Ra mắt tập thơ: Miền Đất Bình Yên-Nguyễn Quốc Học
Admin - Ngày đăng: 00:42:12 07-01-2019
Có một nhà thơ đã viết: «Ai cũng một nơi để từ đó ra đi và muốn được trở về. Và ai cũng có những nơi chốn chỉ ghé qua thôi, nhưng cứ nhớ thương, hoài niệm. Thơ là ngôn ngữ thích hợp nhất để nói về những nơi chốn ấy». Tôi đặt chân về Đắk Nông trên 15 năm, ở với miền đất này 7 năm, và miền đất bình yên, với cảnh vật tú lệ, thời tiết ôn hòa...tất cả..tất cả như tái hiện lại trong tác phẩm của KTS Nguyễn Quốc Học
Hiện tại, ấn phẩm mới chính thức ra mắt bạn đọc vào ngày 6/1/2019, chỉ vỏn vẹn 500 bản dành tặng bạn bè thân hữu. Sau đây Ban biên tập Phatgiaodaknong, trang tin về Phật giáo và Tây nguyên xin mến trích dẫn bài viết của tác giả Hồ Sĩ Bình về đầu sách này.
Trong đời mình, tôi thường có những chuyến viễn du về nhiều miền đất. Tôi xem đó là một hạnh phúc của kiểu rong chơi đây đó để tìm hiểu khám phá bằng những cảm nhận riêng mình. Có nơi chưa hề đặt chân đến lần nào nhưng trong sâu thẳm của lòng mình vẫn ước ao đến nơi ấy. Đã lâu lắm, trong một lần nhàn du nhiều ngày ở vùng quê Bắc bộ, lên vùng cao rồi về miền xuôi, mấy người bạn cùng đi đã thấy vừa đủ để trở về Nam. Tôi năn nỉ bạn ở lại để lên Mai Châu một chuyến. Vì Mai Châu không có trong chương trình, nhưng thấy tôi nằng nặc đi cho bằng được nên bạn bè cũng chìu. Thật ra tôi thích dọc theo sông Đà để lên Tây bắc và đặc biệt là Mai Châu chỉ vì một câu thơ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi và bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng. Tôi qua Trung Quốc, đất nước có rất nhiều nơi để tham quan, lạ một điều, tôi vẫn thích nhất là đến thăm Hàn Sơn tự, cũng do mê bài thơ Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế. Tôi chưa đến Pháp, nhưng nếu có cơ hội đến thủ đô ánh sáng chắc chắn tôi sẽ đến cầu Mirabeau, nơi mà Apollinair với bài thơ Dưới chân cầu Mirabeu. Chỉ mới yêu một bài thơ để rồi khao khát đến cái vùng đất ấy không chỉ riêng tôi. Hồi đi học ở Huế, nhiều bạn ở Nha Trang ra học, mới đặt chân đến cố đô, họ cũng đòi tôi đưa về Vĩ Dạ - cũng chỉ vì lỡ thương bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử…
Không nghi ngờ gì nữa, văn chương, thơ ca đã làm thức dậy trong lòng ta một giấc mơ về một vùng đất đã trở thành trong tâm tưởng dù mình chưa một lần đặt chân đến. Trong những trường hợp này, thơ ca còn có sức mạnh hơn tất cả những guide-book…
Tôi đang nói về tập thơ Miền đất bình yên của Nguyễn Quốc Học với miền nắng gió Gia Nghĩa – Đăk Nông, miền đất cỏ hoa mộng tưởng của anh, với “phía mạn đồi hoa nở khắp lối vàng, với căn nhà nhỏ trên đồi hoa rợp phủ,… Không khoe sắc như hoa vàng uyển lộc/ Nép bên đường phủ rợp bóng chiều tà/ Hoa khao khát đất trời thu ở lại/ Miền bazan quyến rũ hóa nên thơ. (Đồi vàng). Đó chính là hoa dã quỳ tựa hồ Nazuna, từ miền xa vọng lại, là một loài hoa đặc hữu của Tây nguyên và ĐăkNông. Trong tập thơ Miền đất bình yên, tác giả viết rất nhiều về loài hoa này bằng một nỗi xao xuyến đến kỳ lạ, với rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Khi thì như “người tình nào đến vội/ mà rợp vàng bên đồi lặng lẽ thôi”, khi thì e ấp, lặng thầm “dịu dàng nhưng cháy bỏng”. Và loài hoa đó đã tham dự vào đời sống tình cảm của nhà thơ trong nỗi say đắm đầy mê hoặc “Loài hoa đứng bên đời thường e ấp” Loài hoa đó đã theo anh suốt bao năm tháng, cả những nỗi nhớ dằng dặc khi cách xa.
Không chỉ là hoa, miền đất bình yên ấy còn là xứ của ngàn thông lồng lộng gió ngân nga khúc hát “Đứng bên đồi thông hát khúc ngân vàng”và là “miền sơn cước của những hồ nước hoang dã” một màu “thu thủy cộng trường thiên nhất sắc”, luôn tạo ra những cảm hứng cho thi nhân trước bao la của trời đất: Núi đồi xanh bóng nước dặt dìu/ Mặt hồ đông gợn sóng cánh buồm nâu. Cảnh sắc thiên nhiên của miền cao nguyên M’Nông ấy rất đỗi thơ mộng. Mùa thu, những ngọn đồi vàng rực. Vàng lá, vàng hoa, vàng nắng, vàng mây, vàng cháy cả lòng ta trong nỗi niềm yêu thương mong đợi trong những khúc tự tình Về chưa em? Thị xã đã vào đêm/ Con đường nhỏ gió trái mùa đã thổi/ Em có nghe hương rừng về phố mới/ Có tiếng lòng mang lưu dấu của tàn nua/ Về chưa em? Thị xã trở sang mùa/ Hoa vàng nở trên đồi dần nhạt úa. (Khúc tự tình mùa thu). Những hình ảnh trong thơ núi đồi xanh biếc, mặt hồ cánh buồm, gió trái mùa, hương rừng về phố mới, hoa vàng trên đồi như những liên khúc ngọt ngào về một miền yêu dấu làm ta chợt nhớ đến mùa thu vàng đến ngất tạnh của nước Nga trong tranh của Levitan.
Cái thị xã ấy, nhỏ nhắn thân thương mềm mại như bàn tay con gái, lên dốc xuống đồi như một bài thơ của núi rừng. Phố thị ấy đối với Nguyễn Quốc Học nó thân thương như một mái nhà nơi cố quận. Anh viết về phố bằng những câu thơ đầy hình ảnh mênh mang niềm say đắm, không chỉ khi xa mà ngay khi ở trong lòng phố vẫn nhớ phố với những thao thức u hoài: Thôi về nhé đêm qua vừa trở gió/ Giá hơi may đùa cợt mảnh trăng rừng/ Thao thức hoài miền phố vấn vương?/ Mong sót lại cánh tàn thu mỏng mảnh (Khúc tự tình mùa thu). Ở trên cao phố thị đã sang mùa/ Màu khói tản nhẹ trôi nong trời biếc/ Mấy độ về rồi mây vàng pha lụa dệt/ Qua kẽ tay gió nhẹ thổi lưng đồi … Màu mắt thu nhè nhẹ đến bên đời/ Con dốc đứng nép mình xa vô tận/ Chốn lặng yên rợp phủ động hoa vàng. (Chiều vàng trong nỗi nhớ). Toàn là những câu thơ miên man để tụng ca về một miền đất tuyệt vời trên cao nguyên.
Khi viết về phố, bóng dáng người nữ vẫn luôn xuất hiện thấp thoáng, có khi in đậm trong nỗi niềm hạnh ngộ của nhà thơ, có khi là cụ thể, có khi là sương khói trần gian trong tâm thức tìm về của nỗi nhớ. Ở đó, có thể là người bạn đời, là một bóng hình mới neo đậu đã xa khuất, có khi chỉ là hình ảnh đối trọng hư tưởng trong thơ để thể hiện nỗi say đắm mơ màng của mình. Hay em chính là phố. Phố có phải là em. Phố đối với thi sĩ là tổng hợp cho mọi hình bóng. Hiện thực và chủ thể sáng tạo có khi cũng hợp nhất. Ta yêu phố cũng như ta đã yêu em: Về với phố bình yên/ Là khúc ru vẫn lớn/ Hiện hữu mãi trong anh/ Và có em nữa vậy…(Nắng khuya). Ta ngây đắm bóng xuân về phố thị/ Chén rượu đào say ngắt cố lả lơi/ Phố bẽ bàng bén rễ gót phiêu du/ Thôi lần lữa phút giao thừa chạm phải… (Bóng xuân rừng phố)
Nói là rất thực nhưng thật sự phố ấy trong mắt nhìn, trong cảm thức vẫn một vùng mơ màng khói sương huyễn hoặc với bóng hình người yêu dấu: Phố về đông chạm phải đầu môi/ Em cứ nghẹn để rồi sao bất khóc/ Phố trong anh có điều gì rất thực/ Để em kiếm tìm chiều xuống mãi bâng khuâng…
Tinh yêu vùng đất bình yên ấy trong thơ Nguyễn Quốc Học được cắm rễ từ những ngày thơ ấu khi chập chững theo cha lên vùng đất mới. Trong ký ức vẫn là hoa dã quỳ, vẫn là Những nẻo đường bụi mịt mờ/ Con đốc nào ba mẹ đã dừng chân. Đó là những năm tháng đất nước còn gian khó, gia đình anh từ Quảng Ngãi lên lập nghiệp ở Đăk Nông. Cảnh sắc núi đồi chập chùng phố thị đìu hiu vẫn còn đọng lại trong ký ức về những cánh rừng, tiếng gà bên kia đồi vọng lại giữa màn sương vẫn để lại trong anh những bổi hổi bồi hồi: Thị trấn nào bình yên tôi lớn thêm/ Tiếng gà rừng gáy ran, màn sương đêm tĩnh lặng/ Ánh lửa sáng nhà ai giăng củi thơm rừng mới dựng/ Để đến trường tản bộ lẩn vào sương… (Thị trấn bình yên). Chao ơi, những năm tháng ấy thời tuổi trẻ mơ mộng đầy trời, tôi từng sống ở đây. Phố cũng chỉ mấy dãy nhà tuềnh toàng trên đồi nhưng rất đỗi thân thương, gần gũi. Tôi ở trong chùa, thường đi bộ lên phố chợ trên đồi để uống cà phê. Ngày ấy, hoa dã qùy cũng đã ngập tràn trên lối đi, trên những triền đốc đầy hoa nắng. Mấy chục năm rồi mà màu hoa ấy vẫn còn xao xuyến trong tôi những đêm mất ngủ. Thơ của Nguyễn Quốc Học đã làm thức dậy trong tôi một nỗi nhớ da diết về phố núi Gia Nghĩa, lòng chỉ muốn có lần được quay về. Không hiểu sao tôi lại nhớ quyển sách Dagestane của tôi của Raxun Gamzatôv viết về xứ sở trên vùng núi Kapkazơ có dân tộc Avar của nhà văn. Sách như một dạng ghi chép bằng văn xuôi mà được viết như thơ. Đó là những trang tuyệt bút mà tôi đã đọc trong một nỗi rung cảm đến ngây ngất. Sách đọc mấy chục năm trước, ngày ấy đã neo đậu vào suy nghĩ của tôi rằng, sáng tạo văn chương nhiều khi không phải tập trung vào một đề tài gì to tát, chỉ với tấm lòng và tài năng, đôi khi chỉ là một ngôi làng nhỏ bé như Dagesstane của tôi đã để lại cho nhân loại một tuyệt phẩm còn lại với thời gian. Một nhà văn Nga từng nói, đại ý: “Nếu đi hết ngôi làng của mình ta sẽ gặp nhân loại”. Gia Nghĩa, đã trở thành miền đất tâm tưởng trong tôi nên khi đọc thơ của Học viết về miền đất này, trong tôi không khỏi rộn lên mối cảm hoài, có ai đó thầm thỉ như một nỗi nhớ thầm…
Tôi chưa hề gặp Nguyễn Quốc Học, chỉ biết anh là một kiến trúc sư, vì yêu miền đất bình yên này anh đã trở lại Gia Nghĩa làm việc. Anh mở lớp dạy vẽ cho các em học sinh, xây dựng một tủ sách gia đình đến mấy ngàn cuốn, thiết kế những công trình dân dụng tại địa phương theo xu hướng của kiến trúc xanh… Và bây giờ là thơ, là nhạc viết về nơi chốn này như một miền tâm tưởng. Rõ ràng , anh đã sống hết lòng cho nơi mình đang sống trước hết trong tư cách của một công dân. Đọc thơ của Nguyễn Quốc Học, dễ nhận ra một tấm lòng tha thiết yêu thương mênh mang của anh. Không có được tấm lòng ấy khó mà viết được cả hàng chục bài thơ và nhạc chỉ với một đề tài như thế. Nhà thơ không những yêu thương mà còn là tự hào và thầm cám ơn đất và người nơi ấy đã nuôi dưỡng anh, đúng như nhà thơ Kahlil Gibran đã từng viết: - Wake at dawn winged heart and give thanks for another day of loving. Vâng, cuộc sống dẫu thế nào, mỗi sớm mai thức thức dậy vẫn thấy lòng mình rộn rã niềm yêu thương.
Hình như thi ca ngoài những chức năng đã biết còn có một chức năng khác nữa là chức năng du lịch, có sức quyến dụ người đọc một lần trong đời đến thăm miền đất mà thơ ca đã nặng lòng thương mến. Tôi không hề dám làm một công việc hết sức chủ quan để so sánh với ai khác nhưng tôi tin một điều, thơ của Nguyễn Quốc Học ít ra cũng làm lay động trái tim người đọc để có thể yêu thương miền đất bình yên ấy…
* Hồ Sĩ Bình
(Nhà xuất bản Hội Nhà văn)
Các Tin Khác