Khái niệm về Tứ Đại Thiên Vương khá phổ biến tại các quốc gia trên đây. Người Trung Quốc tạc tượng vị Vaisravana dưới hình tướng của một thần linh thật oai phong, mặc áo giáo, tay phải cầm một cây thương hay đinh ba, tay trái cầm một bảo tháp nhỏ tượng trưng cho trọng trách bảo vệ Phật Pháp.
"Tại các nước khác vị này được biểu trưng với một vài nét thay đổi nhỏ, thế nhưng tuyệt nhiên không có một vị nào giống với pho tượng tạc bằng thiên thạch vừa được khám phá ở Đức", Tiến sỹ Nguyễn Đức Tiến nhấn mạnh.
Là tượng Phật Di Lặc
Theo Tiến sỹ Nguyễn Đức Tiến, chi tiết nổi bật nhất của pho tượng là đôi chân không tréo vào nhau trong tư thế ngồi thiền mà lại có vẻ như buông lơi: một chân gập lại và một chân buông thõng.
Tiếng Phạn gọi tư thế này là bhadrasana, một tư thế sẵn sàng để đứng lên. Đấy là cách biểu trưng rất độc đáo cho Phật Di Lặc. Đôi khi các pho tượng Di Lặc cũng được trình bày ngồi trên ghế hay trên bục với hai chân buông thẳng và các học giả Tây Phương thì thường gọi đấy là "cách ngồi của người Tây Phương" trên một chiếc ghế.
Phật Di Lặc là vị Phật tương lai luôn được tạc trong tư thế ngồi chờ với hai chân sẵn sàng đứng lên để cứu độ chúng sinh. Có rất ít các pho tượng Di Lặc được tạc trong tư thế đứng thẳng, chỉ có một vài pho tượng được tìm thấy trong vùng Gandhara (thế kỷ thứ II và III) thuộc Pakistan ngày nay, hoặc một số nhỏ các pho tượng Di Lặc Thái Lan là được tạc trong tư thế đứng thẳng.
(Các hình tượng Phật Di Lặc đều được tạc ngồi trên ghế hay trên bục với đôi chân buông thõng, hoặc một chân co một chân duỗi trong tư thế sẵn sàng đứng lên. Xin lưu ý là Phật Di Lặc Trung Quốc trong các thời cận đại đã bị biến dạng và trở thành khá giống với một ông Thần Tài, xin xem hình 6 và 7. H.1- Phật Di Lặc Sarnath - Ấn Độ, thế kỷ thứ V; H.3- Phật Di Lặc Hàn Quốc; H.6- Phật Di Lặc Trung Quốc, hang Vân Cương, thế kỷ thứ V-VI; H.7- Phật Di Lặc tạc trong vách núi ở Feilai Feng, Hàng Châu) |
Để củng cố cho sự xác định của mình, TS Nguyễn Đức Tiến lý giải thêm rằng vầng hào quang trên đầu và chữ Vạn trên ngực chỉ được sử dụng để biểu trưng cho các vị Phật và các vị Bồ-tát đắc đạo và không bao giờ được dùng để chỉ định các vị thần linh.
Bàn tay phải của pho tượng được tạc để ngửa, đấy là cách biểu trưng cho sự bố thí và lòng từ bi, bàn tay trái thì cầm một cái bình đựng nước "cam lồ" dùng để cứu độ chúng sinh.
"Hai trọng trách này không thuộc vào bổn phận của các vị thần linh như Tứ Đại Thiên Vương. Do đó, pho tượng bằng thiên thạch của Tây Tạng tạc vào thế kỷ XI là một pho tượng Di Lặc", TS Nguyễn Đức Tiến khẳng định.
Thái Anh (theo kienthuc)