Ra mắt tập thơ Trở Mùa-Nguyễn Quốc Học
Admin - Ngày đăng: 15:13:04 18-06-2019
Chiều hôm nay ngày 18/6/2019, chúng tôi rất vui được nhận tập thơ "Trở Mùa" của Kiến trúc sư, nhà thơ, họa sĩ Nguyễn Quốc Học, và đây là tập thơ thứ 2 của một người con Gia Nghĩa Đắk Nông mà Ban biên tập muốn giới thiệu đến quý đọc giả qua bài viết của nhà văn Hồ Sĩ Bình
Sau tập thơ Miền đất bình yên ra mắt với bạn đọc mới được mấy tháng, tôi lại nhận được tập thơ mới Trở mùa của Nguyễn Quốc Học cũng với đề tài về vùng đất Nam Tây nguyên ấy. Tôi cảm thấy hơi lo bởi không biết rằng với một đề tài mà anh đã “cày xới” vùng đất ấy khá nhiều, bây giờ vẫn tiếp tục”vỡ đất hoang” thêm nữa liệu có tạo ra sự nhàm chán cho bạn đọc và ngay cả chính tác giả hay không, nhất là khoảng cách thời gian chưa đủ độ dài để nén lại, chiêm nghiệm… Nhưng có lẽ tôi không nên lo xa như thế. Đọc hết tập thơ Trở mùa, lòng tôi là miên man trong những cảm xúc đứt quãng, mơ hồ, bâng khuâng bởi thật ra tôi tìm thấy trong thơ của Học hình ảnh của chính mình trong một không gian thơ nhiều giai điệu và màu sắc của núi rừng. Là người từng có những năm tháng tuổi trẻ gắn bó với Đăk Nông, thơ của anh làm tôi nhớ đến căn phòng nhỏ trong ngôi chùa trên đồi với những đêm khuya khoắt, vầng trăng sáng lộng lẫy xuống rất thấp dưới tầng lá xạc xào ngoài hiên vắng; con đường nhỏ trong rừng, những ngọn đồi “khát nắng, khát bỏng” đốt rẫy trồng khoai mì của những năm tháng đất nước còn khó khăn; những đêm đi lao động ngủ lại trong rừng, những lớp học ấm áp thương yêu, hương rừng ngan ngát, quán cà phê góc phố nhỏ những buổi sáng mù sương… Tôi đã quên đã nhớ, nhưng thơ của Học đã đánh thức trong tôi một nỗi hoài vọng về nơi chốn ấy những năm tháng tuổi trẻ mộng mị đầy trời. Không chỉ thế nhà thơ còn giúp tôi những cảm nhận về xứ sở hoa quỳ vàng mà trước đây nhiều năm tôi vẫn chưa kịp nhận ra, chưa kịp khám phá.
Rõ ràng sự cảm nhận trong thơ Quốc Học giúp ta nhớ lại những điều tưởng đã trôi vụt đi, như thời tiết của xứ ngàn thông. Này nhé, một ngày ở Đăk Nông nhiều khi có tới bốn mùa: Trưa nóng bức để trời đêm rét đậm/ Rét căm căm theo mãi cuối bìa rừng. Buổi sáng là “ra xuân áo choàng”, trưa là mùa hạ với màu vàng rộ khắp nẻo đường qua/ chiều là mùa thu dấu lá vàng qua đã động/ đêm đến đông về rét đậm. Ngay cả trong mùa xuân với màu mây xám lạ lùng: Ngày mới đến xuân về màu rất lạ/ Mây xám trên đầu đợi mưa về trắng xóa. Ngay buổi giao mùa, trở mùa trong thời tiết của Đăk Nông cũng khác so với nơi khác, khi mùa đông đến lá bàng chuyển dần sang đỏ và rụng cũng là lúc một số loài hoa rừng khác lại ra hoa, khoe sắc
Trong Trở mùa, tình yêu đôi lứa được thể hiện đậm hơn, với nhiều cung bậc khác nhau nhưng đều hòa quyện gắn bó với những cảm xúc gắn chặt với những khoảng trời rêu, hoàng hôn đỏ, cung tơ chiều, cơn mưa vội… của miền đất tâm tưởng. Đối tượng trữ tình trong thơ của anh là hình bóng của “em” một người nữ mơ màng trong sương khói, nó vừa cụ thể vừa mong lung, nó vừa xa xôi vừa như đối trọng của cảm hứng nghệ thuật. Đồi vẫn muôn trùng tựa bóng ngả mênh mang/ Anh giữ lại kỷ vật vừa chôn dấu/ Với dáng huyền ngỡ ngàng mưa trút vội/ Vào vai anh lẫn màu mắt nhạt nhòa… Nhiều khi nó gắn liền với một nỗi nhớ xa xăm nào đó: Thuở ban đầu qua rồi còn nhớ vội/ Còn tuổi nào ngóng cơn mưa chiều nay… lại bỗng gần gũi hiển hiện trong đời thường: Có tắt đi khi em xa phố nhỏ/ Khoảng giao thời rừng thắp nỗi chơi vơi.. Thế giới hình tượng trong thơ Nguyễn Quốc Học sinh động, lấp lánh, không chỉ nhờ sự giàu có về cảm xúc, mà còn lay động, được chi phối một cách năng động bởi hình tượng tác giả. Sự xuất hiện của “em” trong thơ, cũng là biểu hiện một tình cảm bình thường trong sự gắn chặt, sự nuôi dưỡng mối quan hệ thân thuộc của người và đất. Đất bazan đỏ màu chiều xế bóng/ Em lại vui như thể nắng bên lòng. Rõ ràng tình yêu của tác giả dành cho “em” cũng gắn chặt với đất đỏ bazan, với phố hoa vàng, sông suối... và ngược lại, tình yêu đó không thể tách rời.
Chỉ cần nhìn vào các tiêu đề, người đọc dễ nhận trong không gian thơ của anh chứa đầy những cảnh sắc, những hình ảnh về nơi chốn mà anh từng neo đậu, từng ra đi để trở về, để trở thành những nỗi ám ảnh khôn nguôi: Tìm về miền lá đỏ, Giọt nắng về đông, Miền đất sống, Gội lại phố rêu, Phố đồi khuya, Hoàng hôn đỏ, Rừng về phố mới… Tình yêu dành cho mảnh đất mình đã sinh ra nó ngọt ngào lắng đọng đôi khi đến ngây ngất. Không có gì phải nghi ngờ gì nữa đó là một tình yêu tận hiến, tình yêu hiến dâng không hề tính toán, dành cho những gì mình trân quý nhất.
Hành trình sáng tạo với độ chín của thời gian và trải nghiệm chiếm lĩnh hiện thực, thơ Nguyễn Quốc Học dần đi vào chiều kích của độ lắng, của tầng sâu xúc cảm đan xen giữa những “miền nhan sắc” của cái đẹp…. Nhiều khi, không chỉ ở một nơi mà nhớ một nơi, mà nỗi nhớ cất lên ngay cái nơi mình đang sống. Nhớ triền đồi buông xuống cũng hanh tàn/ Dưới tán là rừng chỗ quen nào khoan nhặt/ Màu cỏ xanh đếm nỗi khúc giao mùa… Đọc bài thơ nào của Học, lạ lắm, đều rung lên một nỗi nhớ. Đó là nỗi nhớ xô nghiêng, khiến thơ anh thành ra đa nghĩa. Điều này cũng đúng trong sáng tạo nghệ thuật. Thơ ca vốn tư duy bằng hình ảnh. Cảnh vật của Đăk Nông cũng là những hình ảnh đặc trưng với những ngọn đồi hoa vàng, con dốc, giọt nắng, chiều rơi, hoa dã quỳ… xuất hiện trong thơ Học với những tần suất, dáng vẻ, màu sắc khác nhau bằng một cái nhìn tâm cảm hết sức say đắm, nồng nàn… Chỉ là phố thôi mà bao nhiêu hình ảnh hiện lên phất phơ trong những cảm thức khác nhau, chỉ một con phố Gia Nghĩa mà nhặt ra trong rất nhiều bài:, đó là màu vàng trên áo đầy tính ẩn dụ Lấp lánh hoa rồi dặt dìu phố nhỏ/ Vai áo anh đi “cơn mưa vàng”… rồi dùng dằng mưa nắng Dập dìu cơn mưa dùng dằng thức giấc… Phố ấy của rừng tím biếc một màu hoa Phố với rừng khúc hát sóng xa êm/ Hoa có tím giữa mùa thu phố gọi…. và những câu thơ mênh mang phố và em Anh về đến phố chào trong niềm nhớ/ Góc rêu phong quá nửa dấu hài mang/ Em bỏ đi tháng năm quên mất tuổi/ Để dạ hương phủ xuống tóc bạc đầu… Phố dặt dìu thấp thoáng đáy hồ trong/ Sao chợt mát như bàn tay thiếu nữ…. Phố lại mong manh trong hương rừng quấn quýt: Với đồi nương khói xanh rồi trở ngát/ Ướp hương thêm ngày phố cạnh bóng rừng… Ngay cả nắng cũng đổi thay theo từng góc cảm, góc nhìn đầy tâm trạng.
- Nắng khuya mềm dưới lòng chân…
- Giọt nắng đi đâu để phố vắng ngại ngần...
- Giọt nắng cuối in hình đốm lửa..
- Nắng vừa tàn trên vai gầy phố thị/ Áo lụa bay trước cửa gió vội vàng…
- Nắng tràn cuối đường lối mòn xưa xói nặng…
- Mùa oi ả nắng tràn khắp ngả/ Trời cũng giao mùa tiếng ve inh ỏi thế….
Tôi đếm lại, ngay từ “phố”, “nắng hay” một vài hình ảnh đặc trưng khác, tác giả nhắc lại cũng hơn 30 lần rải rác đây đó trong suốt tập thơ, nhưng không hề lặp lại về mặt ý nghĩa mà nó được nhận diện khác nhau vì tất cả những hình ảnh ấy đều thuộc về tâm cảm, phản ánh nội tâm của chủ thể sáng tạo. Trong Truyện Kiều, tiếng đàn của Kiều nhi xuất hiện tới bốn lần, mỗi lần tiếng đàn đều mang một âm giai khác nhau , thể hiện tâm trạng của Kiều qua từng thời điểm, từng khúc quanh trong cuộc đời của minh. Vầng trăng trong truyện Kiều cũng vậy, cũng chỉ là biểu hiện hình thái của nội tâm con người…
Vâng, khi người ta yêu phố ấy, nắng gió ấy bằng một tình yêu đắm đuối, da diết, nụm nịm mới có những cảm thức không ngừng khơi gợi như thế để có khi ta bị dẫn dụ vào một súc hút của từ trường thế giới thi ca của anh.
Từ Miền đất bình yên cho đến Trở mùa đã có những chuyển biến về mặt thi pháp Tập thơ trước nặng về biểu hiện, chân thực, Trở mùa với cảm hứng chủ đạo nặng về hoài niệm, vào thế giới bên trong của nội tâm. Mắt em hửng hờ lời chào qua phố lạ/ Anh ngẩn tìm khoảng trống lấp từ xa/ Tóc buông dài để quá khứ tàn nua/ Không còn nữa thuở thời màu hoa đỏ. Đó là một niềm tiếc nuối quá khứ của một thời hoa đỏ đã mất đi, một khoảng trống chẳng bao giờ khỏa lấp. Anh ghé lại níu kéo thời trai trẻ/ Thuở ban đầu hoa rơi nhiều lắm thế/ Góc trời xưa đôi nửa bóng vai gầy… Ký ức được thể hiện trong thơ dù đôi khi chỉ thoảng qua nhưng cũng cứ bàng bạc một nỗi niềm vọng tưởng xa xót. Thi nhân lại nhớ đến những năm tháng khó khăn của cuộc sống vùng cao, những ngọn đồi khát bỏng, đốt rẫy trồng sắn Anh tìm đến đồi xanh còn mỏi khát… Em cũng khát khi rừng sang quạnh vắng… Vì đã khát ban chiều hừng hực đỏ… Ngày xưa, từng có một nhà hiền triết Hy Lạp từng đứng khóc ròng rã bởi không được tắm trên dòng sông được hai lần. Nhà thơ tự ý thức rằng thời gian thì không bao giờ trở lại nhưng ký ức thì không, nó càng lúc càng sống dậy bằng nỗi nhớ vô cùng. Trong Trở mùa, nỗi nhớ như dằng dặc, như thao thiết, thầm thì, những câu thơ đôi khi như một sự nhắn nhủ, gởi trao một niềm tâm sự. Có lẽ vì vậy thơ anh dễ tạo ra sự đồng cảm trong lòng bạn đọc.
Nguyễn Quốc Học có ý thức trách nhiệm với từng câu chữ và rất cẩn trọng với mỗi nhịp điệu gieo vần, nên không lạ gì có nhiều bài thơ được chuyển thành giai điệu, thành những bài hát sâu lắng với ca từ rất đẹp và sang trọng được mọi người yêu nhạc ở Đăk Nông cảm mến. Thơ Học thường không thích lý lẽ mà chủ yếu là tình, tự nhiên như dòng suối chảy mềm mại, êm đềm, những câu thơ như quấn quýt ngọt ngào như tâm tình hiến dâng. Ngôn ngữ thơ càng lúc càng được khai phá tìm kiếm trong khát vọng biểu đạt sâu nhất của ngôn từ. Anh đã sử dụng nhân cách hóa, phiếm định, tạo ra sự liên tưởng, mở rộng và sâu hơn cho nội hàm của câu thơ. Đặc biệt là cách đặt từ không như thường sử dụng để thêm vào những từ khác làm cho câu thơ trở nên mới hơn, mông lung hơn. Những màu giá buốt áo choàng vai kim cổ. Màu của không gian thêm giá buốt… Màu tím giàn hoa giấy thở với đêm rất nhẹ… Bàn tay hái chiều về triền gió lộng… Buổi trưa về tắm lại phố rêu… Để anh còn trêu phố mãi cô liêu… Khép nắng rồi hơi thở hóa trên môi/ Hạt sương tứa từ gốc buồn tủi nhớ… Anh đã nhặt dạ hương về trước ngõ... Hoa đã thắp từng chùm xuân ý lạ
Nguyễn Quốc Học đã xuất bản 2 tập thơ, đã bước chân vào cái thế giới văn chương, tôi chỉ muốn thơ của anh càng phải chắt lọc hơn nữa, ngôn ngữ thơ cần có tính ẩn dụ, có sức gợi hơn, ẩn ức đa nghĩa. Cả hai tập thơ của anh đều gồm những bài thơ dài nối tiếp nhau, thể hiện một nguồn lực sáng tạo sung mãn của tác giả nhưng đối với người đọc cũng cần những khoảng lặng như một bài hát, nhẹ nhàng, êm dịu rồi có lúc thanh âm cao trào, điệp khúc…
Đăk Nông từ một huyện cực nam của tỉnh Đăk Lăk mới được tách tỉnh và thành lập độ 15 năm nay. Những tác phẩm văn học viết về thành phố này còn khiêm tốn. Tôi không ngại bày tỏ miềm yêu thương với Gia Nghĩa, Đăk Nông với miền đất rừng xưa phố thị một thời gắn bó, trong sâu thẳm của lòng mình vẫn mong muốn có nhiều sáng tác hay về vùng đất đầy nắng gió này. Vì thế, tôi rất quý mến Quốc Học, trước hết chỉ vì anh đã dành tất cả tình yêu một cách trọn vẹn cho Đăk Nông, bằng thơ ca âm nhạc.
* Hồ Sĩ Bình
Các Tin Khác