Quan Điểm Của Phật Giáo Về Vấn Đề Xem Tử Vi- Bói Toán
Khoa tâm lý học ngày nay cho hay, những người cầu xin coi bói
toán, tử vi, và tướng số, thường là những người có "problem" hoặc là
về gia đạo, hay công danh sự nghiệp không như ý, hay cũng có thể đang lo
toan một điều gì không rõ nét. Họ cũng là những người thường có tâm mong cầu và
tâm sợ hãi, cùng là thiếu niềm tin nơi chính mình và không có định hướng cho
đời sống.
Do những đặc tính trên mà những người thích coi bói toán lại là
những người hay mê tín dị đoan, thường tin vào các đấng thần linh, tin vào một
định mệnh hay số mệnh đã an bài, và nếu là một Phật tử thì họ xem ông Phật như
một vị thần linh tối cao có thể ban vui giáng họa.
Đạo Phật là đạo Giác, hay là con đường tới Giác Ngộ. Phật là người
đã giác ngộ, là thầy dẫn đường cho chúng ta tới giác ngộ. Ngài không phải là
một vị thần linh tối cao, hay một đấng thượng đế toàn năng, sáng tạo và
bất diệt. Ngài không ban phát ân huệ hay trừng phạt chúng sinh. Ngài có thể cứu
giúp chúng sinh bằng cách chỉ dạy cho chúng sinh phương pháp tu hành để chuyển
hóa nghiệp lực, thoát khỏi những khổ đau và đạt được niềm vui an lạc. Đức Phật,
tuy bản thân Ngài đã giải thoát hoàn toàn khổ đau và đạt được niềm vui an lạc
vĩnh cửu, nhưng Ngài không thể tu thay hóa ban phép cho chúng sinh thoát mọi
khổ đau và đạt được niềm vui an lạc.
Ngài dạy rằng tất cả mọi người phải gánh chịu trách nhiệm đối với
bản thân mình, chịu trách nhiệm về các việc làm thiện cũng như không thiện của
chính mình. Mỗi người có thể tự tạo số phận cho riêng mình trong hiện tại và
tương lai.
Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật nói: "những hành vi tạo
lỗi này do chính bạn làm, không phải do nơi cha mẹ, bè bạn, hay người
thân quyến thuộc, cho nên chính bạn phải gặt hái kết quả đau khổ." [165]
Những khổ đau và nỗi bất hạnh của ta gánh chịu, chính là do ta tạo
ra trong đời này hoặc những kiếp quá khứ, chứ không phải do truyền kiếp
huyết thống của tổ tiên, không phải cái mà người Việt bình dân chúng ta thường
gọi "cha ăn mặn con khát nước". Với Phật Giáo, con người không
phải do một đấng nào đó tạo ra, có thể bị sai sử, bị thưởng phạt, cho sống hay
cho chết. Người Phật giáo không tin vào cái gọi là "định mệnh" an
bài.
Phật giáo cho rằng, sự vận hành biến hóa của vũ trụ và sự lưu
chuyển của sinh mạng, là do nghiệp lực của chúng sinh tạo nên. Nghiệp lực chính
là những việc làm thiện hay không thiện của chúng sinh, chúng luân chuyển một
cách liên tục không ngừng, huân tập trong tâm thức của chúng sinh, chúng là chủ
thể của sinh mạng rồi từ trong tâm thức, theo những điều kiện nhân duyên bên
ngoài mà hiện hành bộc lộ, như hạt giống gieo xuống đất, nhờ có các yếu tố bên
ngoài là ánh sáng mặt trời, không khí, và nước tưới mà sinh trưởng. Sách Phật
gọi là hiện hành của nghiệp, tức là kết quả của một quá trình tạo tác qua thân
khẩu và ý nghiệp. Tiến trình nhân và quả không do một nhân vật siêu thường toàn
năng toàn trí nào điều khiển và định đoạt mà do hành động và phản hành động
của chúng ta. Đó là một định luật tự nhiên. Chúng ta trách nhiệm về những
hành động chúng ta làm, thì chúng ta cũng phải gánh trách nhiệm về hậu quả của
những hành động ấy.
Như thế thì tử vi bói toán đâu có ích lợi gì! Điều cần thiết là
làm lành, lánh ác, thì nhân xấu ác sẽ tàn lụi, nhân lành sẽ nẩy nở xum xuê. Cho
nên nhà Phật có câu:
Khi trước gây nhân hiền, ác
Bây giờ đang lãnh thọ đây
Muốn biết tương lai sướng
khổ
Cứ xem hành động lúc này.
Như vậy, người Phật tử phải hiểu rằng, không có một định mệnh đặt
sẵn, không có một vị thần thánh thượng đế nào trên mình và ngoài mình mà có thể
an bài cho mình được khổ vui, được cơm no áo ấm, được thăng quan tiến chức,
được sống hay phải chết. Người Phật tử phải có niềm tin vững chắc nơi chính
mình, phải hiểu rằng chính mình là kẻ tạo ra "số mệnh" của mình, là
chủ thể sinh mạng của mình; phải hiểu rằng tất cả trách nhiệm trong kiếp sống
hiện tại cũng như tương lai hoàn toàn tùy thuộc vào chính mình.
Theo truyện cổ Phật Giáo, có một vị Thiền sư đã đắc đạo, nhìn thấy
chú đệ tử trẻ của mình thọ mạng chỉ còn ba ngày nên cho phép về thăm mẹ. Sau ba
ngày chú trở lại tu viện như không có điều gì xảy ra. Vị Thiền sư thắc mắc sao
chú tiểu tới số mà chưa chết, nên hỏi chú ấy trên đường đi có gì xảy ra không
thì chú tiểu cho biết trên đường trở về thăm mẹ, chú thấy một tổ kiến cả ngàn
con sắp bị nước làm ngập, chú bèn cứu tổ kiến khỏi chết. Vị Thiền sư gật gù
nghĩ thầm: "à ra thế, đúng như sách Phật dạy, không sát sanh và phóng sanh
đem lại kết quả là thân thường không bệnh và mạng sống dài lâu. Chú tiểu này
cứu giúp đàn kiến khỏi chết lụt mà kéo dài được thọ mạng".
Do câu chuyện trên, chúng ta thấy rằng không có một cái gì là cố
định, không có một cái gì là định pháp hay định mệnh, tâm thức chúng ta biến
chuyển từng sát na và do đó nghiệp thức lẫn nghiệp quả cũng thay đổi từng sát
na. Nếu mấy ông thầy bói toán tử vi tướng số nói những gì xảy ra trong tương
lai mà chúng ta tin, tức là chúng ta tin rằng muôn sự muộn việc là thường chứ
không phải là vô thường và là định pháp chứ không phải là bất định pháp, tức là
chúng ta mù quáng mà phủ nhận định luật nhân quả và giáo pháp vô thường của
Phật dạy.
Là người Phật giáo, điều kiện thiết yếu và căn bản là chúng ta
phải tin sâu nhân quả, Đức Phật dạy rằng mỗi người chúng ta đều có một biệt
nghiệp, tức là bất cứ cái gì xảy ra cho chúng ta, bằng cách này hay bằng cách
khác, đều do chính chúng ta tạo ra, trực tiếp hay gián tiếp, cũng như bằng cấp
được ghi tên của mình, thì không sang nhượng được.
Như vậy, tình trạng hiện tại của chúng ta, có làm sao chăng nữa,
có tốt hay xấu, có sướng hay khổ cũng là do chúng ta đã tạo ra, và dù thích hay
không thích, chúng ta cũng phải chấp nhận nó là như vậy. Trong mọi trường hợp,
chúng ta không thể đổ lỗi cho ai, oán trách hay ca ngợi ai, chúng ta phải can
đảm mà chấp nhận, phải hoàn toàn chịu trách nhiệm kết quả do chính chúng ta tạo
ra. Việc chấp nhận ở đây không có nghĩa là tự mãn hay cam chịu với cái gọi là
"Số Mệnh" an bài, bởi vì chúng ta có quyền tự do làm thay đổi và khắc
phục những sự việc hay kết quả mà chúng ta không ưa thích. Như chúng ta thi
rớt, chúng ta phải cố gắng luyện thi lại, thế nào cũng đạt được. Ví dụ như
trồng cam, gặp trời không mưa, chúng ta làm mưa, gặp trời lạnh rét, chúng
ta sưởi ấm như chúng ta đã thấy nhà nông ở bang Florida đặt hệ thống sưởi ấm
tại các vườn cam vào mùa lạnh năm nào. Chúng ta làm chủ tạo nhân, chính chúng
ta làm chủ thọ quả, còn cầu xin cái gì, cần hỏi han ai nữa. Chỉ cần sáng suốt
khi tạo nhân, chịu khó chăm sóc tốt cho nhân tăng trưởng, thì quả chín ngon
ngọt sẽ đến tay chúng ta một cách dễ dàng. Đó là lý nhân quả, nếu chúng ta tin
sâu và tin chắc lý này, chắc chắn sẽ không còn mê tín mà đi coi bói toán tử vi
hay đi xin xăm cầu đảo.
Tóm lại, việc coi tử vi bói toán, cũng như việc xin xăm cầu đảo,
là một thứ mê tín, nó tạo nên những con người yếu hèn, không sáng suốt và mất
tự tin nơi chính mình. Nó cũng đi ngược lại với qui luật nhân quả của thế giới
hiện tượng, một qui luật mà đạo Phật coi như là căn bản để chuyển hóa nghiệp
lực của dòng sinh mệnh.
Chúng ta là Phật tử, đang kế thừa chánh pháp giác ngộ của Đức Thế
Tôn mà nuôi dưỡng và chấp nhận mê tín được sao? Hãy phá bỏ mê tín, hãy tin nơi
chính mình, hãy tin sâu và tin chắc lý nhân quả, hãy khuyên lấy mình và
bạn bè xung quanh hằng luôn "chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành và tự
tịnh kỳ ý". Một phút giây tâm được tịnh là ngưng tạo bao nhiêu nghiệp,
ngưng gieo bao nhiêu nhân và xa bao nhiêu dặm khổ ải!
Tâm Diệu