SỨ MỆNH NGƯỜI PHẬT TỬ ĐỐI VỚI DÂN TỘC VÀ ĐẠO PHÁP
Với đề tài Sứ Mệnh Của Người Phật Tử Đối Với Dân Tộc Và Đạo Pháp mà tôi trình bày hôm nay, thật ra không phải là một đề tài mới mẻ xa lạ, đề tài này đã có nhiều người nói, và chính các bạn nếu thiết tha với vận mệnh tổ quốc và đạo pháp, thì ít nữa, đã hơn một lần, chúng ta suy nghĩ tới và chính chúng ta đã góp sức và chịu những hy sinh để thể hiện ý nghĩa cao cả đó.
Nhưng, xuyên qua những sinh hoạt và những cuộc vận động cam go của chúng ta, của Phật giáo trong những ngày trước đây, ít nhiều đã đòi hỏi tâm thức chúng ta phải làm một cuộc duyệt xét toàn bộ bản chất chung của đạo Phật của dân tộc, của chính chúng ta và của giáo hội để phát hiện lấy một thế cách và tiêu chuẩn tương đối đúng hơn, thích hợp với nhu cầu thực tại của dân tộc và chiều hướng đi tới của lịch sử, để chúng ta đóng góp trong tinh thần vô ngã, vô úy của truyền thống Phật giáo đối với Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.
Trước những đòi hỏi cấp bách của tình thế đất nước, do tinh thần phụng sự dân tộc và đạo pháp quá nhiệt thành của toàn thể Phật tử Việt Nam, giáo hội chúng ta đã phải đứng ra làm một cuộc vận động lịch sử dân tộc hết sức quyết liệt, có nhiều kháng lực nguy hiểm.
Trong khi đó những nhà lãnh đạo giáo hội cũng hiểu rằng, với sự chưa kịp chuẩn bị thật chu toàn tiềm lực Phật tử, giáo hội sẽ gặp nhiều thất bại hơn là thành công. Tuy nhiên, đấy cũng là một kinh nghiệm thật quý giá cho những người quyết tâm phụng sự dân tộc và thể hiện đạo pháp, và đấy cũng là một gạn lọc lịch sử để chúng ta phát hiện được khả năng phục vụ của chúng ta và những người cùng lý tưởng với chúng ta, đồng thời tìm đúng thế cách mà giáo hội phải cung ứng đối với nhu cầu dân tộc.
Bởi đó những người của hôm nay và ngày mai đang và sẽ phải nắm một vai trò hết sức trọng đại của dân tộc và đạo pháp hãy nên tỉnh trí quyết nhẫn vượt thoát những mặc cảm tự tôn đối với những thành công, hoặc mặc cảm tự ty đối với những thất bại nhất thời của chúng ta, của giáo hội, để chuẩn bị thật đầy đủ hành trang cần thiết, đi lên xây dựng cuộc sống và lịch sử dân tộc, bằng tinh thần của người Phật tử đã thấm nhuần đạo pháp từ bi, trí tuệ, dũng cảm.
Đạo pháp chỉ có giá trị thực, khi những người Phật tử nhận chân được đạo để thể hiện đạo tính ra bằng cuộc sống của mình.
Chừng nào chúng ta thể chứng được đạo pháp ngay trong ta để thể hiện ra cuộc sống của ta và cuộc sống chung của chúng ta, thì đương nhiên chúng ta đã làm cho đạo sống động tiến hóa không ngừng rồi vậy.
Cũng chính do tinh thần đó, tinh thần căn bản của đạo Phật đó, mà tiền nhân chúng ta đã phục vụ dân tộc một cách hiệu nghiệm, đồng thời làm cho đạo Phật sống động trường cửu giữa lòng dân tộc ta, dù cho giữa những thời được gọi là thịnh hoặc suy của Phật giáo.
Hai chữ thịnh và suy chỉ được coi là hình thái của giáo hội mà thôi. Đích thực, tinh thần Phật giáo không bao giờ suy giảm ở trong tâm tư và dòng sống của dân tộc Việt Nam, kể từ ngày Việt Nam đón nhận đạo Phật.
Câu nói có thể là vu khoát, nhưng cũng rất thật, dù cho những người không phải là Phật tử, không nhận là người theo đạo Phật, mà sống đúng với truyền thống dân tộc Việt Nam thì ít nhiều trong họ cũng tàng chứa phần nào giáo pháp của đạo Phật rồi. Truyền thống dân tộc này là tinh thần bao dung, vô ngã, không chấp trước, không thiên kiến, không chật hẹp; luôn luôn mở rộng để đón nhận, gạn lọc những chất liệu tốt đẹp bất cứ từ đâu đến để chuyển hóa dân tộc. Đó cũng là đặc tính đích thực của đạo Phật. Cũng bắt nguồn từ khởi điểm ấy, mà chúng ta có thể nói là truyền thống của dân tộc và đạo pháp chỉ là một thể duy nhất, phối hợp hòa điệu duy nhất cũng vậy.
Nói như thế, lại cũng không có nghĩa là chúng ta, những người nhận mình là con Phật đã có được tinh thần truyền thống tốt đẹp cả đâu.
Chúng ta đã học đạo, chúng ta đã hiểu thế nào là phá chấp, điều căn bản của sự giải thoát, nhưng thực tế khó lắm, thân nghiệp chúng ta vốn nặng nề, tôi và các bạn chắc hẳn cũng còn nhiều điều chấp giữ hoặc hữu ý, hoặc vô ý, nếu không thì cũng do tha nhân phân loại chúng ta. Chúng ta đang sống trong cõi sống phân loại, hiển nhiên chúng ta không thể thoát được thông lệ muốn phân loại, hoặc bị phân loại. Chúng ta phải chấp nhận sự thực bi đát đó.
Chúng ta vẫn là những Phật tử, giáo hội chúng ta vẫn là một giáo hội khác với các giáo hội của tôn giáo khác. Và trước lối nhìn của những người không phải là đạo Phật, Phật giáo vẫn là một thực thể khác với thực thể dân tộc này. Chúng ta không chối cãi điều đó.
Nhưng điều quan trọng đối với người Phật tử chân chính là sự cố gắng thể hiện đức vô ngã bao dung ra ngay trong cảnh giới và cuộc sống của mình. Với ý hướng và nỗ lực đó, không sớm thì muộn, chúng ta cũng vượt thoát được những chấp trước tự thân để tự giải thoát và phục vụ dân tộc một cách hiệu nghiệm như tiền nhân ta đã từng làm đối với dân tộc. Như ta đã thấy, con người có thể không hiểu gì về Phật giáo mà vẫn sống theo tinh thần đạo Phật một cách chân thành. Đó là đại nguyện của chư Phật, và đó cũng là đại nguyện của những người đi theo con đường Phật.
Khi chúng ta đã tỉnh trí quyết tâm như trên, chúng ta có thể vui vẻ sống giữa cuộc sống phân loại khổ đau này, với những gì chúng ta đang có trong ta, đang bị tha nhân quy định chúng ta, sống trong sự phát triển của giáo hội chúng ta, sống trong nỗ lực đi tới của dân tộc giữa trào lưu thế giới mở rộng, để thể hiện đặc tính của đạo pháp. Vì một điều dễ hiểu là mỗi người chúng ta, tập thể chúng ta, các tập thể khác, dân tộc của chúng ta, các dân tộc khác đều sống trong tinh thần bao dung và nỗ lực vận động lịch sử tiến đến tốt đẹp, thì chung cuộc tất cả sẽ gặp nhau trong sứ mệnh với một hòa điệu nhiệm mầu của lẽ sống. Chúng ta chỉ có thể tìm nổi một nền hòa bình, một cuộc sống tiến bộ đích thực trong chiều hướng đó.
Vậy, nói đến việc chuẩn bị đầy đủ hành trang để lên đường phục vụ của mỗi người, của giáo hội đối với dân tộc và nhân loại, trong một môi trường sinh hoạt cộng đồng, theo tinh thần Phật giáo, hiển nhiên chúng ta không làm công việc xây dựng tư thế cho cá nhân chúng ta hay một cá nhân nào đó, hoặc cho riêng tôn giáo chúng ta, mà chúng ta phải xem cá nhân chúng ta như một thực thể phải có, bỏ đi cũng không được,và tập thể chúng ta như một môi trường kết hợp những người cùng chung một ý hướng, để tạo cơ duyên mạnh mẽ cho công trình phục vụ xứ sở và đồng bào. Khi bản thân đã trên đà tiến hóa tốt đẹp theo tiêu chuẩn của đạo pháp, giáo hội là một tập thể kết hợp bởi những người thấm nhuần đạo lý đó, thì thật sự đã tạo nổi một sức đi lên vĩ đại cho dân tộc rồi vậy.
Ở đây, hôm nay, tôi không muốn làm công việc mời các bạn duyệt xét lại chính bản thân mình và những giáo lý căn bản của đạo Phật, để xem đạo Phật có thích hợp với tâm tư con người thời đại hay không, vì rằng, tôi và các bạn đã là tăng, tín đồ Phật giáo, đang sống trong một tập thể mang nhiều ý nghĩa tri thức của giáo hội, tối thiểu chúng ta đã nhiều lần tự tìm chính chúng ta và tìm hiểu đạo của chúng ta theo. Bởi đấy, trên một căn bản nào đó,chúng ta đã thấy được rằng, trên con đường giác ngộ giải thoát mà chúng ta chung bước và chúng ta thấy rằng chúng ta có thể vững tâm đi trên con đường đó.
Điều cần nói ở đây là, chúng ta phải ứng dụng phương cách nào để chuyển hiện đạo Phật của chúng ta vào cuộc sống hiện đại của dân tộc, một cuộc sống vô cùng phức tạp, không những đối riêng với những người dấn thân phục vụ mà còn đối chung cả với dân tộc quá nhiều bất hạnh khổ đau này. Phải nhìn một sự thật, dù hết sức phũ phàng, là dân chúng hiện nay đã đau khổ, đã bị lường gạt quá nhiều rồi, bởi đó những công trình dù mang một nội dung và ý nghĩa tốt đẹp tới mấy, cũng không thể một lúc mà có thể thuyết phục nổi dân chúng Việt Nam đầy chán chường và hoài nghi này được.
Phải kể rằng: phong trào vận động của Phật giáo Việt Nam là một dấu hiệu của sự bừng lên mãnh liệt của dân tộc mấy trăm năm bị dồn nén. Có thể nói được đấy là một thành công vĩ đại nhất của dân tộc và của Phật giáo, thành công không phải là ở chỗ lật đổ một chế độ, mà thành công ở chỗ những ngọn lửa vô úy, vô ngã của Phật giáo và dân tộc đã có sức mạnh mầu nhiệm làm rung động đến tận cùng tâm thức toàn thể nhân loại. Nhân loại dù đang sinh sống trong một thời đại mà giá trị vật chất hầu như tràn lấn giá trị tinh thần, thì cũng bàng hoàng sực tỉnh trước sức mạnh vô biên của tinh thần Phật giáo và Việt Nam. Kể từ đó giá trị tinh thần đích thực của nhân loại được biểu lộ một cách vẻ vang.
Như trên tôi đã trình bày, vì chúng ta chưa kịp chuẩn bị chu đáo cho một cuộc chuyển hóa toàn diện vận mệnh dân tộc và nhân loại, nên chúng ta đã bị các thế lực vô minh hoặc vì không hiểu gì về bản chất cố hữu của đạo Phật, nhất là đạo Phật Việt Nam, đã coi chúng ta như một lực lượng có thể làm phương hại đến quyền lợi của họ. Bởi đấy những âm mưu hết đợt này đến đợt khác được giăng ra để quyết liệt "triệt hạ" Phật giáo Việt Nam, cộng với những yếu tố khách quan đó, chúng ta lại cũng còn nhiều sơ hở do nơi phong trào bị bức bách phát khởi đột ngột, hàng ngũ giáo hội chưa được đãi lọc và tổ chức chu đáo cần thiết, nên dễ dẫn tới tình trạng phân hóa, phát sinh vì những quan niệm đối nghịch về sự ứng thân vào thời đại của giáo hội.
Thật tình chúng ta đã thành công về cả mặt thực tế, nhưng thành công với cả một sự bỡ ngỡ, bỡ ngỡ đến độ mang nặng tính cách thỏa mãn, đôi khi tạo ra những ngộ nhận với dân chúng, để cho người dân không cùng tôn giáo có thể ngờ rằng một sớm một chiều đạo Phật sẽ tiến lên chiếm ngôi vị quốc giáo.
Sự thật thì đạo Phật Việt Nam không hề có những mưu đồ về quyền lực, dù chỉ là quyền lực tôn giáo. Đạo Phật Việt Nam trong thời thịnh cũng như lúc suy về mặt nổi vẫn là một đạo Phật nhịn nhục phục vụ cho nhân thế, giúp nhân thế chuyển hóa nghiệp lực để cùng sống một cuộc sống giải thoát. Sự tồn tại của Phật giáo trong trường kỳ lịch sử Việt Nam đã là một chứng minh hùng hồn cho tinh thần phụng sự vô úy, vô chấp của người Phật tử chân chính. Thịnh thời đối với Phật giáo cũng không phải là một điều kiêu hãnh, suy vi đối với Phật giáo cũng không phải là một lo âu. Điều đáng lo của Phật giáo trước sau vẫn chỉ là: lo không làm sáng được Phật tính trong chính mỗi người và cuộc sống chung quanh mà thôi. Không có một thế lực nào, dù mạnh tới đâu, cũng có thể tiêu diệt nổi đạo Phật. Chỉ trừ khi chính tư tưởng của đạo Phật bị tư tưởng của chúng sinh vượt bỏ. Mà điều này các bạn có thể tin chắc rằng: Tư tưởng đạo Phật không bao giờ bị vượt bỏ. Tư tưởng đạo Phật có tính cách toàn diện, đa ứng.
Phật giáo đã ứng dụng được ở những thời mà tư tưởng con người còn mang nặng đầu óc đa thần. Phật giáo cũng đã thích ứng với thời đại độc thần. Và dù hiện nay tư tưởng duy thần không còn đất đứng trong nhân thế nữa thì Phật giáo vẫn tồn tại một cách vẻ vang.
Vì, đạo Phật là đạo của Con Người Giác Ngộ. Còn con người là còn đạo Phật. Con người còn khổ đau, phương pháp giải thoát của đạo Phật lại cần viện cầu tới. Cho đến khi nào chúng sinh hoàn toàn giác ngộ và giải thoát, thì chừng đó đạo Phật hết sứ mệnh đối với nhân thế. Trước sau gì thì đạo Phật vẫn chỉ là chiếc bè đưa chúng sinh qua sông đau khổ. Đại nguyện của chư Phật là sớm thấy được chúng sinh quẳng chiếc bè ở bờ giải thoát. Ngày ấy đối với thế giới chúng ta là ngày nào? Khó mà biết được. Bởi đấy đạo Phật vẫn còn công dụng là một chiếc bè, từng kiếp từng kiếp, từng thời từng thời, đưa người vượt qua bể khổ, bến mê.
Nói riêng về dân tộc Việt Nam thì đạo Phật đã thể nhập vào dòng sống của dân tộc này không thể tách rời ra được nữa. Phật giáo đã đến với dân tộc Việt Nam trong tư thế của một người bạn để cùng dân tộc Việt Nam chung chịu mọi bất hạnh của một nước nhiều lần bị lệ thuộc, và chung vinh quang mỗi khi dân tộc quật cường. Người bạn chí thiết lâu đời đó đã không còn là hai như thuở ban đầu nữa, mà trở nên một thể duy nhất. Dù có muốn tách biệt cũng không còn biết đầu mối ở đâu mà tách biệt, đừng nói tới những khách bàng quan muốn dùng thủ thuật nhất thời để tách Phật giáo ra khỏi dân tộc này. Việt Nam còn, Phật giáo còn. Phật giáo còn, dân tộc còn. Nói như vậy không có nghĩa: Phật giáo là loại tầm gửi của cây cổ thụ Việt Nam. Vì rằng, chính Phật giáo là chất liệu cho cây Việt Nam trường thọ xanh tươi. Quả vậy, một dân tộc không thể bị biến mất bằng những cuộc thống trị chính trị, quân sự, kinh tế, một dân tộc chỉ có thể đồng hóa và biến mất đặc tính, khi bị văn hóa của các nước lớn khống chế, mà không có vũ khí văn hóa để vừa chống trả vừa thâu thái để vun đắp cho lâu đài văn hóa cho dân tộc mình.
Phật giáo đối với dân tộc Việt Nam được coi như một thứ vũ khí tinh thần hiệu nghiệm nhất để vừa đối kháng với nền văn hóa vĩ đại Trung Hoa, vừa thâu thái những tinh hoa của nền văn hóa đó, rồi dung hòa cả hai nền văn hóa Ấn Độ - Trung Hoa với tinh thần phải chăng của dân tộc, làm thành một nền văn hóa Việt Nam sống động trong tâm tư mỗi người và trong cuộc sống dân tộc.
* Về Mặt Cách Mạng, đích thực dưới những thời bị Bắc thuộc xa xưa, đạo Phật đã là chất men của cách mạng: đạo Phật đã khích lệ mạnh mẽ tinh thần tự chủ của con người và, do đó, đưa đến sự đòi hỏi một nền văn hóa đã có cá tính khác biệt với nền văn hóa của đế quốc, thì công việc đấu tranh giành tự chủ chỉ là công việc của thời gian mà thôi. Đạo Phật đã tạo ra những nơi qui tụ cho các chiến sĩ của dân tộc. Đạo Phật đã tạo ra những tập thể tín đồ phụng sự cho đại nghĩa dân tộc. Dân tộc Việt Nam không một e ngại nào đối với đạo Phật, vì, đạo Phật xuất phát từ một nước không bao giờ có thể trở thành đế quốc đối với Việt Nam. Đạo Phật lại cũng không phải là một thức đế quốc tư tưởng, vì đạo Phật không hề có giáo quyền quốc tế trung ương. Đạo Phật chỉ là đạo của Con Người Giác Ngộ và hết mình phục vụ cho xứ sở mà đạo Phật đang có mặt. Chính vì vậy mà trước kia, trong lịch sử, đạo Phật đã cùng với dân tộc Việt Nam phấn đấu cho một nền tự chủ vẻ vang của dân tộc. Và, trong hiện tại, đạo Phật đã hơn một lần thể chứng điều đó một cách cụ thể.
Bản chất của đạo Phật là bản chất của một đạo cách mạng toàn triệt. Cách mạng trên ý nghĩa đúng và toàn thiện. Vì rằng cuộc cách mạng đó đã bắt đầu trong sứ mệnh thường xuyên chuyển biệt nghiệp của cá nhân và bằng mọi nỗ lực chuyển cộng nghiệp của tập thể. Đạo Phật là đạo của cách mạng, một cuộc cách mạng rốt ráo, liên tục, trường kỳ. Những người theo đạo Phật đúng đắn, đương nhiên đã tự đặt mình trong một cuộc cách mạng lớn lao rồi vậy. Chữ cách mạng chúng ta dùng ở đây là một danh từ thật chính xác, không mang một mưu đồ xảo trá nào. Vì, nếu đã hiểu đạo Phật một cách thật đến nơi đến chốn, thì chúng ta sẽ phát hiện được tính chất cách mạng chân chính của đạo Phật. Cách mạng bản thân để tiến lên cách mạng xã hội. Một cuộc cách mạng xã hội dù được trang bị với bất cứ lý thuyết và danh từ tốt đẹp nào, cũng sẽ bị thoái hóa; nếu bản thân những người làm cách mạng và những ngươi tham dự cách mạng không triệt để cách mạng chính mình.
Về bản thân cách mạng, đạo Phật đã nói lên thật đầy đủ và trọn vẹn, tất cả kinh điển đạo Phật và sự tu dưỡng theo đạo Phật là một công trình nhằm hướng con người tới một cuộc tự cách mạng để giải thoát ra khỏi những mê lầm chấp giữ. Một con người khi phá bỏ được sự chấp hữu cá nhân, không còn tự kiêu, thiên kiến, không còn tham chấp vật dục, lòng rộng mênh mông, trí sáng trong lành, và lại quyết tâm phụng sự nhân thế thì thử hỏi còn gì tốt đẹp cho bằng.
Một cuộc cách mạng do những người như vậy thể hiện mới thực là một cuộc cách mạng chân chính, không mang một âm mưu đen tối nào hết.
* Về Mặt Chính Trị, khi chúng ta đã đặt mình trong một cuộc sống tập thể tôn giáo, tập thể xã hội hay quốc gia, đương nhiên chúng ta đã phải tham dự vào đời sống chính trị rồi. Đạo Phật không xa lánh cuộc đời. Vì đạo Phật, ngoài phần tự giải thoát bản thân, còn phải giải thoát cho nhân thế, cho chúng sinh nữa. Thế nên đạo Phật không phải là một tôn giáo yếm thế. Đạo Phật luôn luôn nhập cuộc để tham dự những chuyển đổi xã hội. Đạo Phật không làm chính trị với những âm mưu thủ đoạn, theo quan niệm thế tục của những người chỉ biết lợi dụng con đường chính trị để mưu tìm địa vị quyền lợi.
Đạo Phật làm chính trị như một cuộc vận động giải thoát xã hội khỏi cảnh tối tăm bức chế. Đạo Phật không đòi địa vị trong chính quyền, cũng không chủ trương đem tôn giáo mình lên hàng quốc giáo, để đàn áp các tôn giáo khác, các tư tưởng, ý hệ không đồng quan điểm. Nếu bất đắc dĩ như dưới thời nhà Lý, đạo Phật được vua, quan và dân chúng tôn lên địa vị quốc giáo thì như đã thấy, văn miếu thờ các vị thánh Nho và điện thờ tiên Lão cũng được dựng lên tại kinh đô và khắp các làng xã. Đạo Phật không có chủ trương hẹp hòi chia rẽ tôn giáo và nhất là không mang tính cách tiêu diệt tôn giáo. Đạo Phật là đạo từ bi, trí tuệ, bao dung, luôn luôn chủ trương tự do tín ngưỡng, tự do phát triển các ngành: nghệ thuật, học thuật và kỹ thuật.
Chính vì chưa hiểu được bản chất của đạo Phật, nhất là đạo Phật Việt Nam, nên những người theo đạo Phật một cách hời hợt, và những người đứng ngoài Phật giáo, thường có những ngộ nhận về hành vi được coi như chính trị đầy bí hiểm thời đại, cho là Phật giáo muốn khuynh loát chính quyền, muốn mưu đoạt chính quyền, muốn có lợi lộc khi nắm được những ưu thế chính trị. Điều đó hoàn toàn không đúng. Đạo Phật, trước sau chỉ có một đại nguyện, là làm tốt đẹp thêm cho nhân thế mà thôi. Sự chống đối của đạo Phật, nếu có, là sự chống đối minh bạch đối với những âm mưu chính trị đen tối, muốn làm sa đọa dân tộc này nói riêng, và thế giới nói chung. Đạo Phật không chấp nhận bất cứ sự bất công nào đối với con người. Đạo Phật lại càng không chấp nhận một chế độ độc tài hoặc phi nhân làm mất quyền tự chủ của con người và dân tộc. Những âm mưu nô lệ hóa con người và dân tộc đều chẳng những không được Phật giáo hỗ trợ mà, ngược lại, còn bị Phật giáo quyết liệt đối kháng, cho tới khi nào các chế độ như vậy phải tự chuyển đổi đường lối chính sách, lấy con người làm cứu cánh cho chính trị vì không thể áp dụng một đường lối chính trị không phù hợp với bản tính con người. Con người là cứu cánh của chính trị - nói theo nghĩa hẹp - Đó là tiêu chuẩn chính trị của Phật giáo. Ngược lại đường lối ấy, dù người Phật tử cầm chính quyền hay bất cứ nhân vật nào, cũng bị Phật giáo chối bỏ. Làm đúng tiêu chuẩn của người Phật giáo thì Phật giáo tích cực xả thân để hỗ trợ, dù người cầm quyền thuộc bất cứ tôn giáo nào cũng vậy. Nói là tiêu chuẩn của người Phật giáo cho dễ hiểu mà thôi, vì thật ra ở bất cứ nơi đâu, ở bất cứ thời đại nào, con người cũng khát vọng tiêu chuẩn chính trị như đã nói. Vậy, đừng lo về tư kiến của Phật giáo, vì Phật giáo không có tư kiến.
Hãy lo đáp ứng nguyện vọng chân chính của con người và dân tộc, thì đương nhiên được sự hậu thuẫn của Phật giáo. Đạo Phật là một đạo mang đặc tính văn hóa và cách mạng, đạo Phật có sinh hoạt chính trị là sinh hoạt trên căn bản đó. Sinh hoạt văn hóa của đạo Phật không chỉ thu gọn trong lĩnh vực truyền bá giáo lý bằng phương tiện sách báo và giảng giải. Phật giáo là một nguồn văn hóa sinh động, trực tiếp đi vào cuộc sống con người, để con người tự thân chuyển hóa và khai triển những đặc phẩm văn hóa từng chứa trong chính mình, rồi biểu hiện ngay trong cuộc sống qua những công trình sáng tác nhân văn, qua những hành vi chính trị chân chính, qua những cuộc chuyển đổi xã hội tốt đẹp, qua nếp sống, lối sống và cách sống mỗi ngày thêm tươi sáng.
Với tiêu chuẩn trên, Phật giáo cũng không phủ nhận những tiến bộ của kỹ thuật khoa học phục vụ đời sống con người, nhưng Phật giáo không thể làm ngơ trước các thế lực vật chất sử dụng các phương tiện vật chất để khống chế con người, biến con người thành thứ nô lệ vật chất. Nỗi băn khoăn nhất của thức giả thời đại là đang phải chứng kiến đà phát triển vĩ đại của kỹ thuật, trong khi đó, các lĩnh vực tư tưởng không theo kịp với sự phát triển đó, khiến cho con người mất hướng, phải cắm đầu chạy theo những phương tiện vật chất, biến mình thành những công cụ cho các thế lực vật chất. Thế giới đang đánh giá nhau bằng những hỏa lực cuốn hút hủy hoại môi trường sống của con người, nhất là sinh hoạt chính trị. Mạng sống con người được sử dụng như phương tiện trao đổi lấy một số quyền lợi vật chất. Nếu phải nói tới mục tiêu tối hậu của Phật giáo đối với thời đại thì mục tiêu đó là làm sao cho con người thoát khỏi cảnh lệ thuộc vật chất để tiến lên, hướng những tiến bộ kỹ thuật vào việc phục vụ con người. Mà đích thực con người mới là cứu cánh của kinh tế. Chứ không phải "Kinh tế quyết định tất cả" như chủ nghĩa Duy Vật hằng chủ trương. Chỉ như vậy, thế giới mới có hòa bình, xã hội mới hết bất công, sinh hoạt chính trị mới không lầy lội trong vòng tội lỗi, kỹ thuật khoa học mới không quay lại tiêu diệt nhân loại; các nước lớn mới không coi các nước nhỏ là món hàng trao đổi quyền lợi; các nước nhỏ mới không coi các nước lớn là đế quốc; cuộc sống tiến bộ đích thực mới đến với thế giới loài người.
Tới đây, hẳn nhiên, các bạn đã thấy sứ mạng vô cùng trọng đại của Phật giáo và các tổ chức, các tôn giáo mang tính chất văn hóa đến mức độ nào rồi. Đến đây, hẳn nhiên các bạn cũng đã thấy sứ mệnh của chính mình, và những công việc chúng ta phải làm trong hiện tại cũng như trong tương lai. Sứ mệnh càng trọng đại càng nhiều kháng lực lớn lao. Phải tìm cho ra những kháng lực đó để chế cản và đi lên, đó là phần còn lại trong buổi thảo luận hôm nay của chúng ta. Tất nhiên chúng ta không thể tìm tới hết thảy mọi vướng mắc được. Bởi đó chúng ta chỉ bàn tới những nét đại cương, và chuẩn bị sẵn sàng đón nhận kháng lực bất cứ từ đâu tới trên bước đường phục vụ của chúng ta. Có như vậy gặp thất bại mới không làm ta ngạc nhiên và nản lòng; làm được việc gì có hiệu quả mới không tự kiêu, tự mãn. Vì kiêu mạn và thoái chí đều là những tai hại như nhau.
Kháng lực khó vượt qua nhất phải kể là kháng lực phát sinh tự chính bản thân. Sự tham lam, lười biếng, mặc cảm, đố kỵ, thiếu sáng suốt...là những kháng lực lớn nhất trong hành trình phục vụ của chúng ta. Bởi đấy, chúng ta phải tạo được cho mình một tâm bình đẳng, một trí minh mẫn, một đức nhẫn nhục, tức là quyết tâm thể hiện đạo pháp từ bi, trí tuệ và hùng lực để đi lên, không một mặc cảm, không một manh tâm thủ lợi, không một đố kỵ phân ly, có nghĩa là chúng ta phải tự giải thoát chúng ta khỏi cái "ta" hẹp hòi vị kỷ, ngu tối và lười biếng. Khi chúng ta đã thoát được những kháng lực tự thân thì chúng ta mới không biến chúng ta thành những kháng lực của đại cuộc. Những người đồng hành của chúng ta không bao giờ sợ chúng ta có những âm mưu lợi dụng đen tối. Đồng hành thực sự trở thành đồng tâm nhất trí và quyết tiến tới thì lo gì không hoàn thành sứ mệnh đối với dân tộc và nhân thế.
Với những kháng lực, thực ra nhiều lắm, không một việc gì ta làm mà không có kháng lực. Kháng lực do những người thương ta mà không hiểu ta. Kháng lực do những người thù ta vì sợ ta làm thiệt hại tới quyền lợi của họ... Kháng lực về những thiên kiến, bảo thủ của các tập thể cùng sống trong xã hội. Kháng lực của thiên kiến về điều kiện không gian, thời gian mà ta muốn phục vụ... Phương pháp đối trị với những kháng lực đó, nhất thiết đạo Phật không dùng tới biện pháp tiêu diệt đối tượng sanh ra kháng lực, mà là giác ngộ những thế lực đó để họ không còn là kháng lực nữa. Đối với thiên nhiên là một kháng lực vĩ đại với kiếp sống của mỗi con người, thì chúng ta phải làm sao cho công trình chúng ta theo đuổi có những người tiếp tục trường kỳ.
* Về Vấn Đề Giác Ngộ, đối với tha nhân và các tập thể khác, người Phật tử không thể dùng phương pháp cao áp mà, từ xưa, người Phật tử chân chính đã lấy chính bản thân và cuộc sống mình để thuyết phục giác ngộ người. Hãy sống một cuộc sống giác ngộ, chúng ta sẽ dễ dàng cảm hóa được tha nhân tự giác. Chính chư Phật cũng chỉ là gương giác ngộ cho chúng ta. Còn sự giác ngộ phải phát xuất từ tâm thức chúng ta. Nói cho người ta nghe, nhưng đừng cho đó đã thuyết phục được người. Chúng ta chỉ thuyết phục được người bằng chính cuộc sống của chúng ta. Lời nói và chữ nghĩa phải phát xuất tự chính cuộc sống đó, chúng ta mới mong tạo nổi niềm tin yêu nhận biết của người khác.
Các bạn, tôi muốn nói với các bạn là, bất cứ công việc gì bạn làm để góp sức xây dựng và làm tốt đẹp cho cuộc sống, bạn đều có thể nên làm, cần làm, miễn rằng chính bạn phải trở nên tốt lành, và những hành vi bạn làm trong lĩnh vực và nghề nghiệp của bạn đem lại lợi ích cho tha nhân, cho cuộc sống. Hãy thể hiện đạo pháp ra trong cuộc sống riêng cũng như chung của bạn.
Dân tộc Việt Nam đang đòi hỏi bạn phải sống một cuộc sống giác ngộ và quyết tâm thay đổi vận mệnh của xứ sở đã quá đau thương này.
Đạo Phật Việt Nam không phải nằm trong các nơi cổ tự, trong các tu viện, thư viện, mà kho tàng Phật giáo Việt Nam đang tàng chứa trong tâm thức người dân Việt Nam, nhất là nơi người nông dân chất phác muôn đời với ruộng đồng cần mẫn. Bạn hãy đến đó để làm bừng lên cuộc sống của đạo pháp, và đấy cũng là tinh thần truyền thống của dân tộc ta.
Tinh thần tự chủ của dân tộc cũng là tinh thần tự chủ của Phật giáo, cần phải được viện cầu tới để đưa dân tộc ta ra khỏi cảnh tủi nhục hiện nay. Tinh thần dung hòa đối với các nước bạn cũng là tinh thần truyền thống của dân tộc và của đạo Phật đại đồng, các bạn hãy lấy đó làm thế cách sinh hoạt giữa thế giới mở rộng hiện nay. Tinh thần bao dung đối với các tôn giáo khác của dân tộc cũng chính là của đạo Phật, các bạn hãy lấy đó làm phương châm xử thế đối với các tập thể khác để vận động một cuộc đại đoàn kết dân tộc. Tinh thần tha thứ cho kẻ thù địch khi thất thế của dân tộc và của đạo từ bi, các bạn hãy lấy đó làm tiêu chuẩn đãi ngộ, với các thế lực vô minh, muốn nhận chìm dân tộc của các bạn mãi mãi xuống vùng tối tăm. Đừng quan tâm tới việc xây chùa và cơ sở Phật giáo cũng như gây thanh thế cho Phật giáo. Điều đó không cần. Những thứ đó có thể phá hủy đi được. Miễn là các bạn và toàn thể dân tộc cũng như nhân loại sống trong tinh thần của đạo pháp. Dù cho đạo pháp đó có mang tên gì cũng được. Đừng quan tâm tới từ ngữ. Chỉ nên xét tới nội dung của đạo pháp đó có phải là phương pháp giải thoát cho tự thể và cho cuộc sống chung một cách hiệu nghiệm hay không mà thôi.
Nói như vậy, không có nghĩa là tôi đã khích lệ cho sự vọng động của tâm tư. Nói như vậy, là tôi muốn nói tới tiếng nói đích thực của đạo Phật. Còn đối với chúng ta đang sinh sống trong nghiệp lực chưa thực sự thoát đạt, chúng ta cần phải tiến lên từng bước rất vững chắc, từ sự tu chứng bản thân theo đạo pháp tới việc phục vụ dân tộc và nhân loại. Và như tôi đã trình bày ở trên, môi trường của người Phật tử hiện nay là giáo hội, chúng ta phải làm cho môi trường đó trở nên có tổ chức tốt đẹp và bền chắc để làm thành đại lực cho sự đi lên của dân tộc và thế giới, trong chiều hướng thoát cảnh khổ đau tranh chấp, bất công và nô lệ vật chất.
Một cuộc sống giải thoát biểu hiện nơi chúng ta.
Thích Đức Nhuận